.

Yêu hơn nhờ… ăn cơm nhà

Cập nhật: 20:26, 29/01/2021 (GMT+7)

Lúc đang yêu, dù có đồng tình, đồng tâm, đồng gì gì đi nữa thì việc đồng lòng trong gu ẩm thực vẫn cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là được xếp vào vị trí thứ nhất. Ối dào, những bữa ăn như vậy thiệt “ngon lành cành đào”, còn do thêm lý do khác nữa: cả hai chẳng phải tất ta tất tưởi ra chợ hoặc vào siêu thị chọn chọn lựa lựa mua mua sắm sắm thực phẩm; chỉ bước chân vào quán, lên tiếng gọi ắt có ngay thức ăn ngon. Thế đấy, cần gì phải bếp núc cho nhọc xác. Mất thời gian. Khoảng thời gian đó, ta ngồi ngắm nhau, nhìn nhau, trò chuyện cùng nhau, có thích hơn không?

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Vâng, rất thích.

Rồi, sau này khi đã cùng chung sống một nhà, sở thích ấy có thay đổi không? Câu trả lời này, khó có thể có mẫu số chung vì mỗi người một hoàn cảnh, tùy lựa chọn. Nhưng rồi, đa phần vẫn không khác gì - nhất là với những ai đang làm việc công sở. Suốt ngày miệt mài chuyên môn, công việc sít sao, việc nọ xọ việc kia, vì thế cả hai khó có thể dành thời gian lo cho bữa ăn chung. Mất thời gian lắm. Chi bằng, cứ đến giờ ta cứ việc réo nhau: “Sáng nay/trưa nay/chiều nay ăn gì mình ơi?”. Đĩnh đạc bước chân vào quán. Có ngay thức ngon. Vậy, xong bữa. Khỏe re.

Muốn được thế, tất nhiên, trước hết họ phải có tiền. Đành rồi. Tiền để chi tiêu cho các bữa ăn nhưng nó không phải mối quan tâm bậc nhất vì dù xúng xính đầy túi hoặc dù chỉ ba cọc ba đồng, tiền cỡ nào đi nữa, hiện nay với các quán xá mọc lên như nấm nên ai ai cũng có thể tìm được nơi phù hợp. Cứ liệu cơm gắp mắm. Cứ khéo ăn thì no, khéo lo thì ấm. Có gì ăn nấy. Thậm chí, không cần ăn đi nữa, họ cũng thấy no như thường: “Cơm trắng ăn với chả chim/Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no”. Miễn là họ vẫn đồng tâm hiệp ý.

Thế thì, cần gì người phụ nữ phải biết thao tác bếp núc nữa?

Hiện nay, quán xá đã nhiều, đã phục vụ tận răng cho người tiêu dùng, nếu có thời gian thì vào quán, bằng không ngồi yên một chỗ chỉ cần bấm số điện thoại đã có người đem đến tận nơi. Tha hồ lựa chọn theo khẩu vị, theo sở thích, muốn gu ẩm thực Bắc-Trung-Nam hoặc cỡ Tây, Tàu, Ấn, Âu đi nữa thì cũng được đáp ứng ngay tắp lự.

Điều này, nhìn nhận ở một góc độ nào đó chính là nó đã “giải phóng” cho phái đẹp đấy chứ? Không phải lo toan bếp núc, họ có thêm thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hoặc nghiên cứu chuyên môn hoặc trò chuyện, tâm tình cùng chồng con hoặc… leo lên mạng xã hội “buôn dưa lê” vẫn thú vị nhiều. Ấy mới là hiểu, là thương vợ/người tình của mình vì luôn tạo cho họ điều kiện tốt nhất để tận hưởng niềm vui sống. Lập luận này, thoạt nghe qua, thấy hợp lý quá đi thôi. Nếu ai đồng tình xin vỗ tay một phát cho rôm rả đi nào.

Vỗ tay xong chưa? Rồi à.

Ấy là ta… bộp chộp, hấp tấp nghĩ thế. Thật ra, dù ăn ở nhà hàng 5 sao hay cơm bụi đi nữa, nghĩ cho cùng vẫn là “cơm hàng cháo chợ”. Thỉnh thoảng thì vui, hợp lý và ngon miệng chứ về lâu dài, hễ ngày nào cũng tếch ra quán, e cũng ớn tận cổ. Không phải mình đã ngấy món đó, nó vẫn ngon như thường; không phải do mình cạn xu, vẫn rủng rẻng đồng ra đồng vào, vậy mà mình lại không thích tái diễn mãi. Cơn cớ ra làm sao?

Đơn giản rằng, ăn không chỉ đưa thực phẩm cụ thể vào nuôi cơ thể mà nó còn cả yếu tố khác nữa. Với người phụ nữ, có nhiều cách biểu lộ tình chồng nghĩa vợ, còn là lúc trổ tài nấu bếp nữa. Cũng nguyên liệu đó, có thể họ chế biến không bằng đầu bếp đẳng cấp nhưng bù lại mỗi món họ nấu tại nhà dành cho chồng con còn có sự lo toan, tấm lòng chan chứa yêu thương… Ta thử nhìn lấy mâm cơm đạm bạc, chẳng có gì đáng giá nhưng rồi cả hai lại thấy ngon quá xá là ngon: “Đầu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Ngon ở đây còn do tấm lòng nghĩ về nhau, dành cho nhau.

Có những món ăn chẳng gì ghê gớm như cỡ phải gan trời, trứng rồng, phải cao lương mỹ vị, chỉ bình dị, tầm thường nhưng lại là nỗi nhớ quay quắt của nhiều đàn ông đàn ang. Sở dĩ như thế, vì họ ăn là ăn cả tấm lòng thơm thảo của vợ/người tình dành cho mình, chứ không phải ăn cốt no cho sướng miệng. Vì lẽ đó, phụ nữ từ ngàn xưa đến nay thừa biết tỏng “tình yêu đi qua đường bao tử”-âu cũng là một trong những cách lành mạnh nhất để giữ chồng, để được chồng yêu hơn chút nữa. Thương ơi là thương. Yêu ơi là yêu khi thưởng thức món chẳng tốn kém gì mấy tiền bạc, công sức nhưng vẫn thích hơn ăn tại nhà hàng sang trọng bậc nhất: “Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh bông lý, nấu chè hạt sen”. Cái ngon nằm trọn vẹn trong từ “thương” dịu vợi mà kín đáo. Và, xin thưa, phụ nữ thông minh thừa biết: “Cá nục nấu với dưa hồng/Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi”. Hóa ra, tài nghệ nấu bếp quan trọng đến thế sao? Đúng chóc.

Vậy nên, nói gì thì nói, dù tiền bạc cỡ nào, giàu có sang chảnh đến đâu đi nữa, thừa sức tiêu pha thừa mứa nay nhà hàng nọ mai nhà hàng kia nhưng rồi bữa cơm dành cho chồng con ăn tại nhà vẫn luôn luôn không thể thiếu. Rất cần thiết, nếu nghĩ rằng, chăm lo, vun vén hạnh phúc luôn cần, rất cần đến tài nghệ nấu bếp của người phụ nữ trong mỗi nếp nhà. Nói cách khác nó chính là chất men, chất xúc tác hâm nóng tình yêu mỗi ngày, từng ngày…

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.