.

PHỤC HỒI CHỨC NĂNG-VẬT LÝ TRỊ LIỆU: Cứu cánh cho bệnh nhân bị liệt

Cập nhật: 18:04, 22/01/2021 (GMT+7)

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về tăng cường đầu tư và phát triển công tác phục hồi chức năng giai đoạn 2015-2020, đến nay, hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh từ tuyến huyện trở lên đã được củng cố, tăng cường các nguồn lực để phát triển chuyên khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu (PHCN-VLTL), đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

Bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại BV Y học Cổ truyền.
Bệnh nhân tập vật lý trị liệu tại BV Y học Cổ truyền.

Bệnh viện (BV) Bà Rịa là một những đơn vị y tế tuyến tỉnh được đầu tư thành lập chuyên khoa PHCN-VLTL từ năm 2015. Nhờ đó, Khoa được trang bị đầy đủ các thiết bị phục vụ cho hoạt động trị liệu, phục hồi như: Máy hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, siêu âm trị liệu, kéo giãn cột sống, hệ thống oxy cao áp… Cùng với đó, đội ngũ nhân sự của Khoa cũng được bổ sung và liên tục được cử đi tham gia các khóa đào tạo chuyên môn nâng cao trình độ. Tính đến nay, khoa đã có 27 nhân sự làm công tác PHCN,VLTL; trong đó có 4 bác sĩ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận từ 130 – 140 bệnh nhân đến tập VLTL và PHCN. Chất lượng điều trị VLTL, PHCN ngày càng được nâng lên.

Bà Nguyễn Thị Thu Vân, 60 tuổi ở TP. Bà Rịa là một trong những bệnh nhân của Khoa đã phục hồi trở lại chức năng vận động sau gần 1 năm đều đặn, kiên trì tập VLTL. Bà Vân chia sẻ, hơn 1 năm trước đây, bà bị tai biến mạch máu não nên bị liệt nửa người. Kể từ đó, cuộc sống sinh hoạt, vận động, đi lại của bà đều phải dựa vào chiếc xe lăn và sự trợ giúp của người thân. Trong một lần thăm khám sức khỏe ở Khoa Y học cổ truyền của BV Bà Rịa, bà được tư vấn tập VLTL để PHCN vận động của cơ thể. Từ đó, mỗi ngày, bà đều đến Khoa để tập dưới sự hướng dẫn của các kỹ thuật viên.

“Từ cái ngày bị liệt, tôi không ngờ bây giờ mình có thể đi lại được. Giờ người tôi nhẹ nhàng hẳn, tay cầm nắm được vật nhẹ và đang tập đi. Điều trị lâu dài VLTL cũng không tốn kém, lại được thanh toán BHYT nên khá phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình tôi”, bà Vân nói.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Khoa VLTL & PHCN, BV Bà Rịa cho hay, từ khi thành lập cho đến nay, Khoa đã triển khai hầu hết các kỹ thuật PHCN, VLTL tuyến tỉnh. Các nhóm đối tượng bệnh nhân về cơ xương khớp, liệt sau đột quỵ, hô hấp… điều trị PHCN, VLTL tại khoa đều cho kết quả khá tốt, với tỷ lệ phục hồi đạt khoảng 85%. Hiện nay, 1 bác sĩ của khoa đang được cử đi học chuyên khoa I về PHCN để nâng cao chất lượng điều trị chuyên môn sâu hơn về lĩnh vực này.

Tương tự, Khoa PHCN- VLTL của BV Y học cổ truyền tỉnh được thành lập vào cuối năm 2017, cùng thời điểm thành lập BV. Khoa được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại phục cho việc triển khai các kỹ thuật trong VLTL, PHCN, rút ngắn thời gian điều trị cho bệnh nhân, như: máy điều trị bằng sóng xung kích, máy súng ngắn, máy laser nội mạch, máy siêu âm điều trị... Nhờ đó, bệnh nhân được thụ hưởng nhiều kỹ thuật VLTL hiện đại, tăng cơ hội bình phục cho họ.

Bác sĩ Phạm Việt Dũng, Khoa PHCN, BV Y học cổ truyền tỉnh cho hay, hiện nay, mỗi ngày, Khoa điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân nội trú và 150 bệnh nhân ngoại trú. Bệnh nhân mắc các bệnh lý bị tổn thương thần kinh sau đột quỵ, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau vai gáy… đều cho kết quả rất tốt sau quá trình tập luyện VLTL, điều trị PHCN; tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị đạt từ 75-85%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có BV Lê Lợi và 6 Trung tâm y tế tuyến huyện có Khoa VLTL, PHCN và 1 tổ PHCN của BV Tâm thần tỉnh. Số lượt điều trị PHCN ở các cơ sở này trung bình mỗi ngày là 700 bệnh nhân, số điều trị nội trú là 40 giường bệnh.

Theo Sở Y tế, chương trình PHCN của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị, PHCN sau tai biến, bệnh xương, khớp, chấn thương, khuyết tật vận động… của người dân trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ làm công tác PHCN cũng đã được bổ sung, bồi dưỡng chuyên môn về lĩnh vực này. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có tổng số 75 nhân sự làm công tác PHCN; trong đó 5 bác sĩ có chuyên khoa PHCN, 22 bác sĩ chuyên môn khác, 5 kỹ thuật viên trình độ ĐH, CĐ là 5 người, 34 điều dưỡng đã được đào tạo định hướng về PHCN. Trong thời gian tới, để tiếp tục tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác điều trị PHCN, ngành y tế tỉnh đã đề xuất Bộ Y tế cho phép cử các bác sĩ nội khoa đang làm công tác PHCN được đào tạo 6 tháng chuyên môn về PHCN và bổ sung chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ này; đồng thời hỗ trợ các chuyên gia về PHCN để hướng dẫn “cầm tay, chỉ việc” cho các đơn vị đang triển khai điều trị PHCN của tỉnh.

NGUYỄN THI

.
.
.