Phân loại rác thải tại nguồn, bắt đầu từ trường học
Ngày 14/12/2020, thầy trò Trường THCS Tân Hưng TP. Bà Rịa đã có một cuộc chơi thú vị và bổ ích: học cách phân loại rác tại nguồn. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ Công ty CP Dịch vụ xã hội mGreen (mGreen) và Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) thuộc Tập đoàn SCG, các em HS đã thực hành việc phân biệt rác hữu cơ, rác tái chế và rác còn lại để bỏ rác vào đúng loại thùng rác.
Trước đó, trong 2 ngày 26/10/2020 và 2/11/2020 , HS các Trường TH Long Sơn 1 và Long Sơn 2 (TP. Vũng Tàu) cũng có những cuộc chơi tương tự. Các em đã được học cách phân loại những loại rác ngay thời điểm phát sinh rác thải, phân loại giữa những vật dụng tái chế và không tái chế. Đây là những hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tập đoàn SCG, Unilever Việt Nam, Dow Chemicals, Bộ TN-MT, tỉnh BR-VT về “Xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa”. Mục tiêu của dự án là hướng đến giáo dục trẻ nhỏ về các vấn đề môi trường và thói quen phân loại rác thải, qua đó góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của nhân dân, xây dựng thói quen phân loại rác thải tại nguồn, thu gom và tái chế rác thải bao bì, ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới một tương lai phát triển bền vững. Năm 2021, dự án sẽ tiếp tục mở rộng đến nhiều trường học trong tỉnh, tiếp cận giáo dục phân loại rác thải đến các lứa tuổi HS.
Ngày càng có nhiều địa phương nhận thức được rằng, giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho HS là cách để tác động ngay từ gốc một cách hiệu quả, tạo dựng thói quen văn minh bảo vệ môi trường trong mỗi gia đình và cộng đồng; Việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải không những mang lại giá trị lớn cho môi trường mà còn mang lại giá trị về kinh tế - xã hội. Từ quan điểm đó, nhiều mô hình, phong trào đã được triển khai tạo được nhận thức về bảo vệ môi trường cho các em HS, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tại BR-VT, trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng đô thị thông minh phân loại rác tại nguồn được tích điểm đổi quà hướng đến nền kinh tế tuần hoàn mGreen” tại TP. Vũng Tàu, Mgreen đã tổ chức “Ngày hội đổi rác tái chế lấy quà trên điện thoại” tại 2 trường TH Long Sơn 1 và Long Sơn 2. Những hoạt động trên cho thấy sự đúng đắn trong việc chọn trường học làm “đột phá khẩu” nhằm tác động và nâng cao nhận thức HS về công tác bảo vệ môi trường.
Từ năm 2005, sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã triển khai nhiều giải pháp, mô hình thí điểm chương trình thu gom, phân loại rác tại nguồn, đổi rác tái chế lấy quà nhưng kết quả đạt được chưa như mong muốn. Bất cập lớn nhất là công nghệ xử lý rác thải ở nhiều địa phương chưa phù hợp, thiếu đồng bộ nên sau khi được phân loại ở hộ gia đình, các công ty vệ sinh vẫn để lẫn lộn các loại rác với nhau. Kết quả là rác vẫn bị đổ chung vào bãi chôn lấp. Hiện nay, việc thu gom vận chuyển rác lại trở lại “như xưa”.
Theo dự báo của Sở Xây dựng, đến năm 2025, lượng chất thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 1.590 tấn/ngày, tăng 829 tấn/ngày so với thời điểm hiện nay. Theo tính toán, nếu phân loại rác tại nguồn hiệu quả, sẽ có 80-90% khối lượng rác thải sẽ được tái sử dụng, giảm đáng kể chi phí xử lý, diện tích chôn lấp và có nguồn thu từ rác tái chế, đúng như nhiều chuyên gia môi trường đã chia sẻ: rác chưa phân loại thì chỉ là rác, rác phân loại rồi thì rác là tài nguyên. Để phát triển bền vững, chắc chắn BR-VT sẽ phải tính đến giải pháp phân loại rác tại nguồn, tái chế chất thải. Sau đó là phương án xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt kết hợp thu hồi năng lượng, chế biến phân hữu cơ từ rác thải.
Nhưng, giáo dục ý thức và hình thành thói quen phân loại rác cho HS chỉ là một phần của câu chuyện. Để việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn có hiệu quả, các địa phương phải tổ chức lại hệ thống thu gom, xử lý chất thải, chuẩn hóa trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho phân loại rác tại nguồn; Có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình thực hiện việc phân loại, tái chế rác thải; Bố trí các thùng rác công cộng phù hợp, thực hiện dán nhãn nhận biết trên nắp và thân thùng rác để người dân bỏ rác phân loại theo quy định. Chính những việc này sẽ khuyến khích người dân tích cực tham gia các mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai tại cộng đồng. Đến lúc ấy, việc phân loại rác trở thành nền nếp và thói quen hằng ngày của mỗi người dân.
NGUYỄN HƯNG NHƠN