Món quà quý nhất
Bố, mẹ và em út tôi đều theo nghề sư phạm nên năm nào vào dịp 20/11, trên zalo, facebook của gia đình tôi cũng tràn ngập những bó hoa, lời nhắn của bạn bè, anh chị em, học trò cũ gửi tới chúc mừng. Nhà tôi cũng là nơi tổ chức buổi giao lưu, gặp gỡ, tri ân thầy cô của học trò trường Nam – Duyên Hà, nơi bố tôi từng là hiệu trưởng lâu năm nhất. Cả năm mới có một ngày, cô, trò, đồng nghiệp, bạn bè, người già, người trẻ gặp gỡ, chuyện trò, “ôn cố tri tân” nên bố mẹ tôi hồi hộp, mong chờ lắm. Nhất là mẹ tôi. Ở tuổi này, mẹ chẳng thích gì hơn là được con cháu, học trò cũ đến thăm và kể chuyện ngày xưa.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo và đông con nhất xóm. Ngôi nhà thấp lè tè, vách tre, đắp đất, mái lợp rạ rơm, khuất sau vài ba bụi tre, chuối già khơ khỏng. Bố tôi thường xuyên đi học, đi làm xa. Mười mấy năm trời, mẹ tôi một mình chăm nuôi dạy dỗ cả đàn con lít nhít. Đứa trước cách đứa sau chưa đầy hai tuổi. Bây giờ mỗi khi nhà có việc tụ tập, chỉ cần ba bốn đứa cháu nô nghịch thôi, chúng tôi cũng kêu trời. Không hiểu ngày ấy mẹ tôi xoay xở thế nào để chúng tôi được như bây giờ. Có lẽ nhờ áp lực và kinh nghiệm chăm sóc sáu đứa con mà mẹ tôi trở thành GV giỏi và cũng nổi tiếng nghiêm khắc. Học trò cũ, giờ cũng là cô giáo, đến thăm cô, cười: Cô ơi, nhớ hồi đó em trốn học, đi chơi, không chịu viết bài bị cô khè thước vào tay đau điếng. Về mách mẹ, mẹ em bảo: Hư, thì phải chịu! Bây giờ chúng em phạt học trò thế thì phụ huynh họ cho lên mạng xã hội ngay. Mẹ cũng cười: Ừ, may mà hồi đó chưa có mạng!
Tôi không phải người luôn nghĩ cái gì ngày xưa cũng tốt, cũng đẹp nhưng rõ ràng là tình nghĩa thầy trò ngày ấy gắn bó hơn. Truyền thống “tôn sư trọng đạo” cũng không hình thức và thực dụng như ngày nay. Ngày ấy cô và trò cùng đi lao động, trồng lại cây, xây, sửa lại trường, lớp sau mỗi trận bão lũ. Cô thương trò thì cho cái áo, bát gạo, cây bút, cuốn vở. Cô phạt trò cũng đơn giản và công khai. Nhẹ thì nhắc nhở, chép bài. Nặng thì đuổi ra ngoài lớp hoặc “ăn vụt”. Cô và HS không vì thế mà thù hằn, ghét bỏ nhau. Bố mẹ HS cũng không vì thế mà kiện tụng, bắt đền thầy cô vì hiểu cô làm thế cũng vì muốn con họ nên người. Ngày ấy chưa biết kế hoạch hóa gia đình. Nhà nào cũng đẻ nhiều, chẳng chăm chiều con được như bây giờ...
Nửa thế kỷ đã trôi qua. Học trò của bố mẹ tôi ngày xưa, giờ đây mỗi người mỗi cảnh; người thành đạt, người còn khó khăn nhưng giống nhau ở chỗ những ngày lễ, tết, 20/11 như thế này, họ đều cố gắng sắp xếp thời gian để tới nhà thăm hỏi, chúc mừng thầy cô và ôn lại chuyện cũ. Đối với bố mẹ tôi, đây chính là món quà lớn nhất.
AN AN