Gieo ánh sáng trong đêm
Những lớp học phổ cập ban đêm là nơi gieo ánh sáng của tri thức, nhưng ở đó, chúng tôi còn nhận ra thứ đáng quý hơn-ánh sáng của tình người. Đó là tấm lòng của những người đưa đò thầm lặng trong đêm.
Trường THCS Vũng Tàu tổ chức lễ chia tay cho HS phổ cập tốt nghiệp THCS. |
“TÔI CÓ GẦN 100 ĐỨA TRẺ CẦN GIÚP ĐỠ ĐỂ ĐƯỢC TIẾP TỤC TỚI TRƯỜNG”
Tại Trường TH Phước Thắng (TP. Vũng Tàu), có một nhà giáo không trực tiếp đứng lớp nhưng lại là người khai sinh ra lớp phổ cập tại trường lần thứ 2 và duy trì lớp hoạt động vững vàng cho tới tận bây giờ. Đó là cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường. Từ năm 2011, lớp học phổ cập được mở tại trường và được “nuôi dưỡng” bằng nguồn kinh phí nhà nước. Tuy nhiên, đến năm 2017, nhà nước không cấp kinh phí cho lớp học phổ cập TH nữa mà chủ trương tạo điều kiện cho các em lên lớp buổi sáng cùng HS phổ thông.
Cô Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “HS phổ cập đều là những em có hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu theo cha mẹ từ nơi khác tới. Ban ngày, cha mẹ các em làm thuê làm mướn kiếm sống, có khi rời khỏi nhà từ 3-4 giờ sáng nên việc đưa đón con đến trường ban ngày hết sức khó khăn. Chưa kể nhiều em còn đi làm kiếm tiền phụ cha mẹ. Vậy nên, tôi nghĩ rằng, với những HS này, dù có “trải thảm đỏ” các em cũng không thể ra lớp buổi sáng”. Vì lý do đó, cô Minh quyết định duy trì lớp học buổi tối để các em được đến trường. Nhưng lấy đâu ra kinh phí để duy trì lớp, với cô Minh, đó là một bài toán hóc búa. “Ba đêm liền tôi không sao ngủ được. Nếu tôi buông tay thì gần 100 đứa trẻ sẽ đứng trước nguy cơ thất học, bươn chải ngoài xã hội. Không được đi học, cuộc đời các em sẽ mãi tăm tối mà ở đó có một phần trách nhiệm của tôi”, cô Minh nói. Sau nhiều ngày suy nghĩ, cô Minh “đánh liều” tham gia Hội doanh nghiệp BNI TP. Vũng Tàu. Trong 30 giây giới thiệu về bản thân trước tất cả các thành viên BNI, cô Minh chỉ nói ngắn gọn: “Tôi không có sản phẩm gì để giới thiệu. Tôi chỉ có gần 100 đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ cần sự giúp đỡ của các doanh nghiệp để được tiếp tục đến trường”. Lời giới thiệu của cô Minh khiến những người có mặt hết sức bất ngờ. Sau đó, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến với lớp học tại Trường TH Phước Thắng, đồng hành để các thầy cô tiếp tục cuộc hành trình “gieo ánh sáng trong đêm”.
Với hàng trăm triệu đồng được tài trợ, lớp phổ cập tiếp tục được duy trì. HS của lớp không chỉ được miễn học phí mà còn được tặng đồng phục, SGK, tập vở… để vững bước tới trường với sự giảng dạy của những GV nhiệt tình, tâm huyết, chuyên môn vững vàng.
ẤM ÁP TÌNH NGHĨA NGƯỜI THẦY
Gắn bó với lớp học phổ cập đã hơn 7 năm nay, cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) chia sẻ: “Đến với lớp học phổ cập, GV không nghĩ tới thu nhập mà chỉ nghĩ tới cái tình dành cho những HS có hoàn cảnh đặc biệt”. Mong muốn các em có được những trải nghiệm trọn vẹn, kết thúc năm học lớp 9, cô Hoa cùng các GV dạy phổ cập còn tự bỏ tiền tổ chức lễ ra trường cho những em hoàn thành chương trình THCS. Buổi lễ giản dị với mấy chiếc bàn kê theo hình chữ U, chỉ có ít trái cây, vài lon nước, HS và GV ngồi quây quần, rưng rưng ôn lại những kỷ niệm trong suốt mấy năm học. Chỉ vậy thôi nhưng chắc chắn đó là một ký ức đẹp đẽ theo các em đi suốt cuộc đời.
Thầy Lương Hữu Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phước Thắng (TP. Vũng Tàu) thì cho hay: “Hơn 20 năm gắn bó với những lớp học phổ cập tại trường, chứng kiến nhiều em HS có hoàn cảnh éo le, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với các em nhiều hơn nữa. Được đứng lớp để giảng dạy cho các em, với tôi, đó là trách nhiệm, cũng là thiên chức của người thầy. So với cống hiến lớn lao của biết bao người khác, tôi thấy những đóng góp của mình không có gì đáng kể”.
Đến với những lớp học phổ cập bằng cả tấm lòng, những người thầy đã tưới mát tâm hồn những em HS đặc biệt bằng những bài giảng chứa đựng đầy tâm huyết. Em Nguyễn Cao Hồng Liên, cựu HS lớp phổ cập Trường THCS Phước Thắng nhớ lại: “Giờ Văn của thầy Lương Hữu Phương, lúc nào chúng tôi cũng ngồi lặng im nghe thầy giảng. không phải vì thầy nghiêm khắc mà là vì cách giảng dạy bằng cả tấm lòng, tâm hồn và trách nhiệm của người thầy. Chính cách giảng ấy đã cảm hóa được một lũ học trò tinh nghịch, quậy phá như chúng tôi, cuốn hút chúng tôi vào bài giảng của thầy. Mỗi bài giảng của thầy khiến tôi thích thú và háo hức đến lạ kỳ…”.
KHÁNH CHI (Còn nữa)