.

Điểm tựa của người già neo đơn

Cập nhật: 20:36, 30/10/2020 (GMT+7)

Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn (xã An Ngãi, huyện Long Điền) đã có nhiều sáng kiến nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng người già, giúp họ có điểm tựa vững vàng lúc “xế bóng”.

Người già neo đơn được nhân viên chăm sóc chu đáo như người thân.
Người già neo đơn được nhân viên chăm sóc chu đáo như người thân.

Một trong những sáng kiến hiệu quả đang được thực hiện tại Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn là khảo sát và đưa ra giải pháp chăm sóc sức khỏe phù hợp cho người cao tuổi. Ông Nguyễn Cường, Trưởng Phòng Chăm sóc - Nuôi dưỡng, tác giả của sáng kiến này cho biết, hầu hết các cụ sống tại trung tâm đều không nơi nương tựa, già yếu, bệnh tật. Qua khảo sát, trước khi các cụ được đưa vào trung tâm, 90% người cảm thấy cô đơn, 90% người cảm thấy bất lực và 80% người cảm thấy sợ phải đối mặt với cái chết.

Từ thực tế đó, ông Cường đã đưa ra giải pháp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và được áp dụng từ năm 2017 đến nay. Theo đó, hàng tháng trung tâm tổ chức cho người cao tuổi đi khám sức khỏe tại bệnh viện. Các cụ được nhân viên y tế lập hồ sơ theo dõi sức khỏe để có biện pháp chăm sóc phù hợp; hướng dẫn biện pháp phòng tránh té ngã. Trung tâm còn xây dựng chế độ dinh dưỡng, tạo môi trường sinh hoạt phù hợp với tuổi già. Trung trâm cũng thường xuyên tổ chức cho các cụ đi bộ, tập dưỡng sinh, sinh hoạt văn nghệ… để rèn luyện sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần. “Đến nay, các cụ ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn đều ổn định về sức khỏe, tinh thần. So với khảo sát ban đầu, chỉ còn 10% cụ cảm thấy cô đơn, 15% cụ cảm thấy bất lực và 15% cụ sợ phải đối mặt với cái chết”, ông Cường nói. 

Bà Phạm Thị Cưng, 73 tuổi, sống ở Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn đã 8 năm nay. Bà không có người thân. Trước khi vào trung tâm, bà sống ở xã Phước Long Thọ (huyện Đất Đỏ). Khi còn khỏe, bà đi làm thuê tự nuôi sống bản thân. Khi tuổi cao, lại bị thoái hóa cột sống, không còn sức để lo cho mình nên bà xin vào Trung tâm. Bà được các nhân viên yêu thương, chăm sóc chu đáo, được bố trí phòng ở sạch sẽ nên rất phấn khởi và mong muốn được sống ở đây đến khi qua đời. Bà Cưng nói: “Ở đây, tôi được nhân viên thường xuyên quan tâm, chăm sóc, động viên. Có người trò chuyện, tâm sự, tôi như trút được nỗi cô quạnh mà mình từng phải trải qua”.

Ở Trung tâm, mỗi cán bộ, nhân viên tự xây dựng cho mình quy tắc ứng xử và chăm sóc các cụ. Chị Đặng Thị Thanh Vân, nhân viên chăm sóc cho hay: “Tôi phụ trách chăm sóc cho 12 cụ bà, trong đó nhiều cụ đã già yếu, không tự phục vụ được. Tôi thương và đồng cảm với hoàn cảnh các cụ nên chăm sóc các cụ như chính người thân của mình và muốn bù đắp một phần tình cảm mà các cụ đang thiếu khi không có sự quan tâm của người thân”, chị Vân nói.

Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên thường xuyên học tập, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tận tình trong công việc, có đạo đức, có lối sống giản dị, giao tiếp lịch sự và gần gũi với đồng nghiệp và các cụ. “Thời gian tới, trung tâm tiếp tục phát động các phong trào thi đua trong thực hiện nhiệm vụ nhằm tìm kiếm thêm những giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn”, ông Nguyễn Văn Phiệt, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn cho biết.

Trung tâm Nuôi dưỡng người già neo đơn ở An Ngãi được thành lập năm 2000. Hiện nay, trung tâm đang chăm sóc và nuôi dưỡng 99 người từ 60 tuổi trở lên. Thời gian qua, trung tâm đã áp dụng nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng phục vụ các cụ như: Mô hình tiết kiệm để nâng cao chất lượng phục vụ đời sống của người già; quản lý và sắp xếp nơi ăn ở phù hợp; tư vấn tâm lý, chăm sóc và điều trị bệnh tăng huyết áp …

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.