.
LÀNG NGA Ở VŨNG TÀU

Kỳ 5: Trường học của làng Nga

Cập nhật: 19:08, 29/10/2020 (GMT+7)

Chủ trương của Liên doanh Việt Nga-Vietsovpetro là cố gắng tạo mọi điều kiện để các bạn Nga có cảm giác như đang sống ở quê hương mình, do đó ngay sau khi làng Nga được xây dựng thì trường học (sau đây gọi tắt là trường Nga) cũng được thành lập.

Các em học sinh ở trường học làng Nga trao đổi với nhau trong giờ giải lao.
Các em học sinh ở trường học làng Nga trao đổi với nhau trong giờ giải lao.

Đó là nơi mà không chỉ có con em của người Nga đang sinh sống và làm việc tại Vũng Tàu theo học mà còn có cả những HS người Việt muốn theo học chương trình giáo dục của Nga với định hướng sau này sẽ đến học tập, công tác tại xứ sở Bạch Dương.

Chúng tôi đến khi lớp học vừa trở lại sau giờ giải lao. Khác với các lớp học phổ thông tại Việt Nam, HS thường mặc đồng phục khi đến trường thì ở trường học Nga, các em mặc khá thoải mái. Em Viktoria Shevchenko, 17 tuổi, HS lớp 11 cho biết, em đã đến Việt Nam được 10 năm và từ đó đến nay em theo học phổ thông tại ngôi trường này. Với em, chương trình học ở làng Nga không khác nhiều so với việc học tập ở nước Nga. “Các tài liệu, nội dung và chương trình học tập tại đây được ban giám hiệu nhà trường phân bổ kịp thời nên em không gặp khó khăn gì trong quá trình học. Ngoài những người bạn Nga, em còn có thêm những người bạn Việt Nam nên em cảm thấy rất hứng thú khi tới trường”, em Vitoria Shevchenko nói.

Ông Sergey Krupenko, Chủ tịch Công đoàn Nga cho biết, khi các chuyên gia Nga đến TP.Vũng Tàu làm việc, họ đưa gia đình, con cái đến theo. Năm 1984, trường học dành cho con em cán bộ, chuyên gia người Nga đã được mở ngay trong làng Nga với đầy đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu học tập của con em các chuyên gia Nga. Trường học Nga hiện có 23 giáo viên, 17 lớp học các cấp từ mầm non đến THPT (với 225 HS đang theo học) và 4 lớp mầm non (với 45 em). Trong đó có 37 HS người Việt đang theo học tại đây. 

Em Vũ Bảo Hương, 16 tuổi, HS lớp 11 trường phổ thông ở làng Nga cho biết, gia đình em hiện đang sinh sống tại đường Tôn Thất Tùng, phường 7, TP. Vũng Tàu. Mặc dù bố mẹ em không công tác tại Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro nhưng vì em yêu thích tiếng Nga, yêu văn hóa Nga và mơ ước sau này được học ĐH và làm việc tại Nga nên gia đình đã gửi em vào học tại trường Nga. “Đặc biệt, phương pháp giáo dục của các thầy cô giáo Nga có nhiều điều mới mẻ và tích cực. Vì vậy việc học ở đây nhẹ nhàng hơn HS trong các trường phổ thông Việt Nam. HS trường Nga gần như không có áp lực về học thêm, về điểm số và các danh hiệu”, Hương nói.

Một tiết học của các em học sinh lớp 11 tại trường học ở làng Nga.
Một tiết học của các em học sinh lớp 11 tại trường học ở làng Nga.

Dù trường phổ thông Nga chỉ nằm ở một góc bên trái cổng làng Nga, đường Nguyễn Thái Học, có quy mô nhỏ nhưng đây là một môi trường sư phạm khá lý tưởng. Ngoài các phòng học bộ môn, trường có phòng tập thể thao, sân bóng chuyền, căn tin... Một lớp học không quá 25 HS. Trường có thư viện với hàng ngàn đầu sách được mang đến từ nước Nga xa xôi. Cô Kuzmenkova Valentina, Hiệu phó phụ trách giáo dục, Quyền Hiệu trưởng trường học Nga cho biết, các em học 5 ngày trong tuần. Mỗi ngày, các lớp học phổ thông thường có 6 tiết học, bắt đầu từ 7 giờ sáng và kết thúc buổi học lúc 12 giờ trưa. Buổi chiều HS chủ yếu là học thêm và học nâng cao trong thời gian 2 tiếng (từ 14 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút). Nội dung và chương trình học của các em được áp dụng theo chuẩn của Bộ Giáo dục Nga. Theo đó, các môn học chính gồm: Toán, tiếng Nga, đại số, hình học, lịch sử, sinh học, địa lý, hóa học, vật lý, tin học, thiên văn học, xã hội học… Ngoài tiếng Nga, trường còn tổ chức dạy 2 ngoại ngữ khác là tiếng Anh và tiếng Đức.

Cũng theo cô Kuzmenkova Valentina, khó khăn lớn của trường là nhập sách theo đúng chuẩn của Bộ Giáo dục Nga về trường để phát cho HS. Các kỳ nghỉ, việc thi cử, cấp bằng… cũng được thực hiện giống như bên Nga. “Sau khi học xong lớp 9 và 11, HS học tại trường phổ thông làng Nga sẽ phải ra trường của đại sứ quán Nga tại Hà Nội để thi hết cấp. Nếu thi đậu, các em sẽ được cấp bằng như HS phổ thông tại Nga. Ngoài ra, giáo viên và HS ở trường không gặp khó khăn gì, đặc biệt thời tiết ở Vũng Tàu khá thuận lợi, không có mùa đông nên HS đi học không cần mang nhiều quần áo như ở Nga”, cô Kuzmenkova Valentina nói.

Ngoài giờ học chính khóa, các em HS ở trường Nga còn có thể tham gia các môn khác như: kỹ năng sống, thể thao, hát, múa, vẽ… Nhằm giúp các em hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, trường cũng thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm như: Tham quan phòng truyền thống của Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro, giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt-Nga…

(Còn nữa)

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.