.

Làm gì để giảm rác thải đại dương?

Cập nhật: 20:27, 28/08/2020 (GMT+7)

Trong 2 tháng 7 và 8 vừa qua, vùng biển BR-VT đang phải hứng chịu một lượng rác thải lớn từ các nơi khác đổ về. Điều đáng nói là có rất nhiều rác thải nhựa. Để cứu đại dương, cần lắm sự thay đổi về nhận thức của tất cả người dân.

BIỂN NGÀY CÀNG NHIỀU RÁC

Lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn phường 10 tham gia thu gom rác tại bãi biển Chí Linh.
Lực lượng vũ trang đóng chân trên địa bàn phường 10 tham gia thu gom rác tại bãi biển Chí Linh.

Từ ngày 15/8 đến nay, ngày nào cũng vậy, cứ sáng sớm phía Bãi Trước, Bãi Sau rác từ đại dương theo những cơn sóng dạt vào bờ biển Vũng Tàu. Nhiều công nhân môi trường, các CLB tình nguyện viên bảo vệ môi trường và cả những người dân tập thể dục buổi sáng đã chung tay dọn dẹp làm sạch bãi biển.

Em Đào Nguyên Kim, trưởng CLB tình nguyện viên bảo vệ môi trường Live Green cho biết: Những ngày vừa qua, ngày nào CLB cũng có khoảng 7-10 bạn tham gia thu gom rác đại dương từ 5h30-6h30. Lượng rác mỗi ngày một nhiều hơn. Trước đây rác đại dương chủ yếu là lục bình, quả đước, củi mục, thân dừa nước… Những những ngày gần đây, lượng rác thải dạt về biển Vũng Tàu có rất nhiều rác thải do ý thức kém của con người như chai nhựa, ống hút nhựa, hộp xốp…

Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường và Công trình đô thị Vũng Tàu cho biết, những năm gần đây, rác thải đại dương thường xuyên “tấn công” vùng biển Vũng Tàu. Mỗi đợt từ 2-4 ngày, chủ yếu tập trung khu vực Bãi Sau. Nhưng năm nay đã gần 15 ngày rác thải vẫn liên tiếp dồn về vùng biển Vũng Tàu. Ngoài Bãi Sau, năm nay rác còn dồn nhiều về Bãi Trước, lan sang cả Bãi Dâu, Bãi Dứa và cả khu vực biển Chí Linh (phường 10). Mỗi ngày công ty huy động gần 20 công nhân chỉ để thu gom rác (khoảng 10-12 tấn/ngày) để đưa đi xử lý tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) nhưng vẫn không làm xuể. Trước đó, hồi tháng 7, vùng biển Vũng Tàu cũng đã phải hứng chịu một lượng rác lớn dạt vào biển Bãi Sau kéo dài trong vòng một tuần lễ.

Theo nhận định của Phòng TN-MT Vũng Tàu, lượng rác đại dương này chủ yếu là từ vùng cửa sông Cần Giờ, Đồng Nai, các tỉnh miền Tây trôi dạt theo gió về đây. Theo chu kỳ, có 2 đợt rác dạt vào nhiều nhất là cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi thời tiết chuyển gió mùa Tây Nam và cuối tháng 9, đầu tháng 10 khi thời tiết chuyển gió từ Tây Nam sang Đông Bắc, kết hợp thủy triều lớn đẩy rác từ khắp nơi trôi về.

Năm nay, rác đại dương có vẻ không theo một chu kỳ nào cả, cứ thế dồn về vùng biển BR-VT liên tục và kéo dài trong nhiều ngày. Ngoài Vũng Tàu, huyện Côn Đảo những ngày vừa qua cũng phải hứng chịu một lượng rác lớn. Theo thống kê của Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, lượng rác thải từ đại dương tập trung về các bãi biển trên địa bàn huyện Côn Đảo với khối lượng khoảng 900m3/năm, chủ yếu là vào mùa gió chướng, tầm từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Các khu vực tập trung rác đại dương nhiều nhất là Bãi Vong khu vực Cỏ Ống; bãi Bờ Đập, bãi Dương hòn Bảy Cạnh; bãi Cát Lớn hòn Bà; Vịnh Đầm Tre… Rác chủ yếu là vỏ chai nhựa, chai sứ, bao nilông, lưới đánh cá và dầu cặn.

CẦN SỰ CHUNG TAY CỦA CỘNG ĐỒNG

Thời gian qua, công nhân môi trường, lực lượng vũ trang, người dân địa phương,… và rất nhiều tình nguyện viên đến từ các CLB bảo vệ môi trường đã tham gia thu gom rác. Nhưng việc thu gom rác chỉ là giải pháp tình thế, để “cứu” đại dương khỏi rác thải, cần có sự thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường của tất cả người dân.

Theo ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, nhiều năm qua, TP. Vũng Tàu đã xác định phát triển du lịch bền vững là mục tiêu quan trọng của thành phố. Do đó, từ năm 2016 thành phố đã thực hiện lập lại an ninh trật tự, môi trường du lịch, cấm ăn uống, nấu nướng, xả rác trên bãi biển. Nhờ đó đến nay có những ngày lượng khách du lịch lên đến hơn 150.000 người/ngày nhưng biển Vũng Tàu vẫn sạch, đẹp. Tình trạng rác thải tấn công đại dương là ngoài kiểm soát của thành phố bởi nguồn rác này không phải xuất phát từ việc xả thải của người dân, khách du lịch hoặc các ghe tàu neo đậu tại vùng biển Vũng Tàu. Tuy nhiên, tình trạng rác đại dương tấn công biển cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là đến hình ảnh du lịch của Vũng Tàu. Hiện tại TP.Vũng Tàu chỉ có một giải pháp tình thế là tổ chức thu gom và xử lý theo quy trình.

Trong khi đó, theo Phòng TN-MT huyện Côn Đảo, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức nhiều đợt ra quân dọn rác đại dương nhưng không xuể. Cứ vài tuần là các bãi biển: Bảy Cạnh, Bãi Dong, bãi Cát Lớn, bãi Giông, bãi Bờ Đập và bãi Dương… đều ngập rác. Trong đó, nhiều nhất là Bảy Cạnh và Bờ Đập. Theo Vườn quốc gia Côn Đảo, rác thải nếu không được thu gom kịp thời sẽ không những làm ô nhiễm môi trường mà còn có nguy cơ gây nhiễm độc cho các loài thủy hải sản nuôi trồng, khu vực đánh bắt ven bờ, làm suy thoái hệ sinh thái ven biển quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển, các động vật biển quý hiếm và quan trọng hơn nữa là mất bãi đẻ của các loài rùa biển.

Trước thực trạng này, Vườn quốc gia Côn Đảo đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề xuất các giải pháp dọn rác hiện hữu và hàng năm. Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho phép huy động lực lượng bộ đội của Ban Chỉ huy quân sự huyện Côn Đảo và công chức, viên chức Vườn quốc gia phối hợp tổ chức thu gom rác theo từng đợt. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, ngành chức năng sẽ tổ chức tuần tra, tuyên truyền vận động ngư dân không xả rác xuống biển.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.