.

Chuyện ông Tây "bỏ phố về quê"

Cập nhật: 19:08, 14/08/2020 (GMT+7)

Về thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức), những người dân nơi đây đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về đôi vợ chồng già “bỏ phố về quê” lập trang trại vừa chăn nuôi vừa trồng cây. Điều thú vị hơn nữa chủ trang trại là một ông Tây, và để thỏa sức tò mò, chúng tôi đã tìm đến trang trại của ông Tây vào ngày cuối tháng Bảy vừa qua.

Ông Chriszlatareff chia sẻ với vợ cách chăm sóc cây.
Ông Chriszlatareff chia sẻ với vợ cách chăm sóc cây.

7 giờ sáng, ngoài vườn người đàn ông ngoài 70 với dáng người rắn rỏi, làn da rám nắng đang cặm cụi nhóm lò củi nấu đồ ăn cho heo rồi tất tả cắt cỏ mang vào chuồng cho đàn dê. Nhìn đàn dê, ánh mắt ông ngời lên sự ấm áp hạnh phúc. Ông cười đùa, đây là bữa “trà sớm” của ông suốt hơn 3 năm nay. Nói xong, ông lại ra vườn cuốc đất chuẩn bị cho đợt gieo giống rau mới và tưới nước cho cả khu vườn. Cách đó không xa, bà Vũ Thị Bích vợ ông cũng đang mải mê chăm mấy gốc bơ, xoài và mấy bụi thơm đang vào mùa cho quả chín.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn nghe nhiều hơn về câu chuyện của họ, ông Chriszlatareff khá cởi mở. Ông cho biết, cách đây 40 năm ông đã có một quyết định lớn nhất trong cuộc đời mình, đó là rời đất nước Bulgaria xinh đẹp để đến Việt Nam sinh sống và làm việc trong lĩnh vực thăm dò dầu khí. Cảm nhận đầu tiên của ông Chriszlatareff là con người ở đây rất thân thiện, chính trị ổn định và có một nền văn hóa đa dạng.

Cũng trong quá trình công tác ông đã gặp được người vợ cùng chung chí hướng, lúc đó bà cũng đang là một kỹ sư bên ngành dầu khí. Năm 2012, hai người kết hôn và tới năm 2015 khi tới tuổi nghỉ hưu, cả hai đã “ủ mưu” bỏ phố về quê “giấu mình” vào khung cảnh bình yên, tách khỏi chốn đô thị ồn ào, bụi bặm.

Để thực hiện kế hoạch này, hai vợ chồng rủ nhau lên Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Mỗi nơi, cả hai đều lưu lại cả tháng để hòa vào cuộc sống làm vườn với những người nông dân. Sau những lần thử sức đọ nắng, đọ gió, họ nhận ra giá trị cuộc sống từ thiên nhiên mang lại. Như một cái duyên, sau một lần lên Đá Bạc chơi ông Chriszlatareff, bà Bích cảm thấy rất thích vùng đất này nên đã chọn nơi đây làm điểm dừng chân. Gạt bỏ ngoài tai tất cả những lời ngăn cản, góp ý từ bạn bè xung quanh, hai vợ chồng bà vẫn mạnh dạn đầu tư mảnh đất 1,1ha cùng căn nhà cấp 4 khang trang và bắt đầu với thú điền viên.

Bà Bích kể, hồi mới về, khu đất này là đồi hoang, cả nhà dựng tạm túp lều để ở. Rồi hai vợ chồng vừa thuê người đào giếng, cuốc đất khai hoang. Những ngày sau đó, hai vợ chồng lặn lội về xã Long Tân (huyện Đất Đỏ) để mua phân bò về ủ, trộn lẫn với phân hữu cơ để bón cho cây. Lúc đầu trồng đậu phộng và chuối, sau nhiều lần dò dẫm, tìm tòi, vợ chồng bà đã quyết định phân ra từng khu vực để trồng các loại cây khác nhau như: sầu riêng, măng cụt, bơ, xoài, thơm, đu đủ… kết hợp với nuôi dê, heo, gà…

Nhìn ngôi nhà vườn rộng rãi hơn 1,1ha đất đã có đủ các loại cây, từ ăn quả tới rau xanh. Trong vườn, mấy chục con gà với đàn dê, heo ngót nghét 20 con, sẽ không khỏi khiến mọi người thán phục. Bởi họ đã lựa chọn cuộc sống đúng nghĩa là được cống hiến bằng tâm sức của mình. Chấp nhận chuỗi ngày vất vả khai hoang trên mảnh đất hẻo lánh cằn cỗi. Người đàn ông tận đất nước Bungaria xa xôi đã gắn bó năm tháng của mình tại miền thôn quê BR-VT. Bao mồ hôi, công sức và ý tưởng sáng tạo của ông với khát vọng dựng lên một trang trại xanh, sạch đẹp mà bao người mơ ước. Bà Bích vợ ông là người phụ nữ tài năng, hồn hậu; đồng lòng hợp sức với chồng cùng “nằm gai nếm mật”. Họ hạnh phúc khi được cùng chí hướng.

Vừa gọt xoài đãi khách, bà Bích không giấu được ánh mắt hạnh phúc khi nhìn chồng, bà chậm rãi nói: Hơn 8 năm chung sống, tôi vẫn luôn bất ngờ với cách sống của ông xã. Anh hay nói với vợ, làm kinh tế chưa hẳn là đồng tiền mà là sức sống của con người. Sống quan trọng nhất là cách thở và giá trị hiện hữu mà 2 vợ chồng nhận thấy rõ nhất là giấc ngủ về đêm rất an yên. Và cảm giác sáng dậy ra ngoài vườn hít thở không khí trong lành, tự tay hái rau sạch mà không phải lo mua nhầm rau phun thuốc, rồi lâu lâu hái những cây ăn quả chín trên cây... vui lắm! “Cuộc sống bây giờ của chúng tôi là chiều chiều cho cá ăn, những đêm có trăng ra bờ hồ cùng nhau đàn hát. Tình yêu tuổi già cho mình cảm giác trẻ lại. Cũng có nhiều lần cãi nhau những chuyện vặt rất buồn cười như chuyện tôi gieo hạt trồng rau bất cứ chỗ nào trong vườn, anh nhầm là cỏ lại cặm cụi nhổ cho sạch vườn”- bà Bích cười nói.

Ngồi hàn huyên, trao đổi dễ nhận ra, ý niệm “lao động là vinh quang” thấm sâu từng khoảnh khắc của đôi vợ chồng tóc đã điểm bạc. Họ chăm chút từng loài cây ăn trái đến từng bụi hoa rực thắm khu vườn. Không thu hoạch lợi nhuận bằng mọi giá. Hệ thống vườn ao chuồng trong trang trại đủ cung cấp nguồn hữu cơ tự nhiên để có sản phẩm Oganic đúng nghĩa... Và ánh mắt Chriszlatareff ánh lên khi chúng tôi hỏi về chuyện làm vườn. Ông nói, làm nông nghiệp muốn cho ra sản phẩm hữu cơ phải dựa trên nền tảng tôn trọng thiên nhiên, tức là không can thiệp quá nhiều vào tạo hóa. Với chăn nuôi, trong vườn có gì ăn nấy. Ông tự trồng cỏ voi, cỏ ngọt, rau xà lách, mít, bơ, bắp với mục đích chủ yếu là cỏ và lá bơ nuôi dê; rau, bắp và mít dùng để nấu cho heo và gà. Rồi cũng từ lá cây trong vườn ông tự tay ủ phân để bón cho cây. Mỗi loại cây trồng vườn ông đều không thúc phân mà để cho cây sinh trưởng tự nhiên có như vậy mới có được những sản phẩm Oganic thực thụ.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.