.

Dễ hiểu lầm

Cập nhật: 19:07, 14/08/2020 (GMT+7)

- Này ông khoan đi đã, chờ tui coi lại chút!

- Ông sao rắc rối quá, cái “cạc vi-dít” không bao nhiêu chữ mà cứ coi đi coi lại hoài?!

- Cái “cạc”quan trọng lắm ông à…

- Tớ biết nó quan trọng nên mới nhờ ông “thiết kế”.

- “Cạc” là cách nói Việt hóa của “carte de visite” trong tiếng Pháp hay “name card” trong tiếng Anh. Gọi một cách hoa mỹ là “danh thiếp”. Danh thiếp phản ánh phần nào tính cách, mỹ cảm của người có danh thiếp. Nó cũng phản ánh “chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” của một cán bộ công quyền…

- Thôi đi cha! Quan trọng hóa vấn đề vừa thôi. Tui đã từng in “cạc” cho hàng bao nhiêu người nhưng chưa thấy ai săm soi kỹ từng chữ một như ông. Làm ơn coi lẹ đi, mất thì giờ quá!

- Ông thông cảm lần nữa đi. Cái này tui rút kinh nghiệm từ một ông cán bộ phụ trách xúc tiến đầu tư của một địa phương. Cái “cạc” của ổng bị in sai một cách sơ đẳng phần tiếng Anh.

- In sai làm sao?

- Từ “director” bị in sai thành… “derector”. Vậy mà ổng vẫn cứ vô tư trao đổi khắp nơi, từ trong nước ra tới nước ngoài.

- Ối dào, có in sai thì người ta cũng biết nghĩa của nó là giám đốc.

- Không đơn giản như ông nghĩ. Những chi tiết nhỏ đó nếu không sửa kịp thời, cứ để vậy mà phát vô tư sẽ dễ khiến các đối tác hiểu lầm. Có thể họ sẽ nhủ thầm…

- Nhủ… thế nào?

- Nhìn “cạc” biết người.

HẢI LĂNG

.
.
.