.

Trẻ chậm nói sẽ gặp nhiều hạn chế phát triển trong tương lai

Cập nhật: 21:24, 17/07/2020 (GMT+7)

“Trẻ lên ba, cả nhà tập nói” là câu của người xưa dùng để chỉ trẻ 3 tuổi mới bắt đầu tập nói. Nhưng quan niệm này không còn phù hợp với xã hội hiện đại, trẻ 3 tuổi mới biết nói được coi là chậm nói. Việc trẻ chậm nói khiến nhiều phụ huynh lo sợ sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển về thể lực và trí tuệ của trẻ về sau.

Khi trẻ có biểu hiện chậm nói, phụ huynh cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp phù hợp. (Ảnh minh họa)
Khi trẻ có biểu hiện chậm nói, phụ huynh cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp phù hợp. (Ảnh minh họa)

Đã hơn 3 tuổi nhưng con gái của chị N.L.T.L., ở Phường 10 (TP.Vũng Tàu) mới chỉ nói được ê a vài tiếng như “ba, bà, mẹ” trong khi trẻ cùng tuổi với con chị đã nói được câu dài. Chị L. cho biết, từ khi sinh ra đến nay, cơ thể của con phát triển khỏe mạnh. Nhưng từ lúc sinh đến gần 2 tuổi, con chị có những biểu hiện khác với các đứa trẻ thông thường. Bé không bập bẹ, không phản ứng trước các âm thanh, tiếng ồn và thích tự chơi một mình. Thấy con bất thường, vợ chồng chị đã đưa con lên khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 2 để khám và đánh giá năng lực về ngôn ngữ thì các bác sĩ cho biết, con chị bị dính thắng lưỡi, làm hạn chế khả năng nói của trẻ. Được bác sĩ tư vấn, con chị đã được cắt thắng lưỡi ngay sau đó. Thế nhưng, sau khi cắt thắng lưỡi đến nay đã gần 1 năm nhưng tình trạng chậm nói của con chị vẫn không cải thiện. “Tôi lo lắng lắm. Con chậm nói sẽ có nhiều thua thiệt so các bạn cùng tuổi. Ban ngày, tôi vẫn cho con đi học mẫu giáo để cháu hòa nhập, còn buổi tối thì vợ chồng tôi dành thời gian nói chuyện với cháu nhiều hơn. Tôi rất mong thời gian tới, cháu nói được nhiều từ hơn”, chị L. kỳ vọng.

Cũng rơi vào tình cảnh có con chậm nói như chị L., nên chị N.T.T., ở Phường 9 (TP.Vũng Tàu) đành phải nghỉ việc đưa đứa con trai 2,5 tuổi lên Trường Hòa nhập Trí Đức Việt, ở Quận 5 (TP.Hồ Chí Minh) để nhờ các giáo viên ở đây can thiệp, phát triển ngôn ngữ cho con. Chị T. kể, vợ chồng chị cưới nhau hơn 5 năm. Hai vợ chồng vất vả, đi chữa trị khắp nơi, mới sinh được đứa con trai. Vì thế, khi con có biểu hiện chậm nói, chị gác lại công việc, gia đình ở TP.Vũng Tàu, đưa con lên ở trọ tại TP.Hồ Chí Minh để đồng hành với con trong quá trình phát triển ngôn ngữ. “Thấy con chậm nói, vợ chồng tôi sốt ruột lắm. Dù vất vả nhưng tôi cũng cố gắng cho con đến học ở Trường Hòa nhập Trí Đức Việt được 2 tháng nay. Ban ngày cháu học ở trường, ban đêm tôi còn gửi cháu đến nhà của cô giáo để can thiệp thêm, với hi vọng cải thiện tình trạng chậm nói của con”, chị T. nói.

Những trường hợp chậm nói như vừa nêu ở trên không phải hiếm ở xã hội hiện đại ngày nay. Theo các bác sĩ, trẻ chậm nói được hiểu là trẻ có khả năng ngôn ngữ chậm, kém hơn so với cột mốc phát triển ngôn ngữ ở từng giai đoạn độ tuổi. Lúc trẻ 2 đến 6 tháng tuổi, trẻ không có phản ứng khi cha mẹ cười đùa (2 tháng), không quay đầu khi nghe thấy các âm thanh (4 tháng) hoặc không biết tự cười (6 tháng). Lúc trẻ 6 đến 12 tháng tuổi, trẻ không bập bẹ ê a được từ nào (8 tháng), không phản ứng lại với giọng nói hoặc âm thanh to, không nói được những từ như “ba ba”, “ma ma”, “măm măm”, không hiểu hoặc không đáp ứng lại với những từ như “không”, “tạm biệt”. Lúc trẻ 12 đến 24 tháng tuổi, trẻ không nói được các từ đơn (khoảng 15 tháng), không tìm cách giao tiếp với cha mẹ khi trẻ muốn điều gì đó, không nói được ít nhất 6 từ (khoảng 18 tháng), không dễ học hoặc bắt chước một từ mới (khoảng 19-24 tháng). Từ 24 đến 25 tháng tuổi, trẻ không thực hiện theo những chỉ dẫn đơn giản của cha mẹ, không ghép được 2 từ để nói, không nói được câu có từ 2-4 từ, không hỏi được người khác những câu đơn giản.

Hiện có nhiều nguyên nhân gây chậm nói ở trẻ. Có thể trẻ có những khiếm khuyết cơ quan trong vòm miệng như: hở hàm ếch, hở môi, dính thắng lưỡi… khiến trẻ khó khăn khi phát âm. Trẻ gặp vấn đề về thính giác như khả năng nghe kém, thậm chí mất thính giác, nhiễm trùng tai cũng là thủ phạm khiến trẻ chậm nói. Trẻ mắc các bệnh lý về não và thần kinh đã ảnh hưởng đến các vùng não đảm nhiệm chức năng nói và tiếp nhận ngôn ngữ của trẻ. Ngoài ra, trẻ chậm nói có thể xuất phát từ các nguyên nhân khác như: Cú sốc tâm lý; bố mẹ cho trẻ tiếp xúc với tivi, điện thoại quá sớm; trẻ ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài; trẻ sinh non; trẻ chậm nói do tự kỷ. Việc trẻ chậm nói sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đó là có những hạn chế trong giao tiếp hàng ngày. Vốn từ của trẻ còn ít nên gặp khó khăn trong việc bày tỏ những nhu cầu, nguyện vọng cơ bản của bản thân. Trẻ chậm nói ảnh hưởng đến quá trình học tập như thường rất vất vả trong việc phát biểu, xây dựng bài. Do ngôn ngữ kém nên trẻ không hoàn toàn hiểu được nội dung bài giảng, khiến kết quả học tập sa sút, không thể theo kịp các bạn. Chậm nói khiến trẻ gặp bất lợi trong việc thể hiện bản thân và ảnh hưởng tâm lý. Trẻ dễ bị cô lập, không được vui chơi, trò chuyện và tương tác cùng trẻ khác. Bị bạn bè trêu chọc, trẻ sẽ mất dần sự tự tin, lâu dài không muốn nói chuyện và chia sẻ với bất kỳ ai, làm tăng nguy cơ trầm cảm.

Theo bác sĩ Bùi Xuân Mạnh (khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2), giai đoạn từ 0 đến 5 tuổi là giai đoạn vàng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vì thế, khi trẻ có những biểu hiện chậm nói, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay để được các bác sĩ phát hiện ra các nguyên nhân khiếm khuyết về cơ thể như: thính giác, cấu trúc của lưỡi, vòm miệng, khuyết tật trong phối hợp giữa não với môi, lưỡi và hàm.., gây ra chậm nói ở trẻ để đưa ra các hướng điều trị phù hợp. Ngoài ra, phụ huynh cần dành nhiều thời gian nói chuyện, hát và yêu cầu trẻ bắt chước lại âm thanh được nghe; dạy trẻ những từ đơn giản nhất kèm theo hình ảnh và hành động minh họa để trẻ dễ nhớ, dễ hình dung; đọc sách, truyện phù hợp lứa tuổi cho trẻ; cho trẻ tham gia hoạt động với các bạn cùng độ tuổi hay vui chơi ngoài trời để kích thích khả năng tương tác và phản xạ của trẻ; không cho trẻ xem ti vi quá nhiều; cho trẻ tham gia lớp trị liệu ngôn ngữ.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.