Thời gian qua, số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) gây thương vong vẫn ở mức cao và để lại hậu quả nặng nề. Điểm lại các vụ việc cho thấy, sự chủ quan, xem nhẹ an toàn vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNLĐ.
Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh kiểm tra hiện trường vụ TNLĐ xảy ra tại Công ty Starflex Việt Nam (trụ sở xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) vào ngày 8/1. |
NHỮNG VỤ TAI NẠN THƯƠNG TÂM
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau TNLĐ, anh Ngô Thanh Tuấn (SN 1990, ngụ xã Cù Bị, huyện Châu Đức), công nhân Công ty Starflex Việt Nam (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ), kể: “Lúc đó là 15 giờ ngày 8/1/2020, tại máy dệt vải số 4, tôi và anh Đặng Văn Này (SN 1994) làm vệ sinh cối máy dệt. Chúng tôi đã yêu cầu nhân viên kỹ thuật mở nắp ben để vệ sinh phía dưới cối. Tuy nhiên, nhân viên này đã ấn nhầm nút khởi động cối, khiến tay phải tôi bị cuốn vào cánh quạt và kéo vào trong lồng cối. Do quá hoảng sợ, tôi la hét kêu cứu nên anh Này dùng tay trái chặn cánh quạt đang quay. Khi các công nhân khác dừng được máy thì tay phải tôi bị thương, còn tay trái anh Này bị máy cắt gần hết. Tôi may mắn giữ lại được cánh tay nhưng anh Này thì không".
Đáng chú ý, Tuấn mới tốt nghiệp lớp 12, chưa được học qua trường lớp đào tạo nghề và xin vào làm tại Công ty Starflex Việt Nam. Sau khi được tuyển dụng, anh chỉ được hướng dẫn sử dụng máy 1 buổi là bắt tay vào công việc, làm việc được 2 tháng thì xảy ra TNLĐ.
Không được may mắn như Tuấn, mới đây nhất, ngày 12/5, tại công trình thi công hệ thống thoát nước trên đường 27/4, phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa đã xảy ra sạt lở đất khiến anh Lê Văn Út (SN 1982, quê Vĩnh Long) tử vong. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, công trường này có 7 công nhân đang đào, lắp cống. Trong đó, anh Út ở dưới độ sâu khoảng 5m để điều chỉnh cống thoát nước thì bất ngờ bị đất từ phía trên đổ sụp xuống, vùi lấp. Lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã đến cứu hộ, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tuy nhiên, anh Út không thể qua khỏi.
Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động, BHXH, ATVSLĐ Công ty CP Liên hợp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP.Vũng Tàu). |
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Trên đây là 2 vụ TNLĐ gây thương vong và để lại hậu quả nặng nề, xảy ra trong những tháng đầu năm 2020. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, TNLĐ xảy ra nhiều nhất là ở các cơ sở sản xuất công nghiệp, xây dựng. Trong đó, TNLĐ chết người xảy ra nhiều ở các lĩnh vực xây dựng, dầu khí, sản xuất thép, sản xuất vật liệu xây dựng… Nguyên nhân xảy ra tai nạn do DN sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, không bảo đảm an toàn. Vì vậy, quá trình vận hành thường dễ xảy ra sự cố mất an toàn, uy hiếp tính mạng người lao động (NLĐ). Mặt khác, một số cơ sở, DN, nhà xưởng máy móc thiết bị xuống cấp, điều kiện lao động không bảo đảm yêu cầu về ATVSLĐ. Qua công tác kiểm tra, nhiều DN vi phạm các quy định pháp luật về các tiêu chuẩn, quy phạm về ATVSLĐ, như: Không bảo đảm điều kiện làm việc, không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân, chưa huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ, không thực hiện các giải pháp về ATVSLĐ đối với những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trong thời gian tới, LĐLĐ tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn công tác ATVSLĐ để nâng cao chất lượng hoạt động cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ của Công đoàn các cấp và mạng lưới ATVSV ở cơ sở; đồng thời, phối hợp với các cấp CĐ và DN tổ chức tập huấn, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho cán bộ CĐ, cán bộ quản lý DN và ATVSV.
(Ông Nguyễn Châu Trinh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh)
|
Ông Nguyễn Trung Ngạn, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho rằng, một số DN vừa và nhỏ thiếu sự quan tâm về công tác ATVSLĐ, trang bị phương tiện bảo hộ lao động còn hạn chế, mạng lưới an toàn vệ sinh viên (ATVSV) tại các DN đã được thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền đến NLĐ về ATVSLĐ chưa được rộng khắp nên vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ các chính sách, pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ. “Qua công tác thanh, kiểm tra nhận thấy một số DN quy mô vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đến việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động như xây dựng, đăng ký nội quy lao động, xây dựng nội quy, quy trình vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị, công việc; cải thiện điều kiện làm việc, sửa chữa, thay thế hệ thống điện, thiết bị máy móc không an toàn, điều kiện làm việc còn nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại; không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ, không tổ chức huấn luyện, hướng dẫn, thông báo cho NLĐ về những quy định, biện pháp làm việc an toàn, những khả năng TNLĐ cần đề phòng", ông Ngạn thông tin.
Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 248 vụ TNLĐ, với 250 nạn nhân; năm 2016 có 326 vụ, với 330 nạn nhân; năm, 2017 có 331 vụ với 339 nạn nhân; năm 2018 có 305 vụ với 306 nạn nhân, năm 2019 xảy ra 326 vụ với 329 nạn nhân, trong đó có 10 vụ tai nạn làm 10 người tử vong.
Trong năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã tham gia với Sở LĐTBXH kiểm tra, thanh tra về pháp luật lao động, BHXH, trong đó có nội dung về ATVSLĐ tại 106 đơn vị. Đoàn Thanh tra liên ngành tỉnh đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính 20 đơn vị với số tiền 261 triệu đồng.
|
Theo ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Sở LĐTBXH, để phòng ngừa TNLĐ cần nâng cao sự hiểu biết của người sử dụng lao động và NLĐ về công tác ATVSLĐ. Trong đó, DN cần chú trọng công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ, chọn những đơn vị huấn luyện uy tín, đạt chất lượng để công tác huấn luyện an toàn đi vào thực chất. DN tăng cường huấn luyện về ATVSLĐ; quản lý tốt các mối nguy hiểm, nguy cơ rủi ro tiềm ẩn; đặt bảng cảnh báo, hướng dẫn an toàn tại nơi làm việc. Mặt khác, công tác quan trắc môi trường lao động phải được tăng cường nhằm giảm tai nạn, tác hại cho công nhân lao động.
Bài, ảnh: HUYỀN TRANG