Không chỉ thay đổi tư duy về cách làm nông nghiệp truyền thống, ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên mộc) còn là người đầu tiên mang giống ổi ruby Đài Loan mới lạ về trồng và phát triển tại huyện Xuyên Mộc.
Ông Nguyễn Kim Trinh (ấp Nhân Thuận, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) là người đầu tiên đưa giống ổi ruby về trồng tại huyện Xuyên Mộc. |
Dù vườn ổi của gia đình ông Trinh chỉ mới cho thu hoạch được gần 2 tháng nay, song hàng ngày, ông Trinh đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng. Do vườn ổi mới cho thu hoạch đợt đầu tiên nên chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của khách, chủ yếu là khách hàng trong tỉnh.
Vốn khởi nghiệp từ cây quýt đường, kết hợp làm du lịch nông nghiệp, song khi người dân đổ xô trồng quýt thì giá cả rớt thê thảm. Năm 2019, ông mạnh dạn chuyển đổi từ quýt sang trồng ổi, tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ cây trồng trước, ông Trinh cho rằng, phải có hướng đi riêng, giống phải lạ, khác với những loại ổi đang có trên thị trường mới phát triển được.
Sau khi tìm hiểu, ông nhận thấy giống ổi ruby Đài Loan có vỏ xanh, bóng, ruột màu đỏ, thơm, rất ít hạt thậm chí không có hạt, đáp ứng được những yêu cầu về sản phẩm mà ông tìm kiếm. Và thế là sau 3 tháng đặt hàng, vợ chồng ông đã nhập được 300 gốc ổi ruby về trồng thử nghiệm trên diện tích 3.000m2. Theo ông Trinh, so với quýt, ổi là loại cây khá dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, mức đầu tư cũng thấp hơn quýt khoảng 30%, do vậy sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí.
Với ấp ủ tạo ra sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, ông chú trọng xây dựng mô hình trồng ổi sạch, từ xử lý kỹ lưỡng đất trồng, tới nghiên cứu xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Nói về bí quyết trồng ổi sạch, ông Trinh kiên quyết nói không với việc dùng phân bón hóa học, thuốc BVTV. Ông chỉ sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học để bón cho cây. Để quả ổi có chất lượng tốt, ông bổ sung các chế phẩm EM và nấm Trichoderma nhằm tăng cường dưỡng chất, đồng thời cắt tỉa cành thường xuyên. Ông còn nghiên cứu và sáng tạo ra những chế phẩm riêng để bón cho cây, trong đó việc sử dụng cá tươi được ủ hoai, hay dùng sữa bò tươi và trứng gà hòa với nước phun dưỡng cho cây. “Canh tác theo cách của mình tuy chi phí cao hơn mức bình thường, nhưng hiệu quả mang lại rõ rệt, chất lượng ổi được bảo đảm, tốt cho đất, môi trường, sản phẩm làm ra khác hẳn với các loại ổi khác trên thị trường”, ông Trinh nhấn mạnh.
Ổi sau 6 tháng trồng bắt đầu cho trái bói, đến tháng thứ 10 thì sai quả. Để bảo vệ quả khỏi các tác nhân và sâu bệnh bên ngoài, lúc quả non bằng ngón tay cái người lớn, ông dùng bao ni lông PP và bao xốp để bọc ổi, giúp cho quả đẹp, tránh bị ruồi vàng tấn công. Sau khi bọc khoảng hơn 3 tháng, cây ổi cho thu hoạch. Trung bình mỗi cây cho 70-80 quả, trọng lượng từ 3-4 quả/kg, quả to đều, ruột màu đỏ rất đẹp mắt, có mùi thơm và giòn, ngọt đặc trưng, rất ít hạt hoặc không có, khác hẳn với các loại ổi đang có trên thị trường.
Trung bình mỗi ngày ông thu hoạch từ 15-20kg ổi, giá bán 30.000 đồng/kg (cao gần gấp 3 lần ổi bình thường). Đặc biệt, giống ổi ruby cho thu hoạch quanh năm, nên hiệu quả kinh tế cao. “Theo ước tính của tôi, với 300 gốc ổi ruby, nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, sử dụng các chế phẩm an toàn, khi tuổi thọ của cây đạt 1 tuổi trở lên, sẽ cho thu hoạch từ 50-60kg/ngày, cây cho thu hoạch quanh năm, giá bán tương đối ổn định nên hiệu quả gấp 3-4 lần các loại cây ăn trái khác”, ông Trinh cho hay.
Dù là sản phẩm mới, song giống ổi ruby của gia đình ông Trinh nhanh chóng chiếm được niềm tin của khách hàng, chinh phục người tiêu dùng khó tính. Hiện nhu cầu đặt hàng qua các kênh phân phối của gia đình ông lên tới trăm kg/ngày nhưng chưa cung cấp đủ.
Ông Nguyễn Văn Nhiều, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuyên Mộc cho biết: Mô hình trồng ổi của hộ gia đình ông Nguyễn Kim Trinh là mô hình lần đầu tiên có trên địa bàn tỉnh. Bản thân ông Trinh là người ham học hỏi, tìm tòi nhiều loại cây mới lạ mang về trồng thí điểm, đánh giá năng suất. Hiện mô hình trồng ổi giống ruby bước đầu đã cho thấy hiệu quả. Trong thời gian tới, xã sẽ tìm hiểu thêm về việc nhân rộng mô hình, đồng thời vận động các hộ có nhu cầu trên địa bàn tới tham quan, học tập mô hình của ông Trinh nhằm chuyển hướng sang trồng các loại cây ăn quả theo hướng nông nghiệp hữu cơ an toàn, bền vững.
Bài, ảnh: KIM HỒNG