.

Các nước châu Âu từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa chống dịch

Cập nhật: 09:34, 28/04/2020 (GMT+7)

● Nhật Bản tăng tài trợ cho gói giảm thiểu các tác động tiêu cực của COVID-19 

Một số nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa - được áp đặt nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan - sau khi có những dấu hiệu tích cực về tình hình dịch bệnh, với số ca tử vong và nhiễm mới giảm mạnh trong mấy ngày qua, trong đó có nước mức tăng ca nhiễm và tử vong trong ngày đã giảm từ 20% xuống còn 2%.

Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan  của dịch COVID-19 tại Malaga, Tây Ban Nha.
Người dân đeo khẩu trang nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Malaga, Tây Ban Nha.

Tại Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 2 thế giới về số người mắc COVID-19 đang dần nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa. Theo đó, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại.

Ngoài ra, ngày 27/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố. Trẻ em dưới 14 tuổi được phép rời nhà trong 1 giờ với sự giám sát của người lớn và không được phép đi quá phạm vi 1km tính từ nhà và mỗi ngày chỉ ra khỏi nhà 1 lần trong cung giờ từ 9h00 đến 21h00.

Tại Italia, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các DN hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa được áp đặt gần như trên toàn quốc, vốn là biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất và lâu nhất ở châu Âu. 

Theo số liệu thống kê chính thức của Bộ Y tế Italia, tính đến hết ngày 26/4, nước này đã ghi nhận 26.664 ca tử vong do mắc COVID-19, đứng thứ 2 thế giới sau Mỹ và đứng đầu tại châu Âu. Tuy nhiên, trong cả tuần qua, số ca nhiễm mới tại Italia giảm mạnh, với tỷ lệ tăng ghi nhận hàng ngày ở mức thấp từ 0,2-0,7%, đủ để nước này từng bước đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường. Italia đã ghi nhận tổng cộng 197.675 ca nhiễm, tăng 2.324 ca trong vòng 24 giờ, và thêm 260 ca tử vong, theo đó ngày 26/4 được ghi nhận là ngày có số ca tử vong thấp nhất ở nước này kể từ ngày 14/3.

Pháp cũng đang lên kế hoạch dừng các biện pháp phong tỏa. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3. Chiến lược sẽ được công bố sau cuộc thảo luận và bỏ phiếu tại quốc hội trong ngày 28/4.

Chính quyền Paris đã nêu rõ 17 ưu tiên để từng bước đưa đất nước trở về trạng thái bình thường, theo tiến độ được kiểm soát kể từ ngày 11/5. Sau khi các trường học, công ty, giao thông công cộng được hoạt động trở lại, việc cung cấp khẩu trang, nước diệt khuẩn, xét nghiệm và hỗ trợ người cao tuổi sẽ được chú trọng.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cũng dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này sau khi ông trở lại làm việc sau thời gian điều trị bệnh COVID-19 kéo dài gần 1 tháng qua. Theo Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia, ông Stephen Powis, số ca mắc COVID-19 tại Anh đang có chiều hướng giảm rõ rệt, cho thấy biện pháp “giãn cách xã hội” đang phát huy hiệu quả. Ngoại trưởng Dominic Raab cho biết, chính phủ sẽ tham vấn giới chức y tế và khoa học trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Ông nhấn mạnh sẽ không gỡ bỏ ngay lập tức các biện pháp hạn chế, mà sẽ tiến hành từng bước để đưa các hoạt động xã hội về trạng thái “bình thường mới”.

● Ngày 27/4, Chính phủ Nhật Bản đã đệ trình lên quốc hội dự thảo sửa đổi ngân sách bổ sung có tổng trị giá 25.690 tỷ yen (khoảng 240 tỷ USD) để tài trợ cho gói biện pháp khẩn cấp nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế.

So với dự thảo mà nội các Nhật Bản thông qua hôm 20/4, dự thảo ngân sách này tăng hơn 8.880 tỷ yen, chủ yếu do sự thay đổi về chính sách trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt cho người dân.

Ban đầu, Thủ tướng Shinzo Abe dự định sẽ trợ cấp 300.000 yen cho mỗi hộ gia đình bị giảm thu nhập do dịch COVID-19. Tuy nhiên, hôm 17/4, ông đã quyết định trợ cấp 100.000 yen/người bằng tiền mặt cho tất cả người dân, kể cả người nước ngoài đang cư trú từ 3 tháng trở lên ở nước này.

Dự kiến, dự thảo ngân sách mới sẽ được Hạ viện xem xét thông qua vào ngày 29/4 - ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản - và tại Thượng viện 1 ngày sau đó. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Nhật Bản nhóm họp vào ngày nghỉ lễ trong vòng 9 năm qua. Lần cuối cùng cơ quan lập pháp này họp vào ngày nghỉ lễ là khi thảo luận về dự thảo ngân sách bổ sung sau thảm họa động đất và sóng thần tháng 3/2011 ở khu vực Đông Bắc nước này.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao do chịu tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Theo đó, Hội đồng Chính sách BOJ đã nhất trí “mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu chính phủ mà không áp đặt mức trần”. Bên cạnh đó, BOJ sẽ tăng gấp gần 3 lần số lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.

Nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ (SME), BOJ đã nới lỏng quy định về thế chấp, cho phép các ngân hàng thương mại tiếp cận chương trình hỗ trợ thanh khoản của mình với mục đích tăng dư nợ tín dụng cho các SME. Để khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng dư nợ tín dụng cho các SME, BOJ sẽ hỗ trợ lãi suất 0,1% cho các ngân hàng này.

Mặt khác, BOJ cũng hạ thấp dự báo về nền kinh tế khi dự báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này có thể sẽ tăng trưởng âm 3% đến 5% trong tài khóa 2020 (bắt đầu từ đầu tháng 4/2020), trong khi tỷ lệ lạm phát có thể sẽ rơi xuống mức từ 0,3% đến 0,7% trong năm nay.

Mặc dù vậy, BOJ vẫn không thay đổi các công cụ khác của chính sách tiền tệ khi giữ lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và dài hạn ở mức khoảng 0%. BOJ sẽ tiếp tục nâng khối lượng trái phiếu Chính phủ Nhật Bản mà họ nắm giữ thêm 80.000 tỷ yen/năm.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

 
.
.
.