Bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương
Trận địa pháo cổ Núi Lớn (phường 5, TP.Vũng Tàu) là một trong những chứng tích quan trọng thời kỳ Pháp thuộc, được quân đội thực dân Pháp xây dựng cách đây 135 năm, từng coi là “bất khả xâm phạm” tới vùng biển Vũng Tàu-Cần Giờ. Hiện nay, trận địa pháo cổ này là một trong những bộ sưu tập pháo cổ lớn nhất Đông Dương.
Trận địa pháo cổ trên Núi Lớn, phường 5, TP.Vũng Tàu. |
Từ hẻm 444, Trần Phú, phường 5, TP.Vũng Tàu men theo con đường nhựa khoảng 2km, uốn khúc quanh co bên sườn núi rợp bóng cây rừng, chúng tôi tìm đến trận địa pháo cổ trên Núi Lớn. Từ nơi đây, đưa mắt nhìn xuống là biển xanh mênh mông với tàu, thuyền ra vào tấp nập. Trên lưng chừng núi cách mặt biển khoảng 100m, 6 khẩu pháo gần như còn nguyên vẹn nằm hướng ra phía biển, được che phủ bởi những rặng cây rừng.
Trước đây, khi xâm chiếm Vũng Tàu, thực dân Pháp coi nơi đây là vị trí chiến lược khá thuận lợi về mặt quân sự. Chính vì vậy, song song với việc xây dựng chính quyền tại Vũng Tàu, thực dân Pháp tiến hành xây dựng hệ thống đồn bốt, công sự, lắp đặt những trận địa pháo trên Núi Lớn nhằm bảo vệ địa hình chiến lược Vũng Tàu. Chính vì thế năm 1885, Pháp bắt đầu cho xây dựng hệ thống hầm và lắp đặt trận địa pháo trên Núi Lớn trong vòng 15 năm.
Các khẩu pháo được bố trí theo hình vòng cung, mỗi khẩu cách nhau 17,5m với trọng lượng khoảng 15 tấn/khẩu. Pháo cổ gồm có 5 bộ phận chính. Bệ pháo cao 1,1m hình tròn với đường kính 3m chia làm bốn tầng. Phía trên bệ là phần giá pháo cao 0,85m. Nòng pháo dài 2,82m, đường kính điểm lớn nhất 0,42m. Buồng đạn dài 1,28m, hai bên buồng đạn có hệ thống điều khiển tầm hình tam giác. Tất cả các khẩu pháo đều được đặt trên mâm pháo có thể quay 3600 và nâng cao hay hạ thấp tầm bắn nhờ vào hệ thống đĩa có răng cưa gắn với bệ pháo cố định. Xen giữa các khẩu pháo là hệ thống kho đạn, hầm pháo thủ có hình mái vòm kiên cố.
Sở dĩ quân đội thực dân Pháp đặt các khẩu pháo ở lưng chừng núi Lớn tại bãi Dâu hướng ra biển với mục đích bảo vệ Vũng Tàu, cửa biển Cần Giờ. Bởi khi đó, các tàu ra vào Sài Gòn đều phải theo cửa biển Cần Giờ, đó là một vị trí thuận lợi trong phòng ngự và tấn công. Về mặt quân sự, Pháp sẽ kiểm soát được đường thủy trọng yếu ở vùng Đông Nam Bộ. Mặt khác, Pháp nhắm đến việc độc quyền mua bán, trao đổi hàng hóa ở thị trường Đông Dương.
Để xây dựng một trận địa pháo lớn nhất lúc bấy giờ thực dân Pháp đã cướp đi biết bao tính mạng, mồ hôi, xương máu lao dịch khổ sai của nhân dân ta. Họ phải xẻ đá, phá núi làm đường, đào hào giao thông, xây hầm công sự đều làm bằng thủ công. Để chuyển được vật liệu và những khẩu pháo lên núi ngoài sức người thì một hệ thống đường ray, cần trục cổ và sức kéo của gia súc phần nào cũng được áp dụng phục vụ cho việc xây cất công trình này.
Ngày 4/8/1992, trận địa pháo cổ Núi Lớn được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN