.

Phòng chống dịch Covid -19: Trường học tự chế nước rửa tay sát khuẩn

Cập nhật: 23:33, 19/02/2020 (GMT+7)

Hiện nay, trong bối cảnh mặt hàng nước rửa tay sát khuẩn, hay còn gọi là nước rửa tay khô (NRTK) đang trong tình trạng khan hiếm, một số trường học trên địa bàn tỉnh đã tự điều chế NRTK để dùng trong nhà trường. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo cần cẩn trọng khi sử dụng sản phẩm này.

TỰ LÀM NƯỚC RỬA TAY SÁT KHUẨN

Để chuẩn bị các điều kiện khi HS trở lại trường sau thời gian tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 gây ra, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống và ngoài giờ lên lớp thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch. Trong đó, Sở yêu cầu mỗi lớp học trang bị 1 chai NRTK. Tuy nhiên, do số lượng HS, SV quá lớn, nên việc trang bị sản phẩm này ở trường học gặp khó khăn do chi phí cao và khan hiếm hàng. Do đó, một số trường đã tự điều chế NRTK để dùng nội bộ.

Cô Tăng Thị Tường Vy, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) cho hay, trường có 28 lớp học nên việc trang bị NRTK hàng ngày cho HS sẽ tốn khoản tiền lớn. Cô Vy nhẩm tính, trung bình mỗi lớp có 45 HS, mỗi ngày dùng hết tối thiểu 1 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn loại 50ml. “Theo giá thị trường, loại này có giá khoảng 35 ngàn đồng/chai. Như vậy, 1 ngày nhà trường sẽ phải chi gần 1 triệu đồng cho việc mua NRTK. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, việc mua NRTK sẽ tiêu tốn khoản chi phí không nhỏ.

Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH BR-VT điều chế nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH BR-VT điều chế nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

Tại trường Đại học BR-VT, ông Nguyễn Lộc, Hiệu trưởng trường cho biết, trường có 5.000 SV và 260 cán bộ, GV, công nhân viên, nên nhu cầu sử dụng NRTK trong nhà trường là rất lớn. Trong khi đó, NRTK trên thị trường hiện đang khan hiếm, khó mua và giá thành cao. Do vậy, nhà trường đã tự điều chế NRTK dùng cho cán bộ, GV, công nhân viên và SV. Cách làm này vừa tiết kiệm và có thể sử dụng lâu dài trong nội bộ nhà trường. 

Theo đó, các giảng viên, SV bộ môn Công nghệ kỹ thuật hóa học và Công nghệ thực phẩm thuộc Khoa Công nghệ Kỹ thuật - Nông nghiệp Công nghệ cao của trường phối hợp với Công ty TNHH Tinh dầu Hằng Phan (TP. Vũng Tàu) điều chế NRTK. TS. Nguyễn Thị Tuyết, đại diện nhóm điều chế cho biết, sản phẩm sử dụng các nguyên liệu đã được đánh giá có tính diệt khuẩn cao và giúp làm mềm, mịn da. Thành phần chính của dung dịch này bao gồm dung dịch nano bạc, tinh dầu sả chanh, vitamin E, chiết xuất lô hội và alcohol. Đây là những nguyên liệu dễ kiếm, gần gũi với cuộc sống, giá thành thấp. Khi thử nghiệm rửa tay bằng dung dịch này, sau khoảng 5 giây sẽ khô ngay, để lại hương thơm dễ chịu. Sản phẩm đã được điều chế đựng trong chai có dung tích 50ml, 100ml, 250ml, 500ml, 1.000ml. Hiện nay, nhà trường tiếp tục sản xuất với số lượng khoảng 500 chai mỗi ngày để dùng cho SV, GV, cán bộ, nhân viên của nhà trường và hỗ trợ một số trường học trên địa bàn tỉnh.

NRTK được điều chế bằng nguyên liệu an toàn như cồn y tế 90 độ, nha đam, tinh dầu, chất tạo màu dùng cho thực phẩm theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau khi điều chế, sản phẩm có nồng độ cồn khoảng 70%, hương thơm dễ chịu, không chỉ diệt khuẩn mà còn khiến da tay mềm mại. Với khoảng 18 lít cồn, nhà trường đã điều chế được gần 40 chai dung dịch sát khuẩn (dung tích 500 ml/chai) để dùng cho toàn trường. Giá thành sản phẩm chỉ khoảng 40 ngàn đồng/500ml, có thể sử dụng trong thời gian dài. 

(Cô Lê Thị Hoài Thư, Tổ trưởng Tổ Hóa - Sinh, Trường THCS Vũng Tàu)

Tương tự, trước nhu cầu sử dụng số lượng lớn NRTK, các GV tổ Hóa-Sinh, Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) cũng đã điều chế NRTK để dùng trong trường và các lớp học. Cô Lê Thị Hoài Thư, Tổ trưởng tổ Hóa - Sinh cho hay, đây là một đề tài nghiên cứu khoa học của trường, được Ban Giám hiệu chấp thuận triển khai vì có tính ứng dụng cao, rất cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. 

GV Trường THCS Vũng Tàu điều chế nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: KHÁNH CHI
GV Trường THCS Vũng Tàu điều chế nước rửa tay sát khuẩn. Ảnh: KHÁNH CHI

CẦN QUA KIỂM NGHIỆM 

Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN đánh giá, hiện nay các trường tự điều chế NRTK theo công thức của ngành y tế và ngành dược. Tuy nhiên, nếu pha chế theo công thức này mà nguyên liệu không bảo đảm có thể gây nguy hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, cồn công nghiệp dùng để điều chế NRTK nếu không đạt tiêu chuẩn có thể ảnh hưởng đến thị giác. Do đó, theo quy định các sản phẩm liên quan đến sức khỏe đều phải có kiểm định, kiểm duyệt chất lượng mới được lưu hành, sử dụng. 

Bà Trần Thị Lệ Hà, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Lê Lợi cho rằng, để bảo đảm tác dụng diệt khuẩn, an toàn cho người dùng, các sản phẩm NRTK phải được kiểm nghiệm bởi các cơ quan y tế có thẩm quyền. Các trường học tự điều chế NRTK cũng nên đưa đến các cơ quan này để kiểm nghiệm trước khi sử dụng trong toàn trường. Trường hợp không mua được các sản phẩm NRTK đạt tiêu chuẩn, các trường học có thể thay thế bằng dung dịch cồn Ethanol có nồng độ 70% để rửa tay sát khuẩn. 

Chế phẩm vệ sinh tay chứa cồn thường ở dạng dung dịch, dạng gel hoặc dạng bọt. Phần lớn sản phẩm cồn vệ sinh tay chứa isopropanol, ethanol hoặc n-propanol, hoặc kết hợp 2 trong những thành phần này. Một số hóa chất vệ sinh tay chứa cồn kết hợp giữa một loại cồn trên với povidine iodine, triclosan hoặc chlorhexidine gluconate. Do có nhiều ưu việt về hiệu quả diệt khuẩn, mức độ an toàn và tính tiện dụng trong triển khai thực hành, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi việc trang bị dung dịch vệ sinh tay chứa cồn có chất dưỡng da là một chiến lược quan trọng nhằm cải thiện thực hành vệ sinh tay.

Cồn có hoạt tính kháng khuẩn cao nhờ khả năng làm biến tính protein. Dung dịch cồn ở nồng độ từ 60% đến 90% có hiệu lực kháng khuẩn tốt nhất. Tuy nhiên, khả năng làm biến tính protein của cồn giảm mạnh khi không có mặt nước, do vậy hiệu lực kháng khuẩn giảm khi vệ sinh tay bằng dung dịch có cồn nồng độ dưới 90%.

(Bà Trần Thị Lệ Hà, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Lê Lợi)

“NRTK chỉ sử dụng trong trường hợp không có xà bông và nước sạch để rửa tay, hoặc không tiện để rửa tay bằng xà bông và chỉ dùng khi bàn tay không có vết bẩn nhìn bằng mắt thường. Nếu bàn tay tiếp xúc với chất bẩn nhìn được bằng mắt thường, hoặc tiếp xúc dịch tiết thì nhất định phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, chứ không nên dùng NRTK để thay thế”, bà Hà khuyến cáo. 

NHÓM PV TSCT 

 
.
.
.