Cẩn trọng khi bị đau vùng cổ tay
Đau vùng cổ tay là một dấu hiệu thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có tình trạng viêm của bao gân hoạt dịch gọi là hội chứng De Quervain (DQ). Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan, không coi trọng việc điều trị viêm bao gân từ sớm, khiến cho bệnh trở nên nghiêm trọng và điều trị khó khăn hơn.
Viêm bao gân ở giai đoạn muộn có thể phải phẫu thuật. Trong ảnh: Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bà Rịa. (Ảnh minh họa) |
Bà Nguyễn Thị Tú, 55 tuổi ở 93 Lê Lợi, TP.Vũng Tàu bị đau nhức vùng cổ tay sau thời gian vừa chăm sóc bồng bế cháu nhỏ, vừa làm việc nhà, lại thường xuyên sử dụng kéo để cắt xương và thịt gà. Bà đi khám bác sĩ và được chẩn đoán là bị viêm bao gân hoạt dịch. Những động tác lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn của cổ tay và ngón cái trong khi làm công việc kể trên đã gây ra những tổn thương vùng bao gân ở cổ tay bà. Ban đầu, tổn thương của bà mới ở mức độ nhẹ, chỉ cần uống thuốc giảm viêm và cố định để hạn chế cử động vùng cổ tay và ngón tay. Tuy nhiên, bà lại chủ quan, nghĩ bệnh không nguy hiểm nên thay vì tuân thủ điều trị của bác sĩ, bà lại tự ý tháo băng cố định để tiện trong sinh hoạt và làm việc. Nghe hàng xóm mách bảo xoa bóp, bấm huyệt có thể hết đau và mau lành, bà liền tin và làm theo. Sau gần 1 tháng, tay bà càng lúc càng đau và có hiện tượng sưng đỏ tấy. Lúc này bà chịu mới trở lại bác sĩ để khám, kiểm tra thương tích. Kết quả, do tổn thương đã ở mức nghiêm trọng nên bác sĩ đã chỉ định bà phải phẫu thuật.
Theo bác sĩ Nguyễn Phi Ngọ, chuyên khoa ngoại, nguyên Phó Giám đốc BV Lê Lợi, nguyên nhân chính xác của bệnh DQ đến nay vẫn chưa thật rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu thấy rằng bệnh thường xảy ra ở những người phải hoạt động ngón cái nhiều, đặc biệt là trong tư thế duỗi và dạng. Bệnh xảy ra ở phụ nữ cao hơn so với nam giới, thường gặp ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi, nhưng ngày nay đã ghi nhận nhiều trường hợp ở người trẻ tuổi do sử dụng điện thoại di động nhiều. Bệnh DQ được xem là một tình trạng viêm mãn tính bao hoạt mạc vùng ô duỗi số một, thường do vi chấn thương kéo dài ở ngón cái, nhưng nó cũng có thể xảy ra sau chấn thương cấp tính hoặc ở một số bệnh nhân viêm khớp, đái tháo đường, hoặc phụ nữ có thai, sau sinh.
Trong giai đoạn sớm bệnh nhân thường đau ở gốc ngón tay, đau khi gấp chặt, xoay, lắc ngón cái. Đau lên vùng cẳng tay hoặc xuống ngón cái. Ở giai đoạn nặng hơn, vùng gốc ngón tay sưng dày, gồ lên trên mặt da, có thể đỏ, cử động khó do đau và có thể nghe tiếng “lục cục” khi cử động.
Khi chẩn đoán bệnh DQ, bác sĩ thường bắt đầu điều trị bằng thuốc hoặc tiêm cortisol vào bao gân; đồng thời cố định ngón cái. Tiêm cortisol vào bao gân có kết quả tốt hơn nhiều so với điều trị bằng thuốc uống kháng viêm không steroid. Tuy nhiên, cortisol chỉ được tiêm vào bao gân chứ không được tiêm vào gân vì có thể gây tổn thương gân và thậm chí là đứt gân. Do đó, sử dụng phương pháp này đòi hỏi kỹ thuật của bác sĩ phải chuẩn và chính xác.
Nếu bệnh nhân đến quá trễ, các phương pháp điều trị nội khoa nói trên thất bại, bệnh tái phát thì bác sĩ buộc phải sử dụng phẫu thuật. Cũng giống như những cuộc phẫu thuật khác, bệnh nhân phải chấp nhận những biến chứng có thể xảy ra.
Để hạn chế diễn tiến của hội chứng DQ, bệnh nhân cần tránh di chuyển cổ tay, ngón tay liên tục; đeo nạng hoặc nẹp nếu bác sĩ đề nghị; thực hiện các bài tập bác sĩ đề xuất cho bạn. Lưu ý hãy cố gắng tránh các hoạt động gây đau, sưng hoặc tê ở ngón cái và cổ tay của bạn và chia sẻ thông tin đó với bác sĩ. Nên có thời gian nghỉ giữa chừng nếu bạn phải thực hiện các động tác lặp đi lặp lại của cổ tay. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cơ bắp, làm giảm đau và hạn chế kích thích gân.
Bài, ảnh: MINH THIÊN