.
Trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai

"Xóm Bờ Giậu" của nhà văn Trần Đức Tiến được trao giải B

Cập nhật: 20:41, 27/12/2019 (GMT+7)

Tối 26/12, tại Hà Nội, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ hai - năm 2019. Ðây là giải thưởng của Nhà nước được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm xuất sắc, có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mỹ và phù hợp xu thế hội nhập. 

Giải thưởng Sách quốc gia năm nay có 42 nhà xuất bản tham gia với 355 tác phẩm. Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia đã chọn 27 tác phẩm tiêu biểu, có giá trị cao để trao giải. Cụ thể, 2 giải A (trị giá 100 triệu đồng) được trao cho 2 công trình khoa học đồ sộ: Bộ sách Ðộng vật chí Việt Nam (từ tập 26 đến tập 31) và Thực vật chí Việt Nam (từ tập 12 đến tập 21) của tập thể tác giả, NXB Khoa học tự nhiên và Công nghệ; bộ sách Vùng đất Nam Bộ - Quá trình hình thành và phát triển (gồm 2 tập tổng quan và 10 tập chuyên khảo sâu) của tập thể tác giả do cố giáo sư Phan Huy Lê tổng chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật ấn hành. Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia cũng trao giải B (trị giá 50 triệu đồng) cho 13 tác phẩm và giải C (trị giá 30 triệu đồng) cho 12 tác phẩm. 

Tập truyện đồng dao thiếu nhi Xóm Bờ Giậu (tranh minh họa: Kim Duẩn) của nhà văn Trần Đức Tiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) được trao giải B. Xóm Bờ Giậu do NXB Kim Đồng ấn hành năm 2018. Tác phẩm gồm 25 truyện ngắn, là 25 câu chuyện đời thường về cư dân “Xóm Bờ Giậu”: Cụ giáo Cóc về hưu, nhạc sĩ Dế Lửa, cô Hoa Cúc Áo, chuyên gia dự báo thời tiết Tắc Kè, chú thợ săn Thằn Lằn, cô người mẫu Ốc Sên… Mỗi câu chuyện đều gửi gắm một thông điệp: Tình nghĩa xóm giềng, tình bạn, tình yêu, sự gắn bó thân thiết, niềm vui, nỗi buồn, và cả những niềm hy vọng chưa bao giờ vơi về những điều tốt đẹp, cao quý. 

Trần Đức Tiến là một trong những nhà văn đạt nhiều giải thưởng khi viết cho thiếu nhi. Yêu trẻ, viết nhiều cho trẻ, nhưng dường như những tác phẩm của ông còn có sức hấp dẫn đặc biệt với bạn đọc ở nhiều lứa tuổi. Ông từng tâm sự: “Tôi viết cho thiếu nhi cũng có nghĩa là viết cho người lớn có nguy cơ đánh mất tâm hồn trẻ thơ”. 

ĐỨC NGUYÊN

 
.
.
.