.

Gia đình chung của trẻ mồ côi

Cập nhật: 21:02, 03/10/2019 (GMT+7)

14 năm qua, mái ấm nhân đạo trong chùa Hồng Quang (tổ 10, thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa, TX.Phú Mỹ) đã cưu mang hàng trăm trẻ mồ côi. Ngoài chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho các em, sư trụ trì - Đại đức Thích Thiện Thông còn chú ý phát triển kỹ năng sống, dạy tâm thiện và làm thủ tục khai sinh để các em thuận lợi vào đời.

Các em trong độ tuổi mầm non được bảo mẫu đút ăn.
Các em trong độ tuổi mầm non được bảo mẫu đút ăn.

Chúng tôi đến chùa Hồng Quang vào một buổi chiều muộn. Thường ở các nhà chùa, chiều tối là thời gian tĩnh lặng, nhưng chùa Hồng Quang lại khác. Từ cổng chùa đã nghe tiếng nô đùa í ới. Trong khoảnh sân chừng 200m2, nhiều em nhỏ trên lưng vẫn đeo cặp trong bộ đồng phục HS chạy nhảy, vui chơi. Một nhà sư đi quanh vừa quan sát trông chừng các em, vừa làm nhiệm vụ đóng mở cổng mỗi khi có người ra vào. Thấy khách lạ, các em khoanh tay lễ phép chào. Vài câu chào hỏi, chúng tôi được biết đó là Đại đức Thích Thiện Thông, trụ trì chùa và “cha đẻ” của mái ấm Hồng Quang.

Biết chúng tôi muốn đi thăm chùa, sư Thông nhiệt tình hướng dẫn. Khuôn viên chùa rộng nhưng chẳng có công trình kiến trúc nào hoàn hảo cả. Chánh điện, phòng tiếp khách bày trí giản đơn, nội thất cũ kỹ. Dãy nhà ăn lụp xụp, che chắn tạm bằng những tấm tôn cũ. Chỉ có một khu nhà hình chữ L mới xây xong phần trệt với 6 phòng nhỏ được sử dụng làm nơi ở cho trẻ. Lướt qua dãy nhà, chúng tôi thấy có 2 phòng sáng đèn. Theo lời sư Thông, 2 phòng này dành cho các cháu nhỏ dưới 2 tuổi có bảo mẫu chăm sóc. Trong những chiếc nôi đặt sát tường, vài em đã chập chững biết đi, đứng thẳng người giơ tay về phía chúng tôi đòi bế. Có em mới vài tháng tuổi, nằm trong nôi mở to đôi mắt nhìn chúng tôi. Có em bị bại não, chỉ nằm yên một chỗ.

Đại đức Thích Thiện Thông tự tay chăm sóc những em nhỏ đang nuôi dưỡng tại mái ấm Hồng Quang.
Đại đức Thích Thiện Thông tự tay chăm sóc những em nhỏ đang nuôi dưỡng tại mái ấm Hồng Quang.

Kể về cơ duyên nhận nuôi trẻ mồ côi, sư Thông cho hay, vào một đêm cuối năm 2005, nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc trước cổng chùa, sư ra xem và ẵm vào chùa chăm sóc. Qua từng năm, số trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa tăng dần. Thời điểm hiện tại nhà chùa đang nuôi dưỡng 81 em, bé nhỏ nhất mới hơn 1 tháng tuổi, lớn nhất 16 tuổi. Ban đầu việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ do sư Thông tự làm. Sau đó, phật tử, người dân quanh chùa đỡ đần giúp khi rảnh rỗi. Vài năm gần đây, khi số trẻ tăng nhiều, nhà chùa phải mượn thêm bảo mẫu để chăm lo tốt hơn cho cháu em.

Một vòng khuôn viên chùa, trời đã chạng vạng. Lúc này, khu bếp và nhà ăn cũng sáng đèn. 8 chiếc bàn tròn được xếp ra, các em nhỏ không ai bảo ai ngồi vào trật tự ăn tối. Bữa ăn có cơm, cháo, nui. Những bé trong độ tuổi mầm non ăn cháo hoặc nui, lớn hơn một chút ăn cơm. Những bé chưa thể tự xúc ăn được các bảo mẫu đút, có bé nhõng nhẽo đòi sư Thông đút mới chịu ăn. Sau bữa cơm tối kéo dài khoảng 30 phút, lần lượt từng bé được tắm rửa sạch sẽ. Những đứa nhỏ hơn chơi trong phòng dưới sự giám sát của các bảo mẫu. Các bé đang tuổi đi học lấy sách vở ê a đọc chữ. Câu chuyện với chúng tôi thường xuyên bị ngắt quãng bởi sư Thông còn kiêm luôn gia sư cho các em. Những bài toán, bài văn các bé chưa hiểu được sư Thông giảng giải, phân tích cặn kẽ. Cứ thế, khi các con đã thông hiểu bài vở, lên giường và chìm sâu vào giấc ngủ, một ngày của sư Thông mới kết thúc.

Để các em thuận tiện khi vào đời, tất cả trẻ mồ côi được nuôi dưỡng tại chùa đều được làm giấy khai sinh lấy họ Hồ theo họ thật của sư Thông (tên thật của sư Thông là Hồ Văn Tuấn). Nhờ vậy, các em được đi học, có bảo hiểm y tế, được miễn giảm học phí. “Nhà chùa nuôi dưỡng các em tới 18 tuổi. Sau đó, tùy theo nguyện vọng, em nào học nghề, học tiếp văn hóa hoặc đi làm nhà chùa đều tạo điều kiện. Có 25 em đã ra đời lập nghiệp, trong đó 10 em có công việc ổn định, thường xuyên về giúp chùa chăm sóc lớp trẻ tiếp theo”, sư Thông cho hay.

Hôm đến chùa, chúng tôi gặp em Hồ Văn Năm (đang học lớp 5, Trường TH Văn Lang, xã Tân Hòa). Bị bỏ rơi từ khi vài tháng tuổi, Năm không biết cha mẹ là ai. Năm tâm sự: Em lớn lên ở đây từ nhỏ. Nhờ sư Thông nuôi dạy mà em được học hành đàng hoàng. Em sẽ cố gắng học giỏi để làm người tốt, người có ích cho xã hội.

Trong số 81 trẻ đang nuôi dưỡng tại chùa Hồng Quang có 25 em đang học mẫu giáo, 30 em học cấp 1, 5 em học cấp 2 và 1 em đang học cấp 3. Hàng ngày, nhà chùa đều đưa đón các em trong độ tuổi cấp 1 đến trường. Sau thời gian đến lớp, các bé được sư Thông dạy thiền, tụng kinh niệm Phật, kỹ năng sống, phân biệt lẽ phải điều trái.

Không chỉ chăm lo cho mái ấm Hồng Quang, sư Thông còn tích cực làm cầu nối đưa những tấm lòng hảo tâm đến những hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, mái ấm Hồng Quang cùng phật tử, mạnh thường quân tổ chức nhiều chương trình xã hội ý nghĩa như trao học bổng, hỗ trợ học phí, tặng dụng cụ học tập, xe lăn… đến người neo đơn, người nghèo, HS vượt khó học giỏi tại nhiều tỉnh thành trên cả nước với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng/năm.

Theo ông Hà Hảo Hiệp, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Tân Hòa (TX.Phú Mỹ) những việc làm của sư Thông và chùa Hồng Quang đã góp phần tích cực tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn, chung sức cùng chính quyền chăm lo cho công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo ở địa phương. Địa phương rất trân trọng nghĩa cử cao đẹp trên và luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà chùa hoạt động trên tinh thần “tốt đời đẹp đạo”.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

.
.
.