.

Xã hội hóa hoạt động thể dục - thể thao: Còn nhiều vướng mắc về thu hút đầu tư

Cập nhật: 20:57, 03/10/2019 (GMT+7)

Trong thời gian qua, hoạt động đầu tư xã hội hóa (XHH) lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để hoạt động này phát triển, cần có các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ phù hợp để tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nhiều hơn.

 Thi đấu bóng đá tại sân bóng mini sân cỏ nhân tạo trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh    (số 100, đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) do tư nhân đầu tư là một loại hình XHH hoạt động TDTT.
Thi đấu bóng đá tại sân bóng mini sân cỏ nhân tạo trong khuôn viên Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh (số 100, đường Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) do tư nhân đầu tư là một loại hình XHH hoạt động TDTT.

THIẾU QUỸ ĐẤT

Trên địa bàn tỉnh hiện có 507 câu lạc bộ (CLB) TDTT ngoài công lập đang hoạt động. Hàng năm, các CLB đã thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, thu hút hàng ngàn vận động viên tham gia tranh tài ở các bộ môn TDTT. Những năm qua, đã có nhiều cá nhân, DN, tổ chức đầu tư cơ sở vật chất, đứng ra tài trợ kinh phí tổ chức các giải thể thao cấp tỉnh, khu vực, với tổng kinh phí khoảng 4,3 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, số người tham gia hoạt động TDTT ngày càng tăng, tính đến đầu năm 2019, toàn tỉnh có số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt tỷ lệ 37%; hộ gia đình có hoạt động TDTT đạt tỷ lệ 51,50%.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT: Trong lĩnh vực thể thao, có hàng trăm CLB đang hoạt động, nhưng chỉ có CLB bóng đá BR-VT là hoạt động chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy, muốn hướng đến chuyên nghiệp hoạt động TDTT, cần phải tăng về quy mô, nhưng quỹ đất đầu tư cho hoạt động TDTT hiện quá hạn hẹp. Vì vậy, trong quy hoạch phát triển chung của mỗi địa phương, cần dành quỹ đất để phát triển hoạt động TDTT theo hướng XHH.

Sân bóng đá Lam Sơn nhìn từ trên cao đã giao cho DN quản lý, khai thác làm nơi đua chó giải trí và sân bóng đá mini theo hình thức XHH hoạt động TDTT.
Sân bóng đá Lam Sơn nhìn từ trên cao đã giao cho DN quản lý, khai thác làm nơi đua chó giải trí và sân bóng đá mini theo hình thức XHH hoạt động TDTT.

Theo ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh, DN đầu tư vào lĩnh vực TDTT theo hình thức XHH chủ yếu bằng niềm đam mê TDTT và muốn đóng góp “sân chơi” cho cộng đồng. Vì đầu tư vào lĩnh vực TDTT không thu được lợi nhuận như các lĩnh vực khác. Trong khi đó, quỹ đất dành cho XHH hoạt động TDTT rất hạn hẹp, DN phải thuê đất, thuê cơ sở vật chất có sẵn để đầu tư xây dựng các sân luyện tập, thi đấu.

 NHỮNG VƯỚNG MẮC CẦN THÁO GỠ

Thời gian qua, để phát triển XHH hoạt động TDTT, Chính phủ, Bộ VH-TT, HĐND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư XHH lĩnh vực TDTT. Tuy nhiên, dù chính sách hỗ trợ đã được ban hành (cho thuê cơ sở vật chất giá ưu đãi; miễn, giảm tiền cho thuê đất; vay vốn ưu đãi từ quỹ đầu tư địa phương; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…) nhưng chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nên chưa thực sự đi vào cuộc sống. “Nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình TDTT phục vụ cho cộng đồng không vì mục đích lợi nhuận, cơ quan thẩm quyền cần thực hiện chế độ giao đất không thu tiền sử dụng đất, hoặc áp dụng chính sách ưu đãi giảm tiền sử dụng đất khi giao đất cho nhà đầu tư”, ông Phạm Văn Triêm kiến nghị.

Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức trong tháng 9 vừa qua, nghe Sở VH-TT báo cáo dự thảo “Đề án phát triển XHH hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2025”, đại diện Phòng VH-TT huyện Xuyên Mộc cho biết: Nhiều trường học trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có đất rộng, muốn hợp tác với tổ chức, cá nhân đầu tư làm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, thuận tiện cho giáo dục thể chất và phát triển phong trào bóng đá địa phương, học đường. Tuy nhiên, muốn thực hiện việc đầu tư này, theo quy định tại Nghị định số 69/2008/NĐ-CP “Về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường” thì phải qua nhiều khâu thủ tục phức tạp, nên nhà đầu tư e ngại không muốn làm.

“Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết: Tới đây, dự án Khu liên hợp TDTT tỉnh sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 40ha tại TP.Bà Rịa. Theo đó, Nhà nước chỉ đầu tư hạ tầng và một số hạng mục chính, phần còn lại giao cho nhà đầu tư thực hiện theo hình thức XHH. Vì vậy, Sở VH-TT đang tích cực xây dựng hoàn thiện “Đề án phát triển XHH hoạt động TDTT trên địa bàn tỉnh BR-VT đến năm 2025” trình UBND tỉnh phê duyệt để có căn cứ pháp lý triển khai thực hiện dự án Khu liên hợp TDTT tỉnh”.

Theo ông Vương Quốc Thịnh, Phó Phòng VH-TT huyện Long Điền, để thực hiện XHH hoạt động TDTT, Sở VH-TT cần có hướng dẫn cụ thể để cấp huyện, xã dễ thực hiện được. Ví dụ như, địa phương muốn cho thuê các cơ sở vật chất TDTT thì sẽ vướng Nghị định 151/2017/NĐ-CP “Quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công”, trong đó có vấn đề về giám định tài sản của Nhà nước, nên gặp lúng túng khi triển khai XHH hoạt động TDTT.

Ông Huỳnh Văn Hồng, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho rằng, cần có sự phối hợp tốt giữa các ngành trong thực hiện XHH hoạt động TDTT; xây dựng đề án phát triển TDTT theo hướng XHH phải có các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế địa phương và dễ áp dụng. “Vì vậy, phải phân định nhiệm vụ thật cụ thể từ đơn vị cơ sở đến cơ quan cấp tỉnh thì mới triển khai thực hiện đồng bộ vấn đề XHH hoạt động TDTT”, ông Huỳnh Văn Hồng nhận định.

Bài, ảnh: THÀNH HUY

 
.
.
.