.

Khó giữ người tài trong quá trình giao quyền tự chủ cho bệnh viện

Cập nhật: 20:58, 03/10/2019 (GMT+7)

Tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 3/10, các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, biên chế, thu hút nhân tài trong các bệnh viện công được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên, 3 bệnh viện đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, chủ yếu là các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có điều kiện xã hội hoá như tim mạch, sản nhi, mắt, tai mũi họng...

Hầu hết các bệnh viện trên cơ sở rà soát lại chức năng, nhiệm vụ đã tổ chức lại, sáp nhập, chia tách, giải thể các khoa, phòng, đơn vị hoạt động không hiệu quả để thành lập các tổ chức mới hoạt động có hiệu quả hơn. Nhiều bệnh viện đã thành lập mới các bộ phận, đơn vị khám, chữa bệnh theo yêu cầu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhân dân và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Y tế, do chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có chuyên môn, tay nghề cao làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế ở vùng khó khăn. Nhiều người được đào tạo nhưng do thu nhập chủ yếu chỉ có tiền lương, thu nhập tăng thêm thấp hoặc không có dẫn đến có tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế về các đô thị, thành phố lớn, bệnh viện tư.

Một vấn đề nữa cũng đáng quan tâm đó là thực trạng các đơn vị thuộc nhóm 3 - tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, nhiều đơn vị đã bảo đảm 80-90%, ngân sách nhà nước cấp chỉ 10-20%, tức là ngân sách không chi tiền lương cho toàn bộ số lượng người làm việc của đơn vị. Tuy nhiên chính quyền nhiều địa phương coi toàn bộ số lượng người làm việc tại các đơn vị này là số biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước nên yêu cầu các đơn vị phải giảm số lượng người làm việc theo Nghị quyết số 19 (cứ 5 năm giảm 10%) là chưa phù hợp. Điều này dẫn đến nhiều bệnh viện, trung tâm y tế có nhu cầu tăng thêm số lượng người làm việc để phát triển dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, có nguồn thu để trả lương mà vẫn không được tuyển dụng thêm.

Cùng bàn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) nhấn mạnh, tự chủ bệnh viện là chủ trương đúng đắn, song bên cạnh đó cũng có nhiều vướng mắc, nhất là việc tự quyết về nhân lực. Ông cũng không đồng tình việc tinh giản biên chế nhân viên y tế ở một số địa phương. Theo ông, giảm biên chế 10% là giảm số người ăn lương nhà nước, còn bệnh viện vẫn phải tăng người làm mới tăng quy mô và chất lượng dịch vụ.

Uyển Nhi

 
.
.
.