Quy định quy trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật
Bộ VHTTDL vừa ban hành Thông tư 03/2019/TT-BVHTTDL quy định quy trình giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật.
Việc giám định tư pháp đối với di vật, cổ vật được thực hiện bằng hình thức giám định tập thể, số lượng người giám định tư pháp tối thiểu là 3 người. Tổ chức giám định tư pháp căn cứ vào hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định để lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Trong trường hợp cần thiết, người giám định tư pháp có thể tổ chức lấy kết quả xét nghiệm hoặc kết luận chuyên môn khác trước khi đưa ra đánh giá.
Đối với các đối tượng giám định để xác định niên đại và các giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học thì người giám định xem xét đối tượng giám định bao gồm một hoặc các nội dung sau: Hình dáng, kích thước, chất liệu, thành phần hóa học, màu sắc và văn hóa trang trí, văn tự trên hiện vật; Các dấu hiệu khác có liên quan. Đối với đối tượng giám định không thể di chuyển hoặc khó di chuyển, người giám định tư pháp phải tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người yêu cầu, trưng cầu. Việc tổ chức xem xét đối tượng giám định tại nơi lưu giữ của người trưng cầu, yêu cầu phải được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ giám định.
Sở VHTTDL và Văn hóa-Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện Thông tư này. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019.
MINH HIỀN