.

"Cuộc chiến không tiếng súng" do đâu?

Cập nhật: 15:58, 18/07/2019 (GMT+7)

Trước khi con trai lập gia đình, trong nhà chỉ có một người đàn bà làm chủ cái bếp. Đó là giang san riêng của họ mà không ai có quyền chia sẻ và can thiệp. “Thương chồng nấu cháo le le/Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen”. 

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Rồi một ngày đẹp trời, đứa con mình “cưng như trứng hứng như hoa” lại dẫn về một người đàn bà khác! Từ đây, từ cái bếp đến “tay hòm chìa khóa” không còn do mình “độc quyền” nữa mà phải san sẻ. Vậy là sẽ nảy sinh những mâu thuẫn muôn thuở giữa nàng dâu và mẹ chồng.

Thôi thì, ai nấy tự an ủi chờ đến lúc có con, do thương cháu nội nên mẹ chồng sẽ “chín bỏ làm mười” chăng? Chưa chắc, không khéo “cuộc chiến” lại chuyển sang hướng khác, như chuyện nuôi dạy con/cháu chẳng hạn. Trong thời đại khoa học tân tiến, nhiều bà mẹ chồng vẫn nuôi con theo kiểu cũ: “Ngày xưa tôi nuôi mấy đứa con toàn cây nhà lá vườn, có gì ăn nấy mà tụi nó cũng mập ù ù!”. Trong khi đó, con dâu lại có quan niệm khác. Vậy là cãi nhau chí chóe, dù cả hai đều chung mục đích vì sức khỏe của con, của cháu.

Người khổ tâm nhất trong “cuộc chiến tranh lạnh” dai dẳng này vẫn là người đàn ông. Ông (anh ta) đóng vai chồng khi đứng “phe” này; đóng vai con khi quay qua “phe” kia. Trời đất! Có một câu cũ xưa như trái đất mà ai trong “hoàn cảnh” này cũng phải kêu lên não nùng: “Bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”.

Bên nào cũng nặng. Tôi đồ rằng, chính sự khác biệt của văn hóa, sự giáo dục của mỗi gia đình là nguyên nhân dẫn đến tình trạng éo le này khiến người đàn ông rơi vào tình huống: “Ngoảnh mặt sang Tề e Sở giận/Quay mặt sang Sở sợ Tề ghen”. Vì vậy, để có thể “hòa hợp, hòa giải” cho cả hai, người đàn ông phải đóng vai trò quyết định. 

Trước khi chung sống với nhau, ăn đời ở kiếp với nhau, người đàn ông phải có trách nhiệm giải thích, trình bày quan niệm sống của chính mình, gia đình mình cho người kia. Có như vậy, khi bước chân về nhà chồng, cô dâu khỏi bỡ ngỡ và vô tình có những cử chỉ, hành động, lời nói… sai lệch nề nếp gia phong, phong cách sống đã hình thành trước đó. 

Suy nghĩ như vậy, sẽ còn lý giải được câu hỏi thuộc phạm vi xã hội đang diễn ra nhức nhối khiến ta giật mình: Vì sao vừa qua có những cô dâu Việt tìm đến cái chết tức tưởi lúc đang sống ở nước ngoài? Tại sao nhiều cuộc hôn nhân dị chủng của người Việt phải tan đàn xẻ nghé? 

Đừng bao giờ ảo tưởng, khi yêu nhau chỉ cần “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” là đủ. Bởi mối quan hệ vợ chồng dù diễn ra ở bất kỳ thời đại nào, dưới bầu trời nào thì nó cũng không tách khỏi quan hệ gia đình lẫn cộng đồng mà họ đang sống. Chính các mối quan hệ đó chi phối mạnh mẽ đến hạnh phúc của đôi lứa, trong đó có chuyện “Thương nhau như thể nàng dâu mẹ chồng”.

Tôi không tin một cô dâu thuộc hạng “đá cá lăn dưa” có thể chung sống lâu dài trong một gia đình đạo đức, nề nếp; và ngược lại. Mà cô dâu ấy dù học thức, dù được giáo dục chuẩn mực, dù khôn khéo nhưng cũng chưa chắc sẽ không xảy ra “cuộc chiến” với mẹ chồng hoặc gia đình chồng. Chẳng ai có lỗi ở đây cả, vấn đề là “nhập gia tùy tục”. Còn người đàn ông đổ lỗi hay bênh vực cho mẹ hoặc vợ khi chứng kiến “sự cố” đang diễn ra là không phải đấng nam nhi có bản lĩnh.

Đọc đến đây, hẳn nhiều bạn sẽ gật gù và nhủ thầm: “Đúng quá, lý luận như thế nghe có lý nhưng bọn tớ đã cưới (sắp cưới) nhau, vậy phải làm gì để “ngăn chặn” ngay “cuộc chiến không tiếng súng” mà chẳng hề có ai mong muốn?”.  

Theo tôi, cách tốt nhất và dễ dàng nhất là cả hai nên có cái một “cái tổ” riêng. Lúc ấy, vợ chồng muốn gì thì đóng cửa bảo nhau. Muốn thu xếp thời gian cho công việc, ăn uống, nghỉ ngơi… thế nào thì mặc - không phải lo sự dò xét, đánh giá xét nét của mẹ chồng! Ngược lại, các bà mẹ chồng cũng nên chấp nhận “phương án” này bởi khi con mình có vợ - là nó đã bước vào một đời sống riêng mà vợ chồng nó chung trách nhiệm gìn giữ và vun vén. Dù thương con đến cỡ nào đi nữa, cũng đừng quên rằng sự dạy dỗ, can thiệp của mình đã không còn là yếu tố quyết định. 

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.