.

Trẻ học trước chương trình dễ tụt lại phía sau

Cập nhật: 18:51, 18/07/2019 (GMT+7)

Dù đang trong dịp hè, nhưng không ít phụ huynh đã sốt sắng cho con theo học trước chương trình của năm học mới với tham vọng con vượt trội so với bạn bè. Tuy nhiên, điều này sẽ gây những hậu quả khôn lường.

Học sinh chuẩn bị vào lớp 1 đến học hè tại nhà cô T., ở phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ).
Học sinh chuẩn bị vào lớp 1 đến học hè tại nhà cô T., ở phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ).

NHAN NHẢN “LÒ” DẠY TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH

Theo khảo sát của chúng tôi, nhiều địa điểm, trung tâm bồi dưỡng văn hóa trên địa bàn tỉnh đều mở lớp dạy trước chương trình cho HS. 

Trong vai phụ huynh có nhu cầu tìm lớp cho con học trước chương trình lớp 1, chúng tôi được người quen giới thiệu đến nhà cô T., GV của một trường TH trên địa bàn phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ). Khi chúng tôi đến đã hơn 10 giờ, cô T. vẫn đang rèn chữ cho khoảng 30 HS chuẩn bị bước vào lớp 1. Cô T. cho biết, lớp học đã “khởi động” ngay khi vừa kết thúc năm học trước. Cô T. giở cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 và giới thiệu cho chúng tôi xem về chương trình học hè của các em. Hiện cô đã dạy cho các em đến bài học về chữ Y và làm các phép toán trong SGK. Theo cô T., sau khoảng 8 tuần học, những học trò của cô đã biết đọc, viết chữ. Hầu hết HS trong lớp của cô T. đều ở lại bán trú buổi trưa, học từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, với mức học phí và tiền ăn khoảng 2 triệu đồng/tháng. “Tôi sẽ kèm cặp cho các em làm toán, tập đọc, rèn chữ nên khi học hết hè, các em đã cơ bản nắm được các kiến thức trong chương trình lớp 1. Do đó, khi đi học chính thức, các em sẽ không còn bỡ ngỡ về việc học”, cô T. tự tin nói.

Cách nhà cô T. không xa, trung tâm dạy thêm của cô H. thu hút khá đông HS từ lớp 3 đến lớp 5 theo học. Cô H. cho hay, hè này, rất nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con theo học trước chương trình lớp 3 nhưng cô không thể nhận thêm, bởi lớp đã quá đông. Ngoài HS chuẩn bị lên lớp 3, cô H. còn dạy thêm cho cả HS chuẩn bị lên lớp 4 và 5. Phân tích nguyên nhân số HS chuẩn bị lên lớp 3 có nhu cầu học thêm nhiều, cô H. cho biết, trong hơn 20 năm làm nghề giảng dạy, cô thấy chương trình Toán lớp 3 có kiến thức nặng nhất và có sự chuyển biến khác hẳn với dạng toán đơn giản của lớp 2. Cô H. cho rằng, đa phần phụ huynh lo ngại, nếu không cho con học trước chương trình lớp 3, thì con cái họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mới khi vào học chính thức.

Tại TP. Vũng Tàu, chúng tôi cũng ghi nhận tình trạng dạy trước chương trình tại hầu hết các trung tâm được khảo sát. Theo tìm hiểu, tại Trung tâm K.M phường Rạch Dừa có lớp dạy trước chương trình cho HS từ lớp 6 đến lớp 12 với các môn: Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Anh văn. Thời lượng học của mỗi môn là 2-3 buổi/tuần, mỗi buổi kéo dài 2 tiếng, học phí mỗi môn là 450 ngàn đồng/tháng. Lớp học buổi sáng bắt đầu sớm nhất lúc 7 giờ, kết thúc muộn nhất vào 11 giờ trưa; buổi chiều thời gian học kéo dài từ 13 giờ tới 17 giờ. Theo chị M., đại diện trung tâm, hằng ngày, trung tâm đều tiếp nhận thêm học viên nhưng sẽ sắp xếp không quá 10 em/lớp. Những HS vào sau sẽ được dạy phụ đạo riêng cho tới khi theo kịp lớp mà không tính thêm chi phí. Tương tự, tại một trung tâm khác trên địa bàn phường Thắng Nhất, các lớp học trước chương trình cũng thu hút đông đảo HS. Trung tâm cho hay, đăng ký học nhiều nhất là HS lớp 7, 8, 9. Tại đây, HS học 1-2 buổi/tuần tùy theo môn học với mức học phí từ 200-250 ngàn đồng/môn...

Chia sẻ về lý do cho con học trước chương trình, chị N. T. K cho biết: “Dịp hè, các con được nghỉ nhưng ba mẹ vẫn phải đi làm nên không có thời gian trông nom, dạy dỗ con. Do đó, tôi cho con học trước vừa để có chỗ trông giữ, vừa cho cháu được làm quen với chương trình học từ trước, theo kịp bạn bè khi vào năm học mới”.

LỢI BẤT CẬP HẠI

Việc cho HS học trước chương trình trên thực tế có lợi hay hại? Có thật sự như những lời “đường mật” của các trung tâm và các GV đang tổ chức dạy thêm. Về mặt chuyên môn, thầy Phạm Duy Khánh Quân, Hiệu trưởng Trường TH Bùi Thị Xuân (TP. Vũng Tàu) cho rằng, không nên cho HS học trước chương trình, đặc biệt là ở lứa tuổi TH. Mỗi bậc học lại có đặc thù riêng về kỹ năng, kiến thức, phương pháp. Nếu không được dạy đúng cách sẽ dẫn tới kiến thức, kỹ năng của các em bị sai lệch. Vào năm học, GV phải mất nhiều thời gian mới có thể chỉnh lại. Việc “phá bỏ” thói quen cũ để thiết lập lại vất vả hơn rất nhiều so với việc tạo lập thói quen đúng ngay từ ban đầu.

Việc dạy thêm trước nội dung chương trình giáo dục phổ thông chính khóa bị nghiêm cấm ở tất cả các bậc học. Riêng đối với bậc TH, UBND tỉnh và ngành giáo dục đã ban hành quy định cấm dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức. Các nhà trường đã tổ chức cho GV ký cam kết không dạy thêm trong và ngoài nhà trường; đồng thời công khai hộp thư điện tử, số điện thoại đường dây nóng để phụ huynh phản ánh những vi phạm về dạy thêm, học thêm. Còn đối với các cấp học còn lại, việc tổ chức dạy thêm học thêm phải được Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT cấp phép. Nội dung dạy thêm là những chuyên đề, hệ thống kiến thức nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách cho HS. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc HS học thêm... Ngoài ra, những GV vi phạm quy định về dạy thêm, ngoài việc bị xử lý kỷ luật theo các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, tùy theo mức độ còn phải nhận hình thức kỷ luật sau: kiểm điểm, khiển trách; cảnh cáo; điều chuyển công tác hoặc xem xét cho thôi việc. Ngay cả hiệu trưởng và trường có GV vi phạm cũng bị truy cứu trách nhiệm để xử lý. Các trung tâm vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép và xử phạt theo quy định. 

Cô Nguyễn Thị Phương, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP. Vũng Tàu) thì khẳng định, cho trẻ học trước chương trình năm học mới là một sai lầm. Những trẻ học trước có thể vượt trội thời gian đầu nhưng sau đó sẽ có xu hướng thụt lùi. Nguyên nhân là do các em bước vào năm học mà không có sự hào hứng với những kiến thức mới. Học lại những điều đã biết khiến trẻ cảm thấy nhàm chán, lơ là, không tập trung. Ngay đầu năm học, trẻ đã không tập trung thì chỉ một vài tháng sẽ trở thành thói quen xấu, rất khó bỏ. Trong khi đó, dịp hè, các em chỉ học trước được một phần chương trình, khi học đến các phần tiếp theo, với thái độ học tập không tập trung, kết quả học tập của các em sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo cô Phương, trong dịp hè, phụ huynh nên tạo điều kiện cho cho trẻ vui chơi, khám phá, trải nghiệm với các bộ môn thể thao, kỹ năng sống, đi du lịch hoặc thăm gia đình, người thân để trẻ cảm thấy thoải mái trước khi bắt đầu năm học mới. Bên cạnh đó, cũng có thể hệ thống lại kiến thức, bổ sung kỹ năng, phương pháp ở các môn học cho trẻ nhưng tuyệt đối không nên cho trẻ học trước chương trình.

NHÓM PV THỜI SỰ

.
.
.