Ám ảnh vì sống gần khu xử lý chất thải tập trung
Khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ) là nơi xử lý các loại chất thải trên địa bàn tỉnh. Vậy nhưng, nhiều năm qua, người dân gần khu xử lý này phải sống chung với ô nhiễm.
Bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt của Công ty TNHH Kbec Vina thường xuyên bị người dân phản ánh gây mùi hôi, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. |
Theo hướng dẫn của một số người dân xã Tóc Tiên, chúng tôi lần theo một con hẻm nhỏ ra phía sau Khu xử lý chất thải tập trung 100ha xã Tóc Tiên (XLCTTT). 10 giờ trưa, những ống khói từ các nhà máy xử lý chất thải nguy hại xả khói đen kịt. Ông Đậu Văn Đua (ấp 3, xã Tóc Tiên) cho biết, nhà ông cách Khu XLCTTT khoảng 500m. Hàng ngày ông vẫn chứng kiến các nhà máy xả khói đen như vậy. “Ban ngày còn đỡ, đêm đến, khói dày đặc hơn, bốc mùi khét lẹt, nhiều bữa ho sặc sụa không ngủ nổi”, ông Đua nói.
Ông Trần Cọp, một người dân ở khu vực mở cho chúng tôi xem đoạn video clip ghi lại hình ảnh suối Giao Kèo bị các nhà máy trong Khu XLCTTT xả thải ra nước đen ngòm. Theo lời kể của ông Cọp, bình thường nước suối Giao Kèo chỉ có màu trắng đục, hôm nào mưa lớn, nước suối chuyển thành màu đen, bốc mùi hôi thối. Ông Trần Văn Tài (tổ 1, ấp 3, xã Tóc Tiên) cho biết thêm: Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm, gió Tây thổi khiến mùi hôi từ bãi chôn lấp chất thải bốc lên nồng nặc. “Từ khi các nhà máy xử lý chất thải tập trung về Khu XLCTTT hoạt động, môi trường sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi của rác, mùi khét từ các ống khói, nước giếng và nước suối bị ô nhiễm, không dùng được. Chúng tôi muốn chuyển nhà đi nơi khác sống nhưng đất ở đây bán không ai mua vì ô nhiễm quá”, ông Tài bức xúc.
Người dân xã Tóc Tiên cho biết các ống xả của nhà máy xử lý chất thải nguy hại trong Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thường xuyên xả khói đen kịt. |
Theo ông Lê Xuân Nội, Bí thư Đảng ủy xã Tóc Tiên, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 3.447ha với 6 ấp, gần 7.000 khẩu thì đã có 1 khu xử lý rác thải tập trung diện tích hơn 137,6ha; 1 nghĩa địa tập trung của TX.Phú Mỹ. Trong đó, có khoảng 400 hộ dân trên địa bàn xã Tóc Tiên đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường từ Khu XLCTTT, nặng nề nhất là những hộ dân sống ở ấp 3 và 4.
Trước phản ánh của người dân, từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra và lấy mẫu nước thải, nước mưa chảy tràn tại các DN trong Khu XLCTTT, lấy mẫu nước giếng đào để phân tích, đánh giá. Qua phân tích cho thấy, nước trong các giếng đào của dân đã bị ô nhiễm vi sinh và kim loại chì. Còn kết quả giám sát môi trường nước của Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (tháng 6/2019) cũng cho thấy, chỉ tiêu COD (chất hữu cơ) trong nước suối Giao Kèo và nước giếng tại nhà các hộ dân ven suối này đều vượt quy chuẩn cho phép. Suốt 5 năm qua, Khu XLCTTT xã Tóc Tiên luôn bị xếp vào nhóm “điểm nóng” ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Khu XLCTTT có 13 dự án thứ cấp được UBND tỉnh cấp phép đầu tư, trong đó 8 dự án đã đi vào hoạt động. Khối lượng chất thải trên địa bàn tỉnh được xử lý tại Khu XLCTTT là 62.780 tấn chất thải nguy hại; 69.350 tấn chất thải công nghiệp không độc hại; 230 ngàn tấn chất thải rắn sinh hoạt… Những năm gần đây, một số DN trong Khu XLCTTT này đã bị các cơ quan chức năng phát hiện xả thải ra môi trường và xử phạt hành chính như: Công ty TNHH Kbec Vina (xử lý chất thải sinh hoạt và công nghiệp thông thường) bị xử phạt gần 700 triệu đồng năm 2017; Nhà máy xử lý chất thải Sao Việt bị xử phạt hơn 400 triệu đồng (năm 2016)…
Trong khi đó, theo Sở Xây dựng, Khu XLCTTT Tóc Tiên chưa có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, cụ thể là chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung nên các nhà máy hoạt động trong khu này đang sử dụng hệ thống xử lý nước thải cục bộ. Do đó, việc xả thải ra môi trường của các DN này rất khó giám sát. Hiện nay, Sở Xây dựng đang xây dựng đề án quản lý Khu XLCTTT theo mô hình KCN. Theo đó, chủ đầu tư phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hệ thống quan trắc tự động. Các DN trong khu xử lý phải đấu nối và truyền dữ liệu về trung tâm điều hành quan trắc tự động tỉnh để theo dõi, giám sát…
Bài, ảnh: QUANG VŨ