Người trẻ lan tỏa yêu thương
Cuộc giao lưu giữa những học sinh, sinh viên (HS, SV) và những người mù trong chương trình “Yêu thương không màu” đã giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn những khó khăn, vất vả và nghị lực vươn lên của người mù, qua đó lan tỏa tình yêu thương trong cuộc sống.
Những người sáng mắt phải nhắm mắt khi tham gia các trò chơi để thử cảm giác với “thế giới không màu”. |
NGHỊ LỰC VƯƠN LÊN
Cơn mưa lớn chiều Chủ nhật không ngăn được gần 100 bạn trẻ là HS, SV đến hội trường Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Chi nhánh Vũng Tàu (155, Nguyễn Thái Học, TP. Vũng Tàu) để tham dự chương trình “Yêu thương không màu”. Chương trình do các bạn trẻ nhóm Youth of Vung Tau (Tuổi trẻ Vũng Tàu) tổ chức. Đó là một chương trình đặc biệt khi có sự tham gia của 20 người mù, là hội viên Hội người mù TP. Vũng Tàu. Các bạn trẻ đã cùng trò chuyện với những người mù, đặt câu hỏi giao lưu về cuộc sống và khát vọng của những người mù; làm quen với chữ nổi Braille; chia nhóm, sử dụng kỹ năng viết, đọc chữ nổi Braille để tham gia các hoạt động tập thể; dự “bữa ăn không ánh sáng” (trong căn phòng tắt hết đèn.
Với người sáng mắt, mỗi khi thức dậy lại thấy vạn vật xung quanh là điều hiển nhiên, nhưng đó là niềm mơ ước của bao người mù. Vì vậy, cả hội trường đã lặng đi khi nghe cô bé Hà Thị Mỹ Tiên (HS lớp 4, Trường TH Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) chia sẻ ước mơ một lần được thấy ánh sáng mặt trời, một lần được nhìn ngắm khuôn mặt thương yêu của ba mẹ, người thân, bạn bè, thay vì cảm nhận bằng tay và trí tưởng tượng. Chị Hồng Nhung, mẹ Mỹ Tiên có mặt cùng con gái tại buổi giao lưu cho biết, Tiên bị mù bẩm sinh. “Tôi đã rất sốc khi phát hiện con không nhìn thấy gì. Nhưng rồi mỗi ngày trôi qua, thấy trí não con phát triển bình thường, lanh lẹ, vui vẻ, tôi tự nhủ cần phải yêu thương cháu nhiều hơn nữa, giúp cháu hòa nhập với cuộc sống. Hôm nay, cháu đã có một ngày thật vui với nhiều tiếng cười”, chị Nhung chia sẻ.
Với chị Đinh Thị Thùy Vân (33 tuổi, trú tại 484/23B đường 30/4), việc sống chung với bóng tối là cả quá trình nỗ lực. Chị bị mù từ năm 27 tuổi do biến chứng của bệnh suy thận. Thời gian đầu, chị chán nản, thất vọng và cảm thấy cuộc đời mình như rơi xuống vực thẳm khi bỗng dưng không nhìn được gì. Nếu không có sự động viên, tình thương yêu của ba mẹ, người thân, có lẽ chị đã không thể vượt qua cú sốc này. “Tôi đã tập làm quen với từng góc nhà, làm quen với việc tự phục vụ bản thân và làm việc nhà trong “bóng tối” để phụ ba mẹ và để không thấy mình là người thừa. Hiện tại, tôi đang học khóa massage chân để sau này đi làm, đỡ phụ thuộc gia đình, đồng thời học chữ nổi Braille”, chị Vân bày tỏ quyết tâm.
NHỮNG HOẠT ĐỘNG Ý NGHĨA
Lê Xuân Minh, lớp 12 Lý, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lần đầu tham gia hoạt động của nhóm Youth of Vung Tau. Bằng việc bịt mắt tham gia các hoạt động trong chương trình, Minh đã phần nào cảm nhận được những nỗi khó khăn mà người mù phải đối mặt hàng ngày. “Dù không có đôi mắt sáng, nhưng họ vẫn lạc quan, yêu đời và đầy khát vọng. Hoạt động này đã truyền cảm hứng để em sống tốt hơn, luôn vươn lên trong cuộc sống”, Minh nói.
“Yêu thương không màu” là hoạt động nhằm kết nối, chia sẻ với những người mù do nhóm Youth of Vung Tau tổ chức. Trước đó, vào tháng 12/2018, nhóm đã tổ chức chương trình “Yêu thương không lời” dành cho người câm, điếc.
Thật bất ngờ khi những hoạt động này lại được tổ chức bởi nhóm 20 em học sinh các trường THPT. Người sáng lập nhóm vào năm 2015 là Trần Ngọc Thu Trang (lớp 12 Toán 1, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), khi đó mới học lớp 8. Trang chia sẻ, 2 năm đầu, nhóm thử nghiệm với hoạt động Free Hugs - cái ôm miễn phí tại khu vực Công viên Bãi Trước, TP. Vũng Tàu nhằm hưởng ứng “Ngày hội International Free Hugs Day”. Năm 2017, nhóm tuyển chọn các thành viên chính thức, là những người trẻ nhiệt tình, thích hoạt động vì cộng đồng. Từ đó, nhóm hướng đến các hoạt động hữu ích hơn
Mỗi năm, nhóm tổ chức 3-4 hoạt động, thu hút khoảng 100 HS, SV/lần. Các hoạt động đều hướng giới trẻ đến với những việc làm có ích cho cộng đồng. Chẳng hạn, nhóm tổ chức talkshow “Can đảm sống”, với khách mời là anh Trương Đoàn Huỳnh Long (23 tuổi, người đã bỏ công việc để thực hiện hành trình Việt Nam qua những câu chuyện) nhằm truyền cảm hứng cho bạn trẻ về sự can đảm, không ngại thử thách. Hay như hoạt động “Đồng tiền hạnh phúc” do nhóm thực hiện dưới sự bảo trợ của Nhà Văn hóa thanh niên tỉnh. Theo đó, các thành viên trong nhóm đã xin làm nhân viên của quán cà phê, nhà hàng trong 2-3 ngày. Khoản tiền lương 3,7 triệu đồng thu được, nhóm mang đi làm từ thiện…
Đặc biệt, 2 chương trình “Yêu thương không lời”, “Yêu thương không màu” đã gây ấn tượng mạnh, khi các bạn trẻ cùng gặp gỡ, giao lưu với những người câm, điếc, mù. Các bạn trẻ đã đặt mình vào vị trí của những người thiếu may mắn để hiểu họ hơn, góp phần lan tỏa yêu thương đến họ, qua đó động viên, cổ vũ họ vươn lên. Điều đáng mừng, kinh phí tổ chức các hoạt động này đều do nhóm vận động từ phụ huynh, các nhà hảo tâm, DN trên địa bàn.
Trang cho biết, nhóm sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động ý nghĩa tương tự để HS, SV được trải nghiệm và lan tỏa yêu thương đến cộng đồng. Hỏi về dự định cụ thể, Trang nháy mắt xin “bật mí” sau nhưng khẳng định, đó sẽ là những việc mà các bạn trẻ chưa từng trải qua.
Bài, ảnh: MINH THANH