Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu còn tồn đọng nhiều hồ sơ giải quyết chính sách người có công, nhất là những người không còn hồ sơ gốc. Để giúp người có công hưởng đúng, hưởng đủ chính sách, cán bộ làm công tác thương binh - xã hội đã đến từng gia đình lắng nghe khó khăn, hướng dẫn giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Đức Mỹ, cán bộ phụ trách LĐTBXH xã Long Phước (TP. Bà Rịa) hướng dẫn giải quyết chính sách cho người có công với cách mạng. |
PHẤN KHỞI VÌ ĐƯỢC GHI NHẬN
Sau nhiều năm mong chờ, từ năm 2018, ông Nguyễn Văn Tỏ (ấp Mỹ An, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) đã được hưởng chính sách người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Ông Tỏ cho biết, năm 1960 ông hoạt động cách mạng tại xã Long Mỹ với nhiệm vụ tải thương, tải đạn... Đến năm 1968, ông bị bắt giam 14 tháng. Hòa bình lập lại, ông cũng như nhiều người dân trên quê hương Long Mỹ tích cực tham gia lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống. Ông không biết mình thuộc diện được hưởng chính sách. Đến khi cán bộ làm công tác thương binh - xã hội xuống tận nhà hướng dẫn ông làm thủ tục, hồ sơ xét công nhận người hoạt động bị đích bắt tù đày ông mới hay. Ông Tỏ phấn khởi cho biết: “Giờ đây, tui được nhận trợ cấp đều đặn hàng tháng. Những ngày lễ, Tết, nhiều đoàn tới thăm, động viên khiến tui rất vui”.
Nhiều người từng hoạt động kháng chiến cũng có chung niềm vui với ông Nguyễn Văn Tỏ khi đã được xét hưởng chính sách bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học, công nhận liệt sĩ, tặng Bằng Tổ quốc ghi công… Việc công nhận ấy thể hiện sự nhìn nhận thỏa đáng những đóng góp, cống hiến của họ trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông Lê Văn Công (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cho biết, trong thời gian tham gia kháng chiến, ông hoạt động tại vùng do quân đội Mỹ thường xuyên rải chất độc hóa học. Trở về đời thường, ông mang trong mình nhiều căn bệnh và suy giảm khả năng lao động ở mức từ 41%-60%. Năm 2013, sau khi được hướng dẫn hoàn tất hồ sơ người có công, ông được công nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. “Với tôi và gia đình, việc được Nhà nước công nhận và cho hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là niềm vui, niềm tự hào vì những đóng góp của mình đã được ghi nhận”, ông Công nói.
Việc giải quyết chính sách cho những trường hợp trên rất gian nan bởi theo quy định, hồ sơ công nhận người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày cần có: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên (lập từ năm 1995 trở về trước); hồ sơ hưởng chế độ BHXH có xác định nơi bị tù, thời gian bị tù. Theo Sở LĐTBXH, quy định trên dẫn đến việc không có cơ sở giải quyết cho một số trường hợp do thời gian đã quá lâu, lớn tuổi, hoặc đã nghỉ việc sau ngày đất nước thống nhất, không còn lưu giữ giấy tờ gì chứng minh việc bị địch bắt tù. Tuy vậy, với sự nỗ lực của ngành LĐTBXH, thời gian qua đã có 308 hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng nhưng khó khăn trong việc xác minh.
NỖ LỰC GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM
Dù đã tập trung đẩy mạnh, giải quyết chế độ chính sách cho người có công nhưng đến nay vẫn còn hồ sơ tồn đọng, nhất là với trường hợp không còn hồ sơ gốc. Hầu hết người chưa được hưởng chính sách đều đã lớn tuổi, đi lại khó khăn và mong mỏi được hưởng chính sách. Để giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách cho người có công, Sở LĐTBXH đã rà soát các hồ sơ tồn đọng nhiều năm nay. Đồng thời, thành lập Tổ chính sách xuống từng địa phương kiểm tra, hướng dẫn các gia đình hoàn thiện hồ sơ để trình về Bộ LĐTBXH.
Bà Rịa - Vũng Tàu hiện quản lý 39.925 hồ sơ người có công và thân nhân, trong số đó có 7.542 người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. |
Từ năm 2013-2017, toàn tỉnh đã xét duyệt 7.956 hồ sơ. Trong đó công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước 715 Mẹ Việt Nam Anh hùng, giải quyết 5.231 hồ sơ về chế độ thờ cúng liệt sĩ và các đối tượng khác. Năm 2018, Sở đã giải quyết chế độ cho 90 người bị địch bắt tù đày, 47 người bị nhiễm chất độc hóa học, 5 thương binh, 16 thanh niên xung phong; giải quyết dứt điểm hồ sơ người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày còn tồn đọng.
Theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, “điểm nghẽn” của BR-VT trong giải quyết chính sách cho người có công là xét công nhận cho những trường hợp bị địch bắt tù đày kéo dài trong nhiều năm. Điều này dẫn tới tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, khiến cho dư luận có những thông tin không tốt.
Trước tình trạng này, Sở LĐTBXH đã rà soát tổng thể trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, Sở phối hợp với Hội Người tù kháng chiến, ghi nhận các trường hợp đề nghị xét công nhận hưởng chính sách. Đồng thời, Sở LĐTBXH còn ký liên tịch với Công an tỉnh về công tác thẩm tra hồ sơ theo quy định của Bộ Công an nhằm xét công nhận trợ cấp cho những trường hợp người có công được công an cung cấp hồ sơ đã từng bị tù đày.
“Với cách làm rốt ráo, linh động và thông qua phối hợp với các ngành, BR-VT đã giải quyết, trả lời thỏa đáng cho các trường hợp đề nghị xét công nhận hưởng chính sách người có công. Qua đó, tỉnh cũng đã chấm dứt tình trạng khiếu kiện, khiếu nại trong xét công nhận chính sách người có công”, bà Lê Thị Trang Đài cho biết thêm.
Nhắn tin“Tri ân liệt sĩ” Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” từ ngày 25/6 đến hết ngày 22/8/2019. Hãy soạn TALS gửi 1405, mỗi tin nhắn ủng hộ 20.000 đồng là nghĩa cử “Đền ơn đáp nghĩa”. |
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN