Ngày thứ hai, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019: Thí sinh mệt mỏi nhưng thở phào
Sáng 26/6, tại 19 điểm thi trên địa bàn tỉnh, hơn 6.000 TS dự thi bài tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN). Chiều cùng ngày, gần 10.000 TS chinh phục bài thi bắt buộc cuối cùng: Ngoại ngữ. Nhìn chung, ngày thi thứ hai diễn ra căng thẳng nhưng vẫn bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) trao đổi sau giờ thi môn Ngoại ngữ chiều 26/6. Ảnh: MINH THANH |
BÀI THI KHOA HỌC TỰ NHIÊN CÓ TÍNH PHÂN HÓA
Kết thúc bài thi tổ hợp KHTN, nhiều TS cho biết, trong thời gian 150 phút phải thi liên tục 3 môn khiến các em cảm thấy có phần căng thẳng và mệt mỏi. Tại điểm thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Vũng Tàu), hầu hết TS rời phòng thi muộn với tâm trạng uể oải. Theo nhận xét của các TS, đề thi tổ hợp môn KHTN dễ hơn năm ngoái và nằm trong chương trình ôn tập nên phần lớn các em làm bài tốt. Em Trịnh Ngọc Nhân, HS Trường THPT Vũng Tàu nói: “Phải thi 3 môn trong một buổi em thấy hơi căng thẳng và mệt mỏi. Do trước đó em đã tham gia thi thử nhiều lần, có sự chuẩn bị tâm lý và sức khỏe nên không ảnh hưởng tới việc làm bài. Năm nay, em đăng ký xét tuyển ĐH khối A1 (tổ hợp Toán, Vật lý, tiếng Anh) nên đã tập trung ôn luyện môn Vật lý. Do đó, môn thi này em làm tương đối tốt, có thể đạt khoảng 8 điểm. Còn 2 môn Hóa học, Sinh học thì được khoảng 7 điểm”.
Cán bộ coi thi điểm thi Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) hướng dẫn TS cách đánh chọn đáp án các bài thi trắc nghiệm môn KHTN. Ảnh: CẨM NHUNG |
Theo đánh giá của một số TS, đề thi bảo đảm sự phân hóa để phục vụ mục đích xét tuyển ĐH, CĐ. Em Phạm Lê Thanh Thy, HS Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) cho biết, tuy là đề trắc nghiệm nhưng cũng có những câu “ngang ngửa” đề tự luận. “Em không làm hết bài thi bởi đề dài và khó. Riêng với môn Hóa học, em chỉ làm được khoảng 70%. Vì vậy, em dự định sẽ thay đổi tổ hợp xét tuyển, chuyển từ khối A sang khối A1, thay đổi nguyện vọng từ ngành Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương (TP. Hồ Chí Minh) sang ngành Kinh tế quốc tế của Trường ĐH Kinh tế Luật hoặc Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh”, Thy nói.
Kết thúc bài thi KHTN, cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn cả là những TS dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, em Mai Đăng Khoa, HS Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đăng ký vào Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) bằng hình thức xét tuyển học bạ. Do kết quả học bạ tốt nên Khoa không cảm thấy quá áp lực vì em đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Nhiều thí sinh tại điểm thi Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP.Vũng Tàu) có tâm trạng thoải mái vì đã hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: MINH THIÊN |
Nhận xét về đề thi môn Hóa học, thầy Lê Kiều Hưng, GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, đề thi hoàn toàn nằm trong chương trình hóa học cơ bản THPT. Trọng tâm kiến thức thuộc chương trình lớp 12, có một câu hỏi về hidrocacbon thuộc lớp 11, không có nội dung riêng thuộc chương trình lớp 10. Về cấu trúc đề, 24 câu đầu phù hợp với đối tượng HS xét tốt nghiệp, do đó TS có thể dễ dàng đạt 6 điểm nếu nắm chắc lý thuyết cơ bản. 16 câu hỏi còn lại có mức độ phân hóa tốt. Từ câu 25 trở đi là những câu thuộc mức độ vận dụng thấp và vận dụng cao. Với thời gian làm bài là 50 phút, đề hơi dài vì số câu hỏi vận dụng cao, yêu cầu tính toán nhiều (5-6 câu), khó có thể hoàn thiện 100% nếu các em không có kỹ năng tính toán tốt. Các em khá giỏi có thể đạt mức 8-9 điểm, còn mức điểm 9-10 sẽ không nhiều.
Về môn Vật lý, thầy Trần Bá Toàn, GV Trường THPT Vũng Tàu đánh giá, đề thi tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12, chỉ 4 câu có nằm trong chương trình lớp 11. Với đề thi này, HS trung bình chỉ cần thuộc công thức cơ bản có thể đạt 5, 6 điểm. HS khá nắm chắc kiến thức có thể đạt 7,5-8 điểm. 4 câu cuối cần khả năng tính toán để phân loại học sinh giỏi, xuất sắc. Thầy Toàn cũng khẳng định đề Vật lý có tính phân loại tốt nhưng hạn chế là đề ra an toàn, chưa có tính đột phá, tính vận dụng thực tiễn không cao, có câu khó nhưng không lạ, thiên về biến đổi Toán học.
Cô Võ Thị Thiên Lý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc hỏi han tình hình làm bài của thí sinh tại điểm thi Trường THPT Xuyên Mộc. Ảnh: MINH THANH |
Còn với môn Sinh học, cô Cao Mai Hương, GV Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng đề thi không khó, không có câu lạ. Nội dung đề chủ yếu nằm trong chương trình 12. Học sinh đọc kỹ đề, làm cẩn thận và nắm chắc kiến thức, có kỹ năng giải bài tập nhanh sẽ được 10 điểm.
“THỞ PHÀO” SAU BÀI THI NGOẠI NGỮ
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều điểm thi, chiều 26/6, phần lớn TS ra về với tâm trạng nhẹ nhõm, hồ hởi một phần vì đề thi môn tiếng Anh không quá khó, một phần do các em đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Em Nguyễn Thị Tuyết Ngân, HS Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn bày tỏ: “Em đăng ký xét tuyển ĐH khối B (Toán, Hóa học, Sinh học) nên không tập trung nhiều cho môn tiếng Anh. Dù vậy, với đề thi chiều nay, em vẫn làm được phần lớn các câu hỏi”. Em Tạ Minh Anh, HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn (TP. Vũng Tàu) thì cho hay: “Em đăng ký xét tuyển vào đại học khối A1 (Toán, Lý, Anh văn) nên tập trung nhiều cho môn tiếng Anh. Với đề thi này, em làm bài tốt, dự kiến được khoảng 8-9 điểm. Em hy vọng mình đủ điểm để xét tuyển vào những trường ĐH mà em đã đăng ký”.
Thí sinh trao đổi về đề thi môn KHTN xong khi thi xong bên ngoài cổng điểm thi Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP.Vũng Tàu). Ảnh: MINH THIÊN |
Tại điểm thi Trường THPT Xuyên Mộc, các TS tỏ thái độ hân hoan, vui mừng. Các em cũng cho rằng đề thi môn Ngoại ngữ vừa sức với TS, nhiều em tự tin sẽ đạt điểm khá, giỏi ở môn này. Tại đây, trong số 590 TS dự thi chỉ duy nhất 1 TS thi Ngoại ngữ tiếng Nhật là em Nguyễn Thị Kim Yến, HS Trường THPT Bưng Riềng. Kim Yến cho hay, em yêu thích nền văn hóa Nhật Bản nên từ hè năm lớp 10, em đã học thêm tiếng Nhật. Khi biết cả trường chỉ mình em thi tiếng Nhật, em cũng hơi áp lực. Tuy nhiên, khi vào thi chính thức, em tự tin làm hết. “Nguyện vọng xét tuyển ĐH của em là khối D06 (Toán, Văn, tiếng Nhật), vào khoa Ngôn ngữ Nhật, ĐH Mở TP. Hồ Chí Minh. Năm ngoái, Khoa này lấy 19,65 điểm, em tin mình sẽ đạt được từ 20 điểm 3 môn”, Yến nói.
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Bà Rịa) trao đổi kết quả sau khi kết thúc phần thi tổ hợp KHTN. Ảnh: TƯỜNG NGÂN |
Nhận xét về đề thi môn tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Tường Vân, Trường THPT Trần Nguyên Hãn cho biết, đề thi sát với ma trận đề minh họa của Bộ GD-ĐT, nhất là phần trắc nghiệm. TS có thể dễ lấy điểm ở phần thi này. Tuy nhiên, phần đọc hiểu có tính phân loại HS, đòi hỏi TS phải có kỹ năng đọc hiểu và có vốn từ tốt mới có thể đạt điểm cao. So với đề thi năm ngoái thì mức độ đề năm nay nhẹ nhàng hơn.
Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngày thi thứ hai của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã diễn ra suôn sẻ, an toàn, nghiêm túc, đúng quy định. Tại cả 19 điểm thi, không có bất cứ cán bộ làm công tác thi hay TS nào vi phạm quy chế, cũng không có sự cố bất thường. Buổi sáng, bài thi KHTN có 6.064 TS dự thi/6.079 TS đăng ký dự thi, vắng 15 TS không rõ lý do. Buổi chiều, có 9.929 TS dự thi/9.959 TS đăng ký dự thi môn tiếng Anh, vắng 30 TS không rõ lý do. Môn tiếng Nhật có 28 TS dự thi, tiếng Trung có 2 TS dự thi, không có TS vắng mặt. |
Về đề thi môn tiếng Nhật, cô Đặng Thúy Diễm, giáo viên tiếng Nhật, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP. Vũng Tàu) cho biết, đề thi năm nay khó hơn những đề thi tiếng Nhật các năm trước. TS nắm chắc kiến thức mới có thể đạt điểm trên trung bình. Trong quá trình học, TS phải tìm tòi, học hỏi thêm mới có thể đạt điểm cao với đề bài này.
NHÓM PV THỜI SỰ