.
KỶ NIỆM 18 NĂM NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/6/2001- 28/6/2019)

"Gia đình tốt thì xã hội mới tốt"

Cập nhật: 19:48, 26/06/2019 (GMT+7)

Xuyên suốt lịch sử nhân loại, gia đình vẫn là tập hợp các thế hệ nối tiếp, gắn kết dựa trên các quan hệ: Tình cảm, hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng và giáo dục. Gia đình là nơi để con người nhớ mong, yêu thương, quay về chung vui, sẻ chia, che chở. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra chân lý: “Nhiều gia đình cộng lại thành một xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Một gia đình tham gia phần thi thể thao tại Ngày hội Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2019 do Sở VH-TT vừa tổ chức.
Một gia đình tham gia phần thi thể thao tại Ngày hội Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2019 do Sở VH-TT vừa tổ chức.

Gia đình là tế bào tự nhiên, đơn vị nhỏ nhất cấu thành xã hội rộng lớn. Sự trường tồn của quốc gia, dân tộc phụ thuộc vào sự tồn tại và phát triển của gia đình. Gia đình có hạnh phúc, “tế bào” có khỏe mạnh, “hạt nhân” gia đình có bền vững, thì xã hội mới tồn tại và phát triển bền vững. 

Nếu không có gia đình thực hiện chức năng sinh sản một cách chủ động và có tổ chức, tái tạo ra con người, sức lao động xã hội, duy trì nòi giống thì hậu quả nặng nề mà xã hội phải gánh chịu sẽ lớn biết nhường nào. Trong xã hội hiện đại, xuất hiện vấn đề mang tính toàn cầu và ngày càng trở nên gay gắt: Dân số các quốc gia, dân tộc đang có xu hướng già hóa với tốc độ nhanh chóng. Bởi tỷ lệ sinh thấp, một bộ phận thanh niên không muốn kết hôn, nếu kết hôn thì không muốn sinh con, nếu sinh thì chỉ sinh một con. Chuyên gia thế giới nhận định: Không thay đổi tình trạng hôn nhân, thì 100 năm nữa nhiều nước sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới!

3 gia đình văn hóa tiêu biểu của BR-VT tập luyện văn nghệ chuẩn bị tham gia Ngày hội gia đình Đông Nam Bộ năm 2019, khai mạc vào ngày 27/6 tại tỉnh Bình Dương.
3 gia đình văn hóa tiêu biểu của BR-VT tập luyện văn nghệ chuẩn bị tham gia Ngày hội gia đình Đông Nam Bộ năm 2019, khai mạc vào ngày 27/6 tại tỉnh Bình Dương.

Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, gia đình lại càng có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Dù hộ gia đình không phải là một thành phần kinh tế, nhưng là đơn vị sản xuất phổ biến ở nước ta. Mô hình đó đang được mở rộng trên nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp, vận tải, xây dựng, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán, kinh doanh… Khi hộ gia đình phát triển lên kinh tế trang trại, doanh nghiệp tư nhân, sẽ là cơ sở, điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế vĩ mô của đất nước. Hộ gia đình không chỉ làm ra của cải vật chất nuôi sống các thành viên, tạo ra sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, xuất khẩu, mà còn làm cho nền kinh tế đất nước sôi động, linh hoạt, khai thác triệt để mọi nguồn lực, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho nhà nước. Nhìn từ góc độ giá trị xã hội, nếu vai trò của gia đình được khai thác, phát huy, sẽ tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực đời sống, đóng góp tích cực làm cho “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Sớm nhận thức được vị trí, vai trò của gia đình, cũng như tầm ảnh hưởng của gia đình đối với xã hội, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng đời sống mới. Trong đó, trước hết, Người tập trung xây dựng gia đình mới “trên thuận, dưới hòa, bình đẳng, tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, không thiên tư, thiên ái; về vật chất từ ăn mặc đến việc làm đều tiêu pha có kế hoạch, ngăn nắp; cưới hỏi giỗ chạp nên đơn giản, tiết kiệm; quan tâm tới con cái, đến việc tu dưỡng, học hành, kỷ cương, nề nếp, giải phóng phụ nữ và thực hiện nam nữ bình quyền”. 

Từ năm 1962 đến nay, Nhà nước phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa, mục tiêu hướng đến “Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”. Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều đoàn thể đã xây dựng chương trình, phát động phong trào thi đua xây dựng gia đình phù hợp chuẩn mực mới, đáp ứng yêu cầu của cách mạng. Hàng loạt phong trào: “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình không khói thuốc, không bạo lực”, “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… được phát động rộng khắp, tác động tích cực đến từng gia đình trên mọi miền của Tổ quốc, đã mang lại hiệu quả to lớn.

Trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt trong công cuộc đổi mới, gia đình cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, có ảnh hưởng sâu rộng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, trước tình hình mới của lịch sử, gia đình đang đứng trước những thách thức mới. Tổ ấm gia đình bị lung lay bởi tình trạng ly hôn, sống ly thân, hôn nhân thử có chiều hướng gia tăng; bạo hành gia đình, sự thiếu tôn trọng lẫn nhau, “cơm không lành, canh không ngọt” của tình vợ chồng trong từng mái ấm đang là mối lo ngại chung của xã hội. Nhiều trẻ em sống trong gia đình không toàn vẹn sa vào tệ nạn, hư hỏng. Tình trạng con cháu bỏ rơi, không chăm sóc cha mẹ, ông bà đã và đang xảy ra, không chỉ đang làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống, mà còn gây ra gánh nặng cho xã hội…

Tế bào gia đình khủng hoảng, chắc chắn sẽ làm cho nền tảng xã hội lung lay, thiếu vững chắc. Đã đến lúc, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi chúng ta phải đề cao bổn phận quan tâm, chăm lo xây dựng gia đình. Mỗi gia đình tốt là một bông hoa đẹp, nhiều gia đình tốt sẽ tạo ra một rừng hoa đẹp. Gia đình tốt không chỉ giúp mỗi thành viên phát triển hoàn thiện mình, mà xa hơn là nhân tố quan trọng làm cho xã hội, quốc gia, dân tộc ổn định, phát triển lành mạnh, bền vững.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.