Không lẽ chịu thua ô nhiễm tiếng ồn?
Hoạt động của các beer club, loa kẹo kéo di động, hát karaoke tại nhà, mở loa quảng cáo sản phẩm... gây ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn nạn ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều vụ xô xát, thậm chí án mạng đã xảy ra vì mâu thuẫn liên quan đến việc hát karaoke. Đã đến lúc cơ quan chức năng phải mạnh tay xử lý hoạt động này.
Một trường hợp dùng loa di động để hát karaoke trên đường 2-9 (TP.Vũng Tàu) tối 30-5. |
“TRA TẤN” BẰNG LOA CÔNG SUẤT LỚN
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, hoạt động hát cho nhau nghe, hát karaoke di động, beer club diễn ra khá phức tạp, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân.
Tối 30-5, dạo một vòng quanh TP. Vũng Tàu, chúng tôi ghi nhận nhiều đường phố ồn ào, náo nhiệt bởi âm thanh phát ra từ những chiếc loa kéo tay di động, loa của người bán kẹo kéo, loa từ các cửa hàng kinh doanh… Tại một quán nhậu trên đường 2-9, chiếc loa di động được đặt ngay trên vỉa hè. 2 người đàn ông đang cố “gào thét” vào micro. Tiếng ồn vang xa hàng chục mét, khiến những người xung quanh khó chịu. Chị Nguyễn Thị N. (nhà cạnh quán nhậu kể trên) bức xúc: “Tối nào họ cũng mở loa hát ồn ào đến khuya. Ngoài việc ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của người lớn, hoạt động này còn ảnh hưởng cả đến việc học hành của các cháu. Chúng tôi cũng muốn góp ý nhưng lại sợ họ phật lòng, dẫn đến điều không hay”.
Rời đường 2-9, chúng tôi chuyển hướng về đường Thùy Vân. Cách một beer club từ vài chục mét, chúng tôi đã nghe tiếng nhạc dội ra rất lớn. Bên trong quán, nhiều nam nữ thanh niên tụm năm, tụm bảy ăn, uống, lắc lư theo tiếng nhạc xập xình, đinh tai nhức óc. Ngồi một lát, chúng tôi phải chạy ra ngoài vì tiếng nhạc chát chúa làm lùng bùng lỗ tai. Ở các huyện, không gian cũng không còn yên tĩnh. Tối 29-5, trong một quán ăn tại thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, 2 thanh niên chở theo chiếc loa di động mở hết công suất. Một người tay cầm micro hát, tay bưng giỏ kẹo đến từng bàn chào mời khách mua. Người từ chối, nhưng cũng có người chấp nhận mua “ủng hộ” để đỡ bị làm phiền.
Tiếng ồn từ các quán karaoke, beer club, loa kẹo kéo đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân, thậm chí gây mất ninh trật tự. Nhiều trường hợp vì giành nhau hát karaoke hay bị nhắc nhở do hát karaoke gây ồn ào đã dẫn đến ẩu đả, thậm chí gây án mạng. Điển hình, năm 2017, tại quán nhậu K.O (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền), nhóm thuyền viên Đặng Quang (SN 1982, quê Khánh Hòa) xảy ra mâu thuẫn với nhóm của Nguyễn Văn Tài (SN 1996, quê Quảng Ngãi) do 2 bên giành nhau micro của người bán kẹo kéo để hát karaoke dẫn đến đánh nhau. Tài dùng dao đâm nhiều nhát vào người anh Quang khiến nạn nhân thiệt mạng. Năm 2016, mẹ con chị Bùi Thị Đ. (SN 1989), ngụ đường 30-4, phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu bị hàng xóm chém trọng thương. Trước đó, hàng xóm đã nhiều lần góp ý vì chị Đ. mở loa hát karaoke quá lớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, nghỉ ngơi của hàng xóm.
Quán beer club V. (đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu) mở nhạc ồn ào trong đêm 30-5. |
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ
Các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nhưng việc quản lý và xử lý gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng VH-TT TP. Vũng Tàu cho biết, hoạt động của các beer club, karaoke bằng loa kẹo kéo rất phức tạp nhưng rất khó xử lý. Khi đoàn liên ngành kiểm tra, nếu phát hiện đơn vị vi phạm về tiếng ồn thì phải mời một đơn vị độc lập đến đo mức độ tiếng ồn rồi mới có cơ sở lập biên bản xử lý. Quá trình đo mất nhiều thời gian và kinh phí. “Thực tế, qua nhiều đợt kiểm tra, chúng tôi chỉ xử phạt được các đơn vị kinh doanh dịch vụ beer club, quán hát cho nhau nghe… vi phạm sử dụng bài hát không phép, có nội dung phản động hoặc không ký hợp đồng lao động với người lao động chứ chưa xử phạt được trường hợp nào vi phạm về tiếng ồn. Chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở”, ông Việt cho hay.
Theo ông Cao Hoàng Vũ, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Châu Đức, chứng cứ để xác định hành vi vi phạm tiếng ồn còn mơ hồ, khó xác định. Nhiều người mở loa di động âm lượng to để hát karaoke. Khi người dân phản ánh họ gây ồn ào, họ cho rằng như vậy là bình thường. Ngoài ra, nhiều trường hợp gây ô nhiễm tiếng ồn, khi lực lượng chức năng có mặt thì họ giảm âm lượng hoặc ngưng hát, ngưng mở nhạc nên rất khó có căn cứ để xử lý.
Điều 6, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng, chống bạo lực gia đình quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi “gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau”.
Hành vi hát karaoke gây tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ, với mức phạt hành chính từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm.
|
Ông Trần Công Sơn, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT) cho biết, tình trạng sử dụng dàn âm thanh công suất lớn, loa di dộng để hát karaoke tại gia đình, nơi công cộng hoặc dùng để rao bán sản phẩm lồng ghép với việc giao lưu văn nghệ tại các quán ăn đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Nhằm chấn chỉnh này, Sở VH-TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sử dụng thiết bị âm thanh gây ô nhiễm tiếng ồn trên địa bàn tỉnh BR-VT. Nội dung Chỉ thị giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức tuyên truyền cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tổ chức hoặc tham gia các sinh hoạt văn hóa trong cơ quan, gia đình và nơi công cộng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn. Hiện nay, Sở VH-TT đã trình UBND tỉnh Chỉ thị để xem xét, ban hành.
Bài, ảnh: THI PHONG