.

Chuyện bếp núc trên tàu kiểm ngư KN 290

Cập nhật: 14:10, 31/05/2019 (GMT+7)

Trong chuyến công tác Trường Sa (từ ngày 5 đến 14-5), lần đầu tiên vượt biển Đông, lo ngại say sóng, không hợp các món ăn trên tàu, tôi và nhiều thành viên khác của Đoàn công tác số 10 “tay xách nách mang” một số trái cây, đồ ăn vặt, mì gói… lên tàu. Nhưng rồi các món này hầu như “ế”, bởi các “anh nuôi” trên tàu KN 290 rất chu đáo, chăm chút từng bữa ăn cho mỗi thành viên trong Đoàn.

Các “anh nuôi” của tàu KN 290 chuẩn bị bữa sáng cho Đoàn công tác số 10.
Các “anh nuôi” của tàu KN 290 chuẩn bị bữa sáng cho Đoàn công tác số 10.

NHỮNG NGÀY PHỤ BẾP TÀU KN 290

Thức dậy từ 3h sáng, làm việc đến tận 12 giờ đêm là công việc thường ngày của các thành viên trong tổ phục vụ bếp của tàu KN 290, để chuẩn bị 4 bữa ăn ngon mỗi ngày cho Đoàn công tác trên chuyến tàu ra Trường Sa, bảo đảm sức khỏe cho đoàn, góp phần vào thành công của chuyến công tác.

Trên tàu, chúng tôi vẫn thường nói vui với nhau, muốn hết say sóng thì xuống bếp phụ các “anh nuôi”. Mà quả thực, mặc dù chuyến công tác trên biển diễn ra vào tháng Năm- được xem là mùa biển êm, nhưng những ngày đầu lên tàu, nhiều thành viên vẫn không tránh khỏi cảm giác say sóng, thậm chí có người nằm im trên giường vì say. Cảm thấy khó chịu, tôi và một vài chị trong Đoàn rủ nhau đi phụ bếp: nhặt rau, gọt khoai, bóc hành, tỏi… Vừa làm, vừa trò chuyện, chúng tôi quên cơn say sóng hồi nào không hay. Từ ngày thứ 2 cho đến ngày cuối của chuyến hải trình, căn bếp bận rộn vẫn là nơi đông vui nhất, rôm rả nhất bởi mọi người không ai bảo ai, mỗi người một tay cùng các “anh nuôi” chuẩn bị bữa. Người cho trái cây vào đĩa, người xếp đặt bàn ghế, chén đũa gọn gàng. Đoàn công tác số 10 với tổng cộng gần 300 người (kể cả tổ lái, tổ hậu cần) nên việc chuẩn bị mỗi bữa ăn không hề đơn giản.

“Có xuống bếp mới thấy các bạn trong tổ phục vụ bếp rất vất vả, ngoài bữa sáng khi mì xào bò, khi bún, phở…, bữa trưa và tối, mâm cơm luôn đủ 2 món rau xào hoặc luộc, hai món mặn, món canh và thêm món trái cây tráng miệng. Bữa khuya khi thì các anh nấu chè giải nhiệt, khi là cháo gà, cháo hàu… cho mọi người đổi bữa. Có hôm, tôi phụ các anh hơn nửa giờ đồng hồ mới rửa xong rau muống đủ cho Đoàn ăn trong một bữa. Thương các anh vất vả, nên hễ rảnh là chị em lại rủ nhau đi phụ bếp”, chị Đinh Lan, đoàn Kon Tum nói.

Bữa cơm tươm tất do tổ phục vụ bếp nấu.
Bữa cơm tươm tất do tổ phục vụ bếp nấu.

Căn bếp khoảng 30m2, với nồi luộc, chảo chiên, bếp nấu công nghiệp, công suất lớn. Bếp có hai bồn rửa chén, nhưng do số lượng rau, củ, quả, thực phẩm nhiều, nên phải sử dụng hệ thống vòi xịt để làm công việc nhanh hơn. Cả tổ có 5 đầu bếp chính và 13 nhân viên phục vụ, lo chu đáo cho 45 mâm cơm (6 người/mâm). Các bàn ăn được chia thành nhiều nhóm ở tầng 3, tầng 4, tầng 5 của tàu để tiện phục vụ. Do nhà bếp chật, chúng tôi thường “chiếm” luôn không gian của phòng ăn 3B để nhặt rau, bóc hành tỏi. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong, mỗi người một tay dọn căn bếp và phòng ăn 3B gọn gàng, sạch sẽ để đại biểu dùng bữa. Gian bếp khi thì mở nhạc, khi thì đối đáp, ca hát giữa các thành viên trong Đoàn và tổ phục vụ bếp nên luôn rộn ràng, vui vẻ.

CHĂM CHÚT TỪNG BỮA ĂN

Có một điều rất đặc biệt, tổ phục vụ bếp không phải là những đầu bếp được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, mà là những nhân viên văn phòng, nhân viên điều khiển tàu biển, vận hành máy tàu, công nghệ thông tin… từ các tàu khác, như: KN 204, KN 273, KN 221, KN 260… thuộc chi đội Kiểm ngư số 2, do có năng khiếu nấu ăn ngon, lại nhiệt tình, trách nhiệm nên được tăng cường để phục vụ Đoàn công tác. Mỗi ngày, anh Hoàng Thanh Hợp, Phó thuyền trưởng tàu KN 204, Tổ trưởng tổ phục vụ bếp trên tàu KN 290 lại lên thực đơn cho toàn tàu trong ngày hôm sau. “Toàn bộ nguyên liệu đã được đội hậu cần trên bờ chuẩn bị, mua sẵn từ các siêu thị và các cơ sở uy tín, nhập kho trước ngày tàu xuất phát, bảo quản để sử dụng trong suốt hải trình. Trước chuyến công tác, đã có một thực đơn được lên sẵn cho các ngày trên biển, tổ phục vụ sẽ căn cứ vào đó để nấu. Tuy nhiên, khi ra ngoài biển, thực đơn sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh, cố gắng hợp khẩu vị với các đại biểu. Thức ăn phục vụ Đoàn được lưu mẫu trong tủ để kiểm thực khi cần. Quan trọng nhất chính là sức khỏe của toàn Đoàn, nên không được lơ là, chủ quan”, anh Hợp chia sẻ.

Theo anh Hợp, 18 người trong tổ phục vụ làm các công việc khác nhau, ở các đơn vị khác nhau nhưng khi được điều đi tăng cường phục vụ Đoàn công tác, ai cũng làm việc có trách nhiệm, hết sức mình.

Bữa ăn có cá, thịt, rau, canh, trứng rán… thực đơn được thay đổi liên tục, phù hợp với khẩu vị từng người. Đặc biệt, trong Đoàn có một số đại biểu là tu sĩ Phật giáo và một số người ăn chay, nên tổ bếp sắp mâm cơm riêng gồm các món chay như: đậu hũ chiên, canh rau củ quả, nấm, rong biển, chả giò chay, gà chay… luân phiên để phục vụ những đại biểu này. Mỗi ngày, cứ 6h sáng, 11h trưa, 6h chiều và 9h tối, bữa ăn lại được phục vụ cho cả Đoàn.

Khu bếp luôn đông vui, rộn ràng bởi các thành viên trong Đoàn công tác xuống phụ giúp các “anh nuôi” chuẩn bị bữa ăn.
Khu bếp luôn đông vui, rộn ràng bởi các thành viên trong Đoàn công tác xuống phụ giúp các “anh nuôi” chuẩn bị bữa ăn.

Hòa thượng Thích Nguyên Trụ, trụ trì chùa Thiên Long (xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) cho biết, trong chuyến công tác, bên cạnh lòng cảm phục các chiến sĩ nơi đảo xa, những cán bộ tổ bếp trên tàu KN 290 thực sự khiến ông hài lòng vì những bữa cơm chay nóng hổi, đầy đủ món.

Cũng rất ấn tượng với đội phục vụ bếp, chị Trường An, đại biểu của đoàn Bệnh viện 175 cho biết, có những hôm chị và đồng nghiệp bị say sóng, say nắng không xuống phòng ăn được, các “anh nuôi” đã nấu cháo, pha nước chanh đưa đến tận phòng, ân cần hỏi han, phục vụ như đối với người thân trong gia đình. Chính vì thế, khi khỏe lại, chị luôn có mặt trong bếp, phụ các anh những công việc vừa sức.

Anh em trong tổ phục vụ phải dậy từ 3h sáng để phục vụ được bữa ăn đầu tiên trong ngày. Trong thời gian đoàn công tác ra thăm đảo, họ sẽ bắt tay vào nấu bữa trưa và đến 14h chiều lại chuẩn bị ăn tối, và mỗi ngày phải đến 24h đêm mới dọn dẹp xong. Có hôm, để chuẩn bị 300 ổ bánh mì giòn rụm cho bữa sáng, hai nhân viên của tổ Phạm Quốc Đạt, Phạm Ngọc Sơn phải thức suốt đêm để thay phiên nhau canh lò nướng bánh mì. “Sáng ra, các đại biểu phấn khởi ăn hết suất bánh mỳ, khen bánh thơm ngon, thậm chí yêu cầu thêm ổ bánh mì nữa, khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi của một đêm dài không ngủ”, anh Quốc Đạt cười thật tươi chia sẻ.

Công việc dù vất vả, nhưng các anh vẫn cho rằng, các chiến sĩ hải đảo còn vất vả hơn nhiều và công việc phục vụ của các anh vẫn chẳng thấm gì. Thức khuya, dậy sớm, làm không ngơi tay, nhưng tinh thần, thái độ phục vụ của các anh nuôi luôn chu đáo, vui vẻ, để lại ấn tượng tốt đẹp cho tất cả các thành viên trong suốt hải trình.

Bài, ảnh: MINH THANH

.
.
.