Quà tặng người nghèo từ phế liệu
Được triển khai từ cuối năm 2016, mô hình dân vận khéo “Vận động tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo có địa chỉ” của Hội LHPN thị trấn Long Hải (huyện Long Điền) đã giúp đỡ nhiều phụ nữ và trẻ em nghèo.
Hội viên Chi hội Phụ nữ khu phố Hải An (thị trấn Long Hải) phân loại phế liệu để bán. |
Chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Thủy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố Hải An (thị trấn Long Hải) đúng lúc chị cùng một số hội viên trong khu phố đang phân loại phế liệu để bán. Chị Thủy cho biết, khu phố Hải An có 12 tổ phụ nữ. Mô hình “Vận động tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo có địa chỉ” khi triển khai đã được hội viên đồng tình, ủng hộ. Hàng tháng, các chị mang số phế liệu thu gom được đến nhà tổ trưởng tổ phụ nữ rồi tập kết về nhà chị Thủy để đem bán gây quỹ. Trung bình mỗi tháng, Chi hội Phụ nữ khu phố Hải An thu được 300-500 ngàn đồng tiền bán phế liệu. Từ số tiền này, Chi hội mua gạo, thực phẩm thiết yếu tặng hội viên nghèo.
Còn tại khu phố Hải Trung, việc thu gom phế liệu từ các hội viên do chị Võ Thị Phi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố đảm nhận. Chị Phi cho hay, đa phần hội viên bận rộn với công việc, không có thời gian rảnh rỗi. Tuy vậy, họ rất tích cực hưởng ứng mô hình. Hàng ngày, họ để riêng phế liệu trước cửa nhà để chị đến lấy. “Tôi kinh doanh tự do tại nhà nên chủ động được công việc. Hễ có thời gian, tôi lại đến nhà hội viên lấy phế liệu, khi được nhiều thì đem bán lấy tiền mua quà tặng hội viên nghèo. Số tiền thu được sau mỗi lần bán phế liệu không nhiều nhưng việc làm này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của chị em nên rất đáng quý”, chị Phi nói thêm.
Hàng ngày, chị Phạm Thị Lan (tổ 6, khu phố Hải Trung) bận rộn với công việc ở Công ty CP Du lịch Kỳ Vân (thị trấn Long Hải). Khi về nhà, có thời gian, chị lại đi gom phế liệu từ gia đình mình và khu vực xung quanh nơi chị sinh sống để bán lấy tiền giúp chị em phụ nữ nghèo. “Công việc thu gom phế liệu khá đơn giản, không những giúp đỡ được hội viên nghèo mà còn lan tỏa ý thức thực hành tiết kiệm và bảo vệ môi trường”, chị Lan chia sẻ.
Nhờ thực hiện tốt mô hình này, trong hơn 2 năm qua, trên địa bàn thị trấn Long Hải đã có nhiều phụ nữ, trẻ em, người già neo đơn có hoàn cảnh khó khăn được tặng quà. Cụ Nguyễn Thị Hồng (74 tuổi, ở tổ 9, khu phố Hải An), không có con, sống một mình nhiều năm nay. Mọi khoản chi tiêu hàng ngày đều phụ thuộc vào người cháu, nhưng không đủ. Biết hoàn cảnh của cụ Hồng, hàng tháng, từ nguồn tiền bán phế liệu, Chi hội Phụ nữ khu phố Hải An mua 10kg gạo tặng cụ. “Hơn 2 năm qua, nhờ Chi hội Phụ nữ khu phố cho gạo nên cuộc sống của tôi bớt khó khăn hơn, đỡ được một phần gánh nặng cho cháu tôi”, cụ Hồng nói.
Trường hợp của chị Trần Thị Thanh Loan (32 tuổi, ở tổ 6, khu phố Hải Trung) bị bệnh hiểm nghèo cũng được Chi hội Phụ nữ khu phố quan tâm, giúp đỡ. Từ khi bị bệnh, chị không còn khả năng lao động, nên cuộc sống của gia đình gồm 5 miệng ăn phụ thuộc vào nghề làm phụ hồ của chồng. Nhưng công việc của chồng chị cũng bấp bênh, thu nhập chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/tháng, không đủ để lo tiền thuốc men cho chị. Trong tháng 3 vừa qua, Chi hội Phụ nữ khu phố Hải Trung đã bán phế liệu, lấy tiền mua 10kg gạo, 1 thùng mì gói tặng chị. Ngoài ra, Hội LHPN thị trấn Long Hải và khu phố còn vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 9 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Anh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Long Hải cho biết, khi mới triển khai mô hình “Vận động tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo có địa chỉ” chỉ có 56 hội viên tham gia. Đến nay, mô hình đã thu hút khoảng 500 hội viên. Từ khi triển khai đến nay, mô hình đã thu được khoảng 72 triệu đồng từ việc bán phế liệu. Qua đó, các cấp Hội đã mua 475 suất quà, tặng 85 suất học bổng Nguyễn Thị Định cho hội viên và HS nghèo. “Mô hình “Vận động tiết kiệm phế liệu vì phụ nữ và trẻ em nghèo có địa chỉ” không chỉ lan tỏa đến hội viên Hội LHPN thị trấn Long Hải ý thức tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái, mà còn lan tỏa đến một số nhà hảo tâm ở TP. Vũng Tàu. Do điều kiện ở xa, thay vì đóng góp phế liệu, nhà hảo tâm hỗ trợ Hội 200kg gạo/tháng, giúp 20 chị em nghèo có địa chỉ”, chị Tuyết Anh phấn khởi nói.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG