.

Uống nước nhớ nguồn

Cập nhật: 09:46, 31/12/2018 (GMT+7)

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân BR-VT đã huy động mọi nguồn lực để chăm lo chế độ, chính sách cho người có công với cách mạng và thân nhân của họ. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình chính sách, người có công với cách mạng từng bước được cải thiện, nâng cao.

Chi bộ Sản xuất 1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí Hàng Hải PTSC thăm hỏi sức khỏe Mẹ VNAH Trần Thị Trinh.
Chi bộ Sản xuất 1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí Hàng Hải PTSC thăm hỏi sức khỏe Mẹ VNAH Trần Thị Trinh.

CHĂM LO NGƯỜI CÓ CÔNG

Một ngày cuối năm, căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) La Thị Biên (91 tuổi, thôn Quảng Tây, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) tràn ngập tiếng nói cười khi đoàn Chi bộ sản xuất 1, Công ty TNHH MTV Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC) đến thăm, tặng quà. Mẹ Biên vui vẻ cho biết, mỗi dịp lễ, Tết, Mẹ đều được các đoàn tới thăm hỏi ân cần, được các cháu quây quần trò chuyện vui vẻ. “Tuổi già, Mẹ chẳng mong muốn gì hơn là được các con thường xuyên lui tới thăm nom, chuyện trò. Tình cảm và sự quan tâm của các thế hệ hôm nay khiến Mẹ rất vui. Mẹ mong sao quê hương, đất nước mình ngày một phát triển, nhân dân ngày càng giàu mạnh để xứng đáng với công lao các liệt sĩ, thương, bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu cho độc lập, tự do” - Mẹ Biên bày tỏ. Ngoài chế độ, chính sách của Nhà nước, mỗi tháng Mẹ Biên còn được Công ty Cao su Bà Rịa phụng dưỡng với mức 1 triệu đồng. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 34 Mẹ VNAH còn sống và đều được các cơ quan, DN, địa phương nhận phụng dưỡng suốt đời. Các Mẹ VNAH có con trai duy nhất hy sinh không còn người thân chăm sóc được tỉnh hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng để thuê người nuôi dưỡng, chăm sóc. Mẹ Trần Thị Trinh (90 tuổi, ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) là một trong số những trường hợp ấy. Mẹ Trinh có con trai duy nhất là liệt sĩ Nguyễn Văn Trường. Không còn người thân chăm sóc, mẹ sống một mình nhiều năm nay. Tuổi cao, sức yếu và bệnh đau cột sống khiến Mẹ khó khăn trong sinh hoạt. Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, Mẹ đã có người chăm sóc. “Mấy tháng nay, Mẹ đau cột sống phải đi bệnh viện thường xuyên. May mắn là Mẹ có người thường xuyên túc trực, chăm sóc từng bữa ăn giấc ngủ và chuyện trò nên tuổi già bớt cô quạnh”, Mẹ Trinh cảm động nói.  

Đoàn viên, thanh niên xã Tân Lâm thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hiên ở ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.
Đoàn viên, thanh niên xã Tân Lâm thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Hiên ở ấp Bàu Hàm, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.

Bên cạnh đó, hàng ngàn gia đình chính sách, người có công có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện hộ nghèo… được ưu tiên chăm sóc, hỗ trợ. Điển hình là chương trình hỗ trợ cải thiện nhà ở, vay vốn, giải quyết việc làm, cấp thẻ BHYT, trợ cấp ưu đãi HS-SV, hỗ trợ 100% tiền học nghề cho con thương binh, liệt sĩ, bộ đội xuất ngũ… Ngoài việc bảo đảm chế độ trợ cấp thường xuyên từ ngân sách Trung ương, hàng năm ngân sách tỉnh còn dành khoảng 30 tỷ đồng để chăm lo cho đối tượng chính sách. Sự quan tâm ấy đã tạo động lực cho các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh vươn lên trong đời sống, công tác. Nhờ đó, hiện nay BR-VT có 99,45% gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên. 

LAN TỎA NGHĨA TÌNH  

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn tỉnh thường xuyên được cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực, huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa tình của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước. Tiêu biểu phải kể đến phong trào ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và “Vì người nghèo”, tặng sổ tiết kiệm cho người có công. Những việc làm cụ thể, thiết thực ấy đã góp phần chia sẻ những khó khăn, mất mát với gia đình chính sách, người có công cách mạng trên địa bàn tỉnh. 

Theo thống kê của Sở LĐTBXH, tỉnh BR-VT đang quản lý 36.519 hồ sơ người có công với cách mạng, trong đó có 7.784 người có công và thân nhân được hưởng ưu đãi hàng tháng. Công tác giải quyết chế độ chính sách cho người có công trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn tất. Công tác quy tập mộ liệt sĩ, chỉnh trang, xây mới và nâng cấp các nhà bia, đài tưởng niệm, đền thờ, nghĩa trang liệt sĩ… thường xuyên được quan tâm. Đến nay, tỉnh đã quy tập, cất bốc được hơn 1.100 hài cốt liệt sĩ, đưa tổng số mộ quy tập vào Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh và các huyện lên trên 5.570 mộ. Vào các dịp lễ, tết, ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hàng năm, các đoàn lãnh đạo tỉnh, địa phương và mọi tầng lớp nhân dân đều tổ chức dâng hương tưởng nhớ công ơn các Anh hùng liệt sĩ.

 Hiện nay, BR-VT đang tiếp tục thực hiện mục tiêu đến năm 2020 tất cả gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình tại nơi cư trú. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất tồn đọng hồ sơ thuộc đối tượng chính sách. Theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, công tác “đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành việc làm thường xuyên, có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ đi trước. Các địa phương thường xuyên rà soát nắm chắc hoàn cảnh của từng gia đình, đối tượng chính sách để kịp thời giúp đỡ, chi trả đầy đủ tiêu chuẩn, chế độ. Nhờ những nỗ lực đó, đời sống người có công với cách mạng đã được cải thiện rõ rệt. “Có được kết quả này là nhờ sự chung tay, đóng góp của toàn xã hội. Những việc làm ấy đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” với những người đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Lê Thị Trang Đài nhấn mạnh.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.