Công tác giảm nghèo "về đích" sớm
Sau 3 năm (2016-2018) triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều, từ 21.407 hộ nghèo, cận nghèo (năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 8,2% dân số) đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 8.301 hộ nghèo, cận nghèo (tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,03% số dân, vượt 144% kế hoạch). Có được kết quả này là nhờ sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành và cả cộng đồng trong việc tạo cơ hội thuận lợi để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững.
Khám bệnh miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ). |
CHÍNH SÁCH MỞ RỘNG
Ngay từ đầu giai đoạn, nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo, BR-VT đã ban hành chuẩn nghèo tiếp cận theo hướng đa chiều về tiêu chí thu nhập cao hơn 1,7 lần và chuẩn cận nghèo của tỉnh cao hơn 1,5 lần so với chuẩn cận nghèo do Chính phủ quy định: hộ nghèo có thu nhập từ dưới 1,2 triệu đồng/người/tháng (nông thôn) và dưới 1,5 triệu đồng/người/tháng (thành thị); hộ cận nghèo có thu nhập từ 1,2-1,5 triệu đồng/người/tháng (nông thôn) và từ 1,5-1,95 triệu đồng/người/tháng (thành thị).
Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, việc nâng mức chuẩn nghèo, cận nghèo, đồng thời triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo tại các địa phương đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nâng mức sống của người nghèo gần hơn với mức sống của người dân trên cùng địa bàn cư trú.
Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Phước Thịnh tặng xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học tại huyện Đất Đỏ. |
Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đến năm 2020 còn dưới 1,5% so với tổng số hộ dân, tỉnh đã ban hành các chính sách mở rộng về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn... Theo đó, hỗ trợ 30% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo quốc gia; 100% cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh, hộ thoát nghèo trong vòng 5 năm. Hỗ trợ 50% học phí cho HS con hộ cận nghèo chuẩn tỉnh; 100% học phí và chi phí học tập cho con hộ nghèo của tỉnh và hộ thoát nghèo trong vòng 2 năm. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chuẩn tỉnh và hộ nghèo thoát nghèo trong vòng 3 năm được vay vốn tín dụng ưu đãi. Hỗ trợ tiền điện cho hộ cận nghèo theo chuẩn quốc gia, hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh. Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo chuẩn tỉnh (dưới 40 tuổi) 60 triệu đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 45 triệu đồng, gia đình đóng góp tối thiểu 15 triệu đồng/căn). Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc 60 triệu đồng (Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, từ nguồn vận động hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/hộ). Trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thuộc hộ cận nghèo chuẩn quốc gia, hộ nghèo theo chuẩn tỉnh. Nâng mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội là 320 ngàn đồng.
NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO HIỆU QUẢ
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, thời gian qua, các địa phương đã triển khai kịp thời các chính sách giảm nghèo như: Xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về y tế, giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp dạy nghề... giúp người nghèo từng bước nâng cao và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cuối năm 2017, nhờ sự hỗ trợ của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam, 53 hộ dân sống tại ấp 3 và ấp 4 (xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) đã có nước sạch để sinh hoạt và sản xuất. |
Xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo thời gian qua. Ông Vũ Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND xã Hòa Hội cho biết, trong năm 2018, xã đã cấp hơn 1.500 thẻ BHYT cho người nghèo, người thoát nghèo, tặng 155 suất quà Tết cho người nghèo, người dân tộc thiểu số... Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều chính sách giảm nghèo, cuối năm 2018, địa phương có 47 hộ thoát nghèo (đạt 156,66% kế hoạch), số hộ nghèo chỉ còn 203 hộ (tỷ lệ 7,13% tổng số dân).
Gia đình chị Lê Thị Kim Huế (ấp 3, xã Hòa Hội) là hộ nghèo chuẩn quốc gia. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm thợ hồ, bản thân chị Huế chỉ quanh quẩn ở nhà với mấy sào tiêu và chăm sóc cô con gái 8 tuổi bị bại não bẩm sinh. Đầu năm 2017, thông qua Hội Cựu chiến binh xã, chị Huế được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để mua 2 con bò đực giống, đến nay bò đã sinh trưởng phát triển tốt. Cuối năm 2017, chị được Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bảo trợ xã hội tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị đã vơi bớt khó khăn. “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, cuộc sống của gia đình tôi đã ổn định hơn trước. Đến nay, gia đình tôi đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, chị Huế nói.
Không chỉ quan tâm chăm lo về vật chất cho người nghèo, thời gian qua, các địa phương cũng tích cực vận động nhà hảo tâm thực hiện nhiều chương trình nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Đầu tháng 10 vừa qua, huyện Châu Đức phối hợp với Công ty CP Đông Á Châu Đức trao tặng 188 chiếc tivi cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Từ trước đến nay, địa phương chủ yếu quan tâm chăm lo đời sống vật chất cho người dân. Việc tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với các thông tin, truyền thông còn hạn chế. Vì vậy, việc hỗ trợ phương tiện nghe nhìn cho người nghèo cũng là một trong những chính sách giúp công tác giảm nghèo của địa phương ngày càng hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết. Gia đình bà Đinh Thị Loan (xã Bình Giã) là hộ nghèo cận quốc gia, quanh năm làm thuê làm mướn với thu nhập bấp bênh. Tích góp nhiều năm, vợ chồng bà Loan cũng không dám mua một chiếc tivi để xem. “Từ ngày được tặng chiếc tivi mới, tôi biết thêm thông tin thời sự cũng như các chính sách ưu đãi của Nhà nước với hộ nghèo, nhiều kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình”, bà Loan vui mừng nói.
Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 33.885 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi hộ nghèo với số tiền hơn 890 tỷ đồng; 195 người nghèo được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; 40.198 lượt HS con hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập. Vận động đóng góp hơn 39,7 tỷ đồng vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh; xây mới, sửa chữa 767 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 38.134 lượt hộ nghèo; trợ cấp Tết cho 25.434 hộ; trợ giúp pháp lý cho 438 người nghèo với 438 vụ việc. |
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH cho biết, chương trình thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững của tỉnh đã đi được hơn nửa chặng đường với những kết quả đáng mừng. Trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo đi đúng hướng, có chiều sâu, rất cần sự chung tay góp sức của tất cả các ban, ngành, địa phương và ý thức tự giác vươn lên của người nghèo.
“Từ nay đến hết năm 2020, BR-VT phấn đấu giải quyết vay vốn phát triển sản xuất cho khoảng 14.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 3 năm; Tổ chức đào tạo nghề cho 400 người/năm. Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về giáo dục, vay vốn, tiền điện, nhà ở. Kết nối và vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ về nhà ở, đường giao thông, nước sinh hoạt nông thôn, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng cho người nghèo...” - ông Trần Quốc Khánh cho biết thêm.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN