.

Về làng dệt lưới Sông Cầu

Cập nhật: 07:36, 19/10/2018 (GMT+7)

Là vùng quê thanh bình, nhưng thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) lại vang lên những âm thanh đặc trưng của nghề dệt lưới: tiếng thoi đưa lách cách, tiếng máy quay rầm rập. Mấy chục năm qua, dệt lưới là nghề mưu sinh của người dân nơi đây. 

CẦN MẪN LAO ĐỘNG

Chị Trần Thị Diệu dệt lưới.
Chị Trần Thị Diệu dệt lưới.

Từ Quốc lộ 56 (đoạn qua thôn Sông Cầu) rẽ vào tổ 13, thôn Sông Cầu, chúng tôi đã nghe tiếng máy dệt lưới chạy rầm rập, lẫn trong tiếng thoi đưa lách cách. Chúng tôi ghé vào nhà chị Trần Thị Diệu đúng lúc chị đang mải miết dệt lưới. Chị Diệu cho biết, hàng ngày từ 6 giờ sáng, vợ chồng chị đã quay 3 khung dệt, trong đó chị phụ trách 2 khung. Bật cầu dao quay trước 1 khung dệt, đôi tay chị thoăn thoắt đưa những cuộn cước nối vào con thoi. Xong khung dệt này, chị lại quay khung dệt bên cạnh. Chẳng mấy chốc, 2 khung dệt cho ra 2 tấm lưới cá rộng 50cm và 70cm. 

Năm nay, chị Diệu 50 tuổi nhưng đã có 38 năm gắn bó với nghề dệt lưới. “Đây là nghề gia truyền. Ba mẹ tôi cũng là thợ dệt lưới nên từ năm 12 tuổi, tôi đã biết phụ giúp ba mẹ làm việc. Sau này, dệt lưới thành nghề mưu sinh của tôi”, chị Diệu kể. Mỗi ngày, vợ chồng chị Diệu dệt được 300-500m lưới, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Ngoài bỏ mối cho khách ở huyện Xuyên Mộc, TX.Phú Mỹ, sản phẩm lưới của nhà chị Diệu còn được bán cho các đầu mối ở Nha Trang, Bình Thuận, Ninh Thuận.

Rời nhà chị Diệu, chúng tôi đến cơ sở đan lưới Trần Chương (Quốc lộ 56, thôn Sông Cầu) của gia đình ông Trần Chương, 56 tuổi. Đây là nơi chuyên thu mua tấm lưới từ các hộ trong thôn để làm thành phẩm cung cấp cho thị trường các loại lưới: lưới giăng cua, lưới kéo cá, lưới đơm cá, chài, rập ghẹ. Trong nhà, ông Chương bày biện đủ loại lưới, bàn may, dây dù, kim... Ngoài sân, ông chăm chú may, đan viền tấm lưới kéo cá. Sau công đoạn đan viền, ông lại bắt phao, gắn chì. Bên cạnh, bà Trương Thị Tưởng, vợ ông Chương đang ngồi đan đường dây dù để kết lưới. Bà vừa trò chuyện với khách, vừa làm việc mà chẳng cần nhìn vào tấm lưới. “Tuy có sự hỗ trợ của máy may nhưng các công đoạn như: cắt lưới, đan đường dây dù, kết lưới, gắn phao, gắn chì đều phải làm thủ công. Để giữ được nghề này, đòi hỏi người thợ phải kiên trì, chịu khó”, bà Tưởng nói. 

LƯU GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Chị Nguyễn Thị Liên (phải) mua lưới tại cơ sở đan lưới Trần Chương.
Chị Nguyễn Thị Liên (phải) mua lưới tại cơ sở đan lưới Trần Chương.

Nghề dệt lưới của người dân thôn Sông Cầu là nghề gia truyền. Các hộ làm nghề dệt lưới có chung đặc điểm đều là quê gốc ở Quảng Trị, cùng vào đây sinh sống, lập nghiệp và đem theo nghề của ông cha làm hành trang mưu sinh. Điển hình như gia đình ông Chương đã 3 đời làm nghề dệt lưới, từ thời cha mẹ ông Chương và đến nay, người con trai của ông cũng theo nghề. Theo ông Chương, nghề làm lưới không giàu nhưng cho thu nhập ổn định. Nghề đan lưới cũng đắt khách theo mùa đánh cá. Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, biển êm, dễ đánh cá, ngư dân đi biển nhiều kéo theo nhu cầu mua lưới tăng cao. Do đó, thu nhập từ nghề này của gia đình ông Chương cũng dao động trong khoảng 15-30 triệu đồng/tháng, tùy từng thời điểm trong năm. Đến mua lưới tại cơ sở lưới Trần Chương, chị Nguyễn Thị Liên (tổ 7, ấp 1, xã Sông Xoài, TX.Phú Mỹ) cho biết: “3 năm nay, tôi thường đến đây mua lưới cho chồng giăng cua, đánh cá. Sản phẩm lưới của người dân thôn Sông Cầu bền, đẹp, giá cả phù hợp nên tôi rất tin tưởng”.

Gần 40 năm qua, sản phẩm lưới của người dân thôn Sông Cầu vẫn có chỗ đứng trên thị trường và nghề dệt lưới ngày càng được mở rộng. Như hộ ông Văn Bá Phước, ban đầu chỉ có 2 vợ chồng làm nghề, đến nay đã mở rộng lên 4 cơ sở, giải quyết việc làm cho 13 lao động, thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/tháng/người. Sản phẩm lưới của nhà ông Phước có đủ loại: lưới đánh tôm, cá, lưới bao nhãn, lưới bao rau, lưới rào sân bóng đá… và được tiêu thụ cả ở thị trường các tỉnh miền Tây, miền Trung. 

Theo lãnh đạo UBND xã Nghĩa Thành, từ năm 1990 trở về trước, các công đoạn dệt lưới đều làm thủ công nên năng suất thấp, chỉ đạt khoảng 60m lưới/ngày/người. Từ năm 1990 đến nay, các hộ đã đầu tư, máy móc, thiết bị hỗ trợ nên năng suất được nâng cao, mỗi ngày một người có thể dệt được tới 500m lưới. Bình quân mỗi năm, các hộ dệt lưới tại thôn Sông Cầu cung cấp cho thị trường khoảng 5 triệu mét lưới các loại. Nhờ vậy, đời sống vật chất của các hộ làm nghề dệt lưới tại thôn Sông Cầu được cải thiện, thu nhập cao hơn so với người dân làm nghề nông trong xã. 

Ông Phạm Duy Vinh, Phó Trưởng thôn Sông Cầu cho biết, trước đây, xóm này được người dân gọi là “xóm nhà lá” vì đa số là người dân từ Quảng Trị vào lập nghiệp. Do kinh tế còn khó khăn nên họ dựng nhà tạm bằng lá để sinh sống. Từ 13 hộ, đến nay, toàn thôn có 30 hộ làm nghề dệt lưới, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ. “Bây giờ xóm nhà lá đã được người dân, khách xa gần gọi bằng tên thân quen là “làng lưới Sông Cầu” vì sản phẩm lưới của bà con đã vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trong nước. Cũng nhờ nghề dệt lưới mà người dân xây được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ, nhiều người học CĐ, ĐH, thạc sĩ”, ông Vinh cho biết. Chẳng hạn, gia đình ông Chương có 4 người con, trong đó 2 người học ĐH, đã có việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh, 1 người học nghề điện cơ và mở được cơ sở sửa chữa điện cơ, 1 người học CĐ, hiện tiếp nối nghề của gia đình. Còn gia đình ông Phước có 6 người con, trong đó có 3 người học ĐH, có việc làm ổn định tại TP.Hồ Chí Minh. 

Gặp gỡ người dân thôn Sông Cầu, chúng tôi vẫn nghe họ truyền tai nhau câu nói: “Chừng nào còn biển thì ngư dân vẫn còn cần lưới. Bao giờ biển cạn nước thì dân Sông Cầu mới thôi làm nghề dệt lưới” để lấy động lực giữ nghề truyền thống.

Bài, ảnh: THI PHONG

.
.
.