.

Trường mầm non công lập "đỏ mắt" tìm giáo viên

Cập nhật: 16:40, 26/10/2018 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều trường mầm non (MN) công lập ở các huyện, thị xã đang thiếu hụt hàng trăm giáo viên (GV) do không có nguồn để tuyển dụng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chế độ, chính sách dành cho GVMN của các trường công lập chưa hấp dẫn, trong khi GV phải chịu khá nhiều áp lực. Việc thiếu hụt GV đã hưởng không nhỏ đến việc dạy và chăm sóc trẻ.

THIẾU HÀNG TRĂM GIÁO VIÊN

Năm học 2018-2019, tại một số địa phương như huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức, TX.Phú Mỹ, tình trạng thiếu GVMN đang diễn ra ở nhiều trường. 

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho hay, đầu năm học 2017-2018, toàn huyện thiếu 105 GVMN. Đến tháng 2-2018, huyện thông báo tuyển dụng 70 GVMN. Mặc dù huyện đã nhiều lần gia hạn thời gian tuyển dụng nhưng cuối cùng chỉ có 26 GV nộp hồ sơ. Dù đang thiếu hụt GVMN nhưng từ đầu năm học 2017-2018 đến nay, lại có 24 GVMN xin nghỉ việc. 

Còn tại huyện Xuyên Mộc, năm học 2017-2018, địa phương này lên kế hoạch tuyển dụng 40 GVMN nhưng chỉ tuyển được 28 người. Năm học 2018-2019, tổng số GVMN của huyện được giao theo chỉ tiêu là 472, nhưng hiện nay chỉ có 374 GV đang đứng lớp, còn thiếu 98 GV. Tháng 9-2018, huyện đã ra thông báo tuyển dụng số GV còn thiếu nhưng đến nay, số lượng hồ sơ đăng ký không nhiều. Ông Nguyễn Tấn Hậu, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho biết, không chỉ khó tuyển dụng mới, việc giữ chân GV hiện hữu cũng rất nan giải. Nhiều GV chỉ sau một thời gian ngắn công tác ở xã đã xin thuyên chuyển tới trung tâm huyện hoặc thành phố khác. Đơn cử, tại Trường MN Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), khoảng 5 năm trở lại đây, đã có 10 GV xin chuyển công tác, riêng năm học 2017-2018 có 5 GV xin chuyển. Ban giám hiệu nhà trường phải chật vật tìm nguồn GV hợp đồng nhưng vẫn không đủ GV đứng lớp theo quy định. Khó tìm GV hợp đồng, một số trường phải mời GV đã nghỉ hưu tới giảng dạy nhưng lại bị “vướng” điều kiện về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Do thiếu giáo viên nên 2 năm học liền (năm học 2017-2018 và 2018-2019), cô Trần Thị Thiên Nga (Trường MN Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đều đứng lớp một mình.
Do thiếu giáo viên nên 2 năm học liền (năm học 2017-2018 và 2018-2019), cô Trần Thị Thiên Nga (Trường MN Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đều đứng lớp một mình.
Các cháu Trường Mầm non Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) trong giờ học vẽ.     Ảnh: BÙI HƯƠNG
Các cháu Trường Mầm non Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) trong giờ học vẽ. Ảnh: BÙI HƯƠNG

Một địa phương khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự là TX.Phú Mỹ. Hiện nay, TX.Phú Mỹ đang tuyển dụng 15 GVMN nhưng mới chỉ nhận được 7 hồ sơ dự tuyển.

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết: Tình trạng thiếu hụt GV ở bậc MN trở nên “nóng” trong 2-3 năm trở lại đây. Trước đây, công tác tuyển dụng khó khăn do quy trình, thủ tục phức tạp, kéo dài nhưng đến năm học 2018-2019 đã chuyển sang xét tuyển nên việc tuyển dụng thuận lợi hơn. Tuy vậy, tại huyện Châu Đức, tình trạng khó tuyển dụng GV ở bậc học MN vẫn diễn ra là do không có nguồn tuyển. Về nguyên nhân không có nguồn tuyển, ông Nguyễn Tấn Bản nhận định: Hiện nay, một số giáo sinh sư phạm MN sau khi tốt nghiệp thường về làm việc ở những nơi có thu nhập cao hơn, chính sách ưu đãi tốt hơn ở các thành phố hoặc vào làm việc cho các trường tư chứ không mặn mà với các trường công ở địa bàn khó khăn. Trong khi đó, tại địa phương, hiện nay chưa có các chính sách thu hút riêng, mà chỉ có chế độ căn bản cho GVMN theo quy định chung. 

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến khó tuyển dụng GVMN, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Phòng GD-ĐT huyện Châu Đức cho rằng: Hiện nay, mức lương khởi điểm của GVMN công lập chỉ khoảng 3,2 triệu đồng/tháng, thấp hơn cả thu nhập của một số ngành nghề lao động phổ thông. Trong khi đó, công việc của GVMN rất vất vả, không chỉ chăm sóc mà còn dạy dỗ, giáo dục HS. Thêm vào đó, sĩ số HS của mỗi lớp từ 25-35 HS, GV đứng lớp còn kiêm nhiệm thêm cả công việc dọn vệ sinh khu vực lớp học và nhiều công việc chuyên môn khác như soạn giáo án, làm đồ chơi, sinh hoạt chuyên môn...

Nói về những khó khăn của GVMN, cô Nguyễn Hạnh Đoan, GV lớp 5-6 tuổi, Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức) chia sẻ: Sau 12 năm gắn bó với nghề, thu nhập của cô chỉ hơn 6 triệu đồng/tháng. Trong một ngày làm việc, cô thường có mặt ở trường từ 6 giờ 30 phút tới 17 giờ 30 phút và thực hiện công việc chăm sóc, dạy dỗ 30 trẻ. Buổi trưa, cô thường ăn cơm ngay tại lớp, trông các bé ngủ trưa, tối về nhà lại lo soạn giáo án...  Do đó, GVMN không chỉ yêu trẻ, mến nghề, mà còn phải có sức khỏe tốt, chịu được áp lực, có kỹ năng xử lý tình huống. Một điểm quan trọng nữa là GVMN cần có sự cảm thông, hỗ trợ từ phía gia đình mình, nếu không thì khó có thể gắn bó lâu dài với công việc này.

Cô Nguyễn Hạnh Đoan, giáo viên Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức) dạy học sinh múa hát.
Cô Nguyễn Hạnh Đoan, giáo viên Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức) dạy học sinh múa hát.

GV PHẢI “GỒNG GÁNH”, HS THIỆT THÒI

Tình trạng thiếu GV đã ảnh hưởng đến công tác quản lý, chăm sóc trẻ. Ông Trần Văn Xinh, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc cho biết: Hiện tại, ban giám hiệu các trường MN trên địa bàn huyện phải ký hợp đồng với các GV tự do hoặc đang công tác tại một số trường. Ngoài ra, hiệu trưởng, hiệu phó, cấp dưỡng, bảo mẫu trong trường phải hỗ trợ công tác quản lý, chăm sóc trẻ tại lớp. 

Theo cô Bùi Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường MN Bình Châu, dù đã cố gắng xoay xở tìm nguồn GV hợp đồng nhưng trường vẫn còn 4 lớp chỉ có 1 GV đứng lớp. Nhà trường đã gộp 4 lớp này thành 2 lớp để các GV hỗ trợ nhau trong việc chăm sóc trẻ. Ngoài ra, bên cạnh công tác chuyên môn, hiệu trưởng và 2 hiệu phó của trường cũng phải hỗ trợ GV trong việc quản lý trẻ. Sau khi dồn lớp, sĩ số HS trong lớp “đội” lên đến 50 em.

Tương tự, tại Trường MN Ánh Dương (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), 3 năm liền (từ năm học 2015-2016 đến năm học 2017-2018), nhà trường có 7-8 lớp rơi vào tình trạng chỉ có 1 GV phụ trách. Do đó, có thời điểm, nhà trường phải hợp đồng GV dạy THCS về đứng lớp, cả nhân viên y tế, văn thư cũng được huy động làm bảo mẫu... 

Còn tại huyện Châu Đức, Trường MN Rạng Đông, Trường MN Vành Khuyên có 3 lớp, Trường MN Hoa Sen có 2 lớp, MN Tuổi thơ có 1 lớp chỉ có 1 GV đảm đương toàn bộ việc chăm sóc, giảng dạy trẻ.

Cần có chế độ, chính sách đặc thù cho GVMN

Tới đây, huyện sẽ nỗ lực tuyển dụng đủ các chỉ tiêu còn trống theo biên chế được giao để phần nào khắc phục tình trạng thiếu GVMN. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh cần xây dựng chế độ đặc thù để cải thiện đời sống cho GVMN trên địa bàn tỉnh nói chung và thu hút GV về những vùng khó khăn. 

(Ông Nguyễn Tấn Bản, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức)


Chế độ tiền lương, mức phụ cấp cho GVMN cần được nâng lên để GV ổn định cuộc sống, gắn bó với nghề. Ngoài ra, những lớp không đủ GV đứng lớp, GV phải cáng đáng khối lượng công việc lớn cũng cần được quan tâm, hỗ trợ. Bên cạnh đó, địa phương, các tổ chức Đoàn-Hội-Đội cần giảm bớt các phong trào, các hội thi, các hoạt động không cần thiết để GVMN tập trung cho hoạt động chuyên môn.

(Cô Hoàng Thị Xuân Lành,
Hiệu trưởng Trường MN Ánh Dương, huyện Châu Đức)


Để góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt, cần giảm bớt điều kiện hợp đồng thỉnh giảng đối với GVMN. Có thể bỏ điều kiện phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chỉ cần văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

(Ông Trần Văn Xinh, cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Xuyên Mộc)

Bài, ảnh: HƯƠNG CHI

.
.
.