Góp ý bằng… "nghệ thuật"
Cuộc sống vợ chồng có những lúc không tránh khỏi va chạm, không hài lòng lẫn nhau. Thay vì chê bai, nói lời thẳng thắn dễ mất lòng đối phương, tại sao ta không tìm cách góp ý nhẹ nhàng, ý nhị để đối phương vui vẻ nhận ra thiếu sót mà sửa chữa.
Minh họa của MINH SƠN. |
“Hê lô! Ăn mừng đi em”, vừa há miệng nói cười rổn rảng, ông bố lại quay sang bảo đứa con: “Hoa đâu rồi? Con tặng hoa cho mẹ ngay, còn chần chừ gì nữa? Nhanh lên”. Vừa bước chân về nhà, cô vợ ngớ người, chẳng hiểu cớ sự ra sao? Tại sao lại có chuyện hoa hòe hoa sói thế này? Cô tròn mắt ngạc nhiên: “Chuyện gì hả anh? Anh vừa trúng số độc đắc à?”. Anh chồng vẫn cười khì khì: “Ủa, em chưa biết gì à? Trung tâm kỷ lục Guiness vừa bình chọn em là người… ngủ dậy trễ nhất toàn cầu”.
Nghe đến đó, cô xụi lơ, biết tỏng mình đang bị chồng “sửa lưng”. Không chỉ sáng nay, mà gần đây hầu như ngày nào cô cũng thức dậy rất muộn. Sở dĩ vậy do từ khi chơi Facebook, cô đâm ra nghiện. Trước kia, lúc vợ chồng vào phòng ngủ, cô chỉ đọc loáng thoáng vài trang sách là chìm vào mộng đẹp. Bây giờ, khác hẳn. Có những lúc khuya khoắt, giật mình tỉnh dậy, chồng vẫn thấy cô đang miệt mài phiêu linh trong thế giới ảo. Thử hỏi, làm sao không dậy muộn?
Do đặc thù công việc của vợ, giờ giấc không nghiêm ngặt, sít sao, chỉ miễn sao hoàn thành nhiệm vụ là được. Thế nhưng, cái sự ngủ nướng ấy khiến người chồng bực mình lắm, nhất là sợ con bắt chước mẹ.
Một khi không hài lòng điều gì đó về “một nửa”, nhiều người vẫn cho rằng, khó nhất vẫn là cách góp ý thế nào để “một nửa” không tự ái, giận dỗi. Với con cái, đồng nghiệp, bạn bè anh em…, ta có thể thẳng thừng, huỵch toẹt nhưng với vợ/chồng thì đâu có đơn giản như 1 cộng 1 bằng 2. Phải cẩn trọng lời nói, cách thể hiện, bởi nếu không khéo dễ gây ra mâu thuẫn, cãi cọ.
Nghĩ vậy, anh bạn tôi bèn sáng kiến ra trò tặng hoa cho vợ là vậy. Dù sượng trân, quê độ biết chồng “đá giò lái” nhưng cô vẫn phải tủm tỉm cười. Và phải “chịu” cách góp ý này tinh tế ghê. “Này em, người ta còn cho biết hễ ai được tặng kỷ lục này thì bị tước giấy chứng nhận gia đình hạnh phúc đấy”, người chồng cứ nửa đùa nửa thật. Nghe đến đó, cô vợ thừa sức biết chồng ngụ ý than phiền, dù phát biểu trước mặt con cái nhưng cô vẫn im re, khó cãi.
Trường hợp trên, nếu người chồng cằn nhằn, la toáng lên: “Cô thật vô tích sự. Ngủ nghê thế này, ai chịu nổi? Nếu nhân viên mà lúc nào cũng 9, 10 giờ mới vác xác vào cơ quan, tôi sẽ đuổi việc ngay”. Lời nói này đúng hay sai chưa vội bàn đến, nhưng dễ dẫn đến trường hợp hoặc cô vợ đốp chát lại, hoặc lầm lì, khó chịu ra mặt rồi không thèm trả lời trả vốn. Do đó, không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia tâm lý bảo rằng, có những lúc nên chọn cách vui nhộn, hài hước nhằm “thay lời muốn nói” vẫn hiệu quả hơn.
Hôm kia, Huyền sang chơi nhà tôi, cô hết lời khen ông xã mình tinh tế, khôn khéo. Tôi ngạc nhiên quá, bởi xưa nay có bao giờ cô hào phóng lời khen dành cho chồng. Hỏi ra mới biết, đại khái, hôm đó do đi làm về muộn, chẳng rõ do quýnh quáng thế nào mà lúc đặt nồi cơm điện, cô lại quên bấm nút nấu. Mãi đến lúc cả nhà ngồi vào bàn, thức ăn khói thơm nghi ngút, bụng đói cồn cào, chỉ chờ xới cơm là đánh chén ngon lành. Vậy mà... Rơi vào tình huống này, có lẽ nhiều người bực mình lắm. Tất nhiên, Đoàn - chồng cô cũng thế. Nhưng anh ta lại hóa giải bằng cách… kể chuyện cổ tích!
Rằng, ngày xửa ngày xưa có cha con nhà nọ rất kén ăn. Ăn gì cũng chẳng thấy ngon. Thấy vậy, người vợ lấy mấy viên đá về ninh nhừ để đổi món. Vì là đá nên phải ninh, phải nấu lâu ơi là lâu. Lâu đến độ cả nhà đều đói meo. Bấy giờ, cô mới dọn cơm canh lên, lạ thay, cũng thức ăn như mọi lần nhưng lần này ai nấy cũng ăn rất ngon miệng. Chẳng mấy chốc nồi cơm cạn veo! “Đấy! Mẹ con đang làm theo chuyện cổ tích đấy”, Đoàn kết luận. Mấy đứa nhóc vểnh tai nghe rồi bật cười: “Chà, mẹ trình độ ra phết, giờ bọn con mới biết”.
Dù trễ cơm tối, nhưng rồi mọi việc vẫn đâu vào đó, chẳng gì phải lăn tăn cả. Riêng Huyền “thấm thía” lắm và cô nhớ mãi để “rút kinh nghiệm” về sau. Thế thôi. Chẳng có gì phải ầm ĩ, ồn ào cả.
Người bạn khác kể lại cách góp ý của vợ đã khiến anh ta “tâm phục khẩu phục” và sau đó thay đổi tâm tính. Cứ như theo lời kể, mỗi lần đi nhậu về, anh đâm ra trái tính nết, thích nói nhiều, ưa cằn nhằn, lè nhè. Vợ con chết khiếp, những lúc tỉnh táo, nghe vợ góp ý thì anh hối hận lắm nhưng rồi chứng nào tật nấy.
Ngày kia, lúc anh đang phồng mang trợn mắt, quát tháo như mọi lần, cô vợ bèn bí mật lấy điện thoại ra quay lại. Với chứng cứ rành rành, lúc xem lại anh giật mình, kinh ngạc tại sao lúc ấy mình trở nên đáng ghét đến vậy? Không gì vui nhộn bằng cách xem lại lúc mình trở thành “diễn viên bất đắc dĩ” trong trạng thái say bét nhè ấy, anh bạn tự nhủ rồi bật cười: “Bà xã tớ “quái” thật, có phải không?”.
Sự tinh tế trong phép ứng xử trước sự việc nào đó cũng cần thiết lắm. Bởi lẽ, hiệu quả của vấn đề đã đạt được ngon ơ, nhẹ nhàng. Có lẽ nhiều người đồng tình cùng tôi: đôi khi cũng nên tìm cách hài hước nào đó để “đương sự” dễ dàng tiếp thu ý kiến của mình. Đúng quá, tại sao lại không nhỉ?
LÊ MINH QUỐC