.

Không chủ quan với bệnh cúm A/H1N1

Cập nhật: 19:37, 04/07/2018 (GMT+7)

Trong vòng 1 tháng qua, trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã có 3 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, 7 người khác đang theo dõi điều trị bệnh này. Còn tại BR-VT, đã có 3 trường hợp mắc cúm A/H1N1. Trước tình trạng này, nhiều người đã chủ động đi chích ngừa vắc xin để phòng cúm A/H1N1.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm phòng tại Trạm Y tế phường 7 (TP. Vũng Tàu).
Kiểm tra sức khỏe cho trẻ trước khi tiêm phòng tại Trạm Y tế phường 7 (TP. Vũng Tàu).

NGƯỜI DÂN CHỦ ĐỘNG CHÍCH NGỪA CÚM A/H1N1 

Từ cuối tháng 6-2018 đến nay, ghi nhận tại các điểm tiêm ngừa cúm A/H1N1 dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhiều người dân đã đến tiêm phòng bệnh. 

Đầu tháng 7-2018, vợ chồng chị Nguyễn Thị Trúc Quyên (xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) đã đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh ở TP.Bà Rịa để tiêm phòng cúm A/H1N1. Chị Quyên chia sẻ: “Từ nhà lên đây khá xa nên chúng tôi phải đi từ sớm và ngồi chờ khá lâu mới tới lượt tiêm. Tôi được biết cúm A/H1N1 rất dễ lây nên chúng tôi quyết định không chỉ tiêm cho con, mà cả hai vợ chồng cũng tiêm ngừa”. 

Tương tự, gia đình anh Trần Minh Tâm (thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cũng đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm ngừa cúm, cúm A/H1N1 cho cả nhà. Anh Tâm nói: “Hiện nay, 2 con trai tôi đang nghỉ hè nên cả nhà sắp xếp lên đây tiêm phòng cúm. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy để phòng cúm A/H1N1, tiêm ngừa là cách phòng bệnh tốt nhất”.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh là điểm tiêm vắc xin dịch vụ có số lượng người đến tiêm ngừa cúm A/H1N1 đông nhất trong toàn tỉnh. Theo thống kê của Trung tâm, từ giữa tháng 6-2018 đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 20 người đến tiêm ngừa cúm A/H1N1, tăng gấp 3 lần so với tháng 5. Nguyên nhân khiến số lượng người đến tiêm vắc xin cúm A/H1N1 tăng mạnh trong những ngày gần đây là do người dân lo ngại trước nguy cơ dễ lây nhiễm và tử vong của bệnh này. 

Người dân ngồi chờ tiêm vắc xin phòng cúm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Người dân ngồi chờ tiêm vắc xin phòng cúm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Mặc dù lượng người tiêm vắc xin tăng cao nhưng do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã chủ động dự trữ lượng lớn vắc xin phòng bệnh cúm cho cả trẻ em, người lớn nên không xảy ra tình trạng thiếu vắc xin tại tất cả các điểm tiêm vắc xin dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vắc xin được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn nên bảo đảm chất lượng, giá vắc xin ổn định, không tăng.

ĐỂ PHÒNG NGỪA CÚM A/H1N1 HIỆU QUẢ

Theo Bộ Y tế, bệnh cúm A/H1N1 là bệnh truyền nhiễm do vi rút H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây truyền nhanh. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp khi bàn tay tiếp xúc với một số đồ vật, bề mặt bị dính chất dịch có chứa vi rút, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng… 

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, bệnh cúm A/H1N1 đặc biệt nguy hiểm cho những người có bệnh mãn tính đi kèm như: Đái tháo đường, hen phế quản, suy thận hoặc những người có sức đề kháng kém như béo phì, người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… Những ca tử vong do cúm A/H1N1 vừa qua đều nằm trong trường hợp nêu trên (2 trường hợp béo phì, 1 trường hợp bị bệnh thận mãn tính). Tiêm vắc xin là giải pháp hữu hiệu để phòng chống cúm A/H1N1. Do vậy, người dân có thể chủ động phòng bệnh bằng cách đến các cơ sở y tế (có dịch vụ tiêm vắc xin) để tiêm phòng. Người chích ngừa cúm sẽ tạo ra kháng thể chống lại vi rút khi họ bị nhiễm. Sau 1 tuần chích ngừa cúm, có thể đã tạo được kháng thể, nhưng để đạt được đỉnh phòng bệnh tối ưu thì phải mất từ 2-4 tuần sau khi chích ngừa. Đối với trẻ dưới 9 tuổi lần đầu tiêm vắc xin cúm, cần phải tiêm 2 mũi, cách nhau 1 tháng. Trẻ trên 9 tuổi, mỗi năm tiêm 1 mũi.

Tiêm phòng cúm cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN
Tiêm phòng cúm cho trẻ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Ảnh: MINH THIÊN

Để phòng ngừa cúm A/H1N1, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau: Bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh; Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, cúm A/H1N1 là loại cúm mùa khá lành tính, với các triệu chứng: Sốt, ho, nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và sổ mũi. Hầu hết người nhiễm cúm tự hồi phục trong vòng 1 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số ít trường hợp cúm có thể gây bệnh nặng hoặc tử vong. Để điều trị bệnh cúm, người bệnh nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Thuốc kháng vi-rút cúm có thể làm giảm các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong, được chỉ định  đối với các nhóm có nguy cơ cao, cần được dùng sớm (trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng). Bệnh nhân cần lưu ý, thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại vi-rút cúm.

Hiện nay, vắc xin phòng bệnh cúm A/H1N1 có sẵn tại các điểm tiêm vắc xin dịch vụ gồm: Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế 8 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, người dân có thể tiêm vắc xin ngừa cúm tại các phòng khám tư nhân đã được Sở Y tế cấp phép dịch vụ tiêm vắc xin, được đăng tải trên website của Sở Y tế http://soyte.baria-vungtau.gov.vn

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.