"Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn?"
Năm 1955, nói chuyện tại Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã nhắn nhủ thanh niên cả nước: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh BR-VT trồng cây phi lao chắn cát tại bờ biển ấp Phước Lộc (xã Phước Hưng, huyện Long Điền). Ảnh: MINH NHÂN |
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Bác cũng căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Nhắc nhớ những lời dạy tâm huyết của Bác Hồ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để thấu hiểu sâu sắc hơn chân lý bất biến về vai trò của người trẻ đối với đất nước. Bất cứ thời đại nào, điều kiện, hoàn cảnh nào, người trẻ cũng là lực lượng nòng cốt của xã hội. Vận mệnh của Tổ quốc, dân tộc phần lớn được quyết định bởi thái độ sống, ý chí quyết tâm và tinh thần cống hiến của người trẻ. Lịch sử đã chứng minh, trải qua các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân ta, nòng cốt là người trẻ, đã luôn đoàn kết thành một khối thống nhất, nêu cao tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu và khát khao chiến thắng, tạo sức mạnh tổng hợp chiến đấu giành thắng lợi cuối cùng.
Chính vì vai trò to lớn và quan trọng đối với xã hội nên người trẻ cũng chính là đối tượng được các thế lực thù địch hướng đến nhằm kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng. Tuy nhiên, dù kẻ thù có trăm phương ngàn kế dụ dỗ, mua chuộc, dù sức mạnh của đồng tiền, vật chất, lối sống xa hoa… là vô cùng khủng khiếp, nhưng quá khứ cho thấy trong vòng kìm kẹp, bủa vây, thậm chí cả tra tấn của kẻ thù, các chiến sĩ cách mạng vẫn luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, kiên quyết không sa ngã. Thế hệ những người trẻ kiên trung ấy đã tạo bức tường thành vững chãi, giúp sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vượt qua chông gai, bão tố, giành thắng lợi huy hoàng. Đó là biểu hiện sinh động tuyệt vời của sống đẹp, làm nên bản sắc của tuổi trẻ Việt Nam.
Ngày nay, xu thế thời đại có những chuyển biến mạnh mẽ, nhanh chóng nhưng vai trò của người trẻ đối với đất nước thì vẫn không thay đổi. Hành vi tụ tập, gây rối của một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là người trẻ xảy ra vừa qua tại một số địa phương phía Nam cho thấy, một bộ phận người trẻ còn non kém về nhận thức, yếu bản lĩnh, thiếu kiềm chế, dễ bị kẻ xấu kích động, lôi kéo. Dù chỉ là cá biệt, nhưng những hành vi vi phạm pháp luật ấy đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và hình ảnh đất nước. Đó là những hành vi đi ngược lại mục tiêu sống đẹp của đại đa số người trẻ.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi sức sáng tạo, sự dấn thân, khát vọng cống hiến to lớn của người trẻ. Đảng, Nhà nước ta luôn đặt trọn niềm tin và kỳ vọng vào người trẻ. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Thanh niên Việt Nam phải biết yêu thương, quý trọng con người, sống có văn hóa, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, sẻ chia, nhân ái; có tinh thần dũng cảm bảo vệ cái đúng, cái tiến bộ; đấu tranh với cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, cản trở sự phát triển; cần cù, sáng tạo trong lao động, lập nghiệp; dũng cảm trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc…”.
Lời phát biểu của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta đã thể hiện vừa khái quát, vừa cụ thể nội hàm sống đẹp của người trẻ trong thời đại mới. Đảng đặt trọn niềm tin vào người trẻ thì ngược lại, người trẻ cũng phải lấy lý tưởng của Đảng làm mục tiêu phấn đấu, cống hiến. Mỗi người, tùy vào khả năng, điều kiện cụ thể của bản thân để chọn cho mình một hướng đi phù hợp, đúng đắn mà trên hết và đầu tiên là tinh thần, thái độ thượng tôn pháp luật.
PHAN TÙNG SƠN