.

Nhiều ý tưởng mang lại lợi ích cho nông dân

Cập nhật: 18:11, 03/06/2018 (GMT+7)

Với những nghiên cứu của mình, anh Nguyễn Văn Bình, chuyên viên của Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã đem đến nhiều lợi ích cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp.

Trí thức trẻ Nguyễn Văn Bình đã có nhiều nghiên cứu, ý tưởng đem lại lợi ích cho người nông dân.
Trí thức trẻ Nguyễn Văn Bình đã có nhiều nghiên cứu, ý tưởng đem lại lợi ích cho người nông dân.

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang, anh Nguyễn Văn Bình vào làm việc tại Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh. Sau nhiều năm làm việc tại đây, anh Bình nhận thấy, vùng nuôi thủy, hải sản tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc rất có tiềm năng, đem lại lợi ích kinh tế lớn cho người dân. Tuy nhiên, độ mặn của nước biển tại khu vực này thường xuyên thay đổi đột ngột, gây khó khăn cho người nuôi. Do đó, năm 2015, anh Bình cùng đồng nghiệp tại Chi cục Thủy sản đã nghiên cứu, xây dựng biểu đồ “Dự báo sự biến đổi độ mặn của nguồn nước cấp trong nuôi trồng thủy sản tại khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung xã Phước Thuận”. Để thực hiện, anh Bình cùng đồng nghiệp đã lấy tất cả kết quả quan trắc môi trường thường xuyên mà Chi cục Thủy sản thực hiện từ năm 2010 làm căn cứ, lập một biểu đồ dự báo các chỉ tiêu, thông số của nguồn nước như độ mặn, nồng độ ôxy… vào các thời điểm trong năm. Nhờ đó, các hộ nuôi thủy sản tại xã Phước Thuận có thể chủ động lấy nước vào ao nuôi, thả giống, phòng chống các dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, có những biện pháp phòng ngừa, khắc phục khi độ mặn nằm ngoài giới hạn cho phép. Đây cũng là căn cứ để Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng khung lịch nuôi trồng thủy sản tại xã Phước Thuận.

Không chỉ trong lĩnh vực thủy sản, anh Bình còn có những ý tưởng thuộc các lĩnh vực khác trong nông nghiệp, làm lợi cho nông dân. Như ý tưởng “Ứng dụng bảo quản nhãn xuồng cơm vàng bằng màng sinh học Chitosan” đã đạt giải Ba trong Cuộc thi Ý tưởng khoa học và công nghệ tỉnh năm 2015. Anh Bình cho biết, nhãn xuồng cơm vàng là đặc sản của tỉnh. Tuy nhiên, do bà con chưa bảo quản đúng cách nên khi xuất ra thị trường thì chất lượng, giá thành giảm. Do đó, anh đã nghiên cứu ứng dụng màng sinh học Chitosan trong quá trình bảo quản loại trái cây đặc sản này. “Chitosan là chế phẩm sinh học này được làm từ vỏ các loại cua, ghẹ nên rất an toàn. Sau khi thu hoạch nhãn xuồng, bà con nông dân chỉ cần nhúng vào chế phẩm Chitosan được hòa tan trong nước với nông độ 2%, thời gian bảo quản của nhãn sẽ tăng gấp 3 lần, lên đến 30-40 ngày. Nhờ đó, nhãn xuồng cơm vàng BR-VT được nâng cao giá trị và có thể xuất đi các thị trường xa hơn thay vì chỉ một số tỉnh miền Nam như trước đây. Giá của chế phẩm này cũng khá rẻ, chỉ khoảng 500 ngàn đồng/kg và sử dụng được cho 5 tấn trái cây. Ngoài ra, chế phẩm này còn có thể sử dụng cho các loại trái cây khác như cam, quýt, bưởi, xoài… nên tăng giá trị nông sản cho nông dân”, anh Bình cho biết. 

Hiện nay, sau khi đã chuyển công tác từ Chi cục Thủy sản về Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, anh Bình đang tiếp tục nghiên cứu, liên hệ với các HTX trồng trái cây trên địa bàn tỉnh để thêm nhiều nông dân biết đến và sử dụng loại chế phẩm có ích này.

Với những đóng góp của mình nhằm tăng thêm lợi ích cho nông dân, ngày 20-5, trí thức trẻ Nguyễn Văn Bình đã vinh dự nhận được Bằng khen Thanh niên tiến tiến làm theo lời Bác năm 2018 của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Bằng khen của UBND tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.