.

Lấp "khoảng trống" tương lai cho trẻ tự kỷ

Cập nhật: 18:14, 06/06/2018 (GMT+7)

Giúp người mắc bệnh tự kỷ hòa nhập cuộc sống là hành trình đầy gian nan, đòi hỏi sự “chiến đấu” liên tục, bền bỉ của gia đình, sự chung tay của toàn xã hội. Thời gian qua, BR-VT đã rất nỗ lực để có nhiều môi trường phù hợp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ. Nhưng để bảo đảm tính liên tục cho việc can thiệp, BR-VT cần nhiều hơn những môi trường phù hợp cho người tự kỷ, khi họ đã ở tuổi trưởng thành.

Các em học sinh khuyết tật tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị (huyện Tân Thành) tham gia lớp học kết hạt cườm và làm hoa nhựa.
Các em học sinh tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hữu Nghị (TX. Phú Mỹ) tham gia lớp học kết hạt cườm và làm hoa nhựa.

HÀNH TRÌNH VƯỢT KHÓ CÙNG CON

Buổi sáng, sau khi cùng bà nội vượt quãng đường xa từ xã Phước Hưng (huyện Long Điền) đến Trường MN Hòa nhập Phước An (TP.Vũng Tàu), T. (SN 2012) lặng lẽ đi vào sân và chơi cùng các bạn.

Bố T. mất sớm, mẹ gửi em lại cho ông bà nội để lên TP.Hồ Chí Minh mưu sinh. Khi T. biết nói, thấy cháu quá khó khăn trong phát âm và không muốn chơi cùng ai, bà nội đã đưa T. đi khám và phát hiện T. mắc chứng tự kỷ. Đau lòng vì cháu còn nhỏ đã gặp nhiều bất hạnh, dù đường sá xa xôi, bà nội của T. cũng quyết tâm cho em theo học lớp can thiệp sớm tại Trường MN Hòa nhập Phước An.

Nhờ được can thiệp sớm, T. tiến bộ rất nhiều. Trước kia, ngày nào bà cháu cũng vượt hàng chục cây số tới lớp can thiệp sớm. Nay mỗi tuần T. chỉ phải đến lớp 3 buổi. Thời gian còn lại, em theo học ở một trường MN gần nhà.

Bà nội T. cho hay: “Bây giờ cháu biết nói những câu dài, thích chơi cùng bạn bè, lúc muốn đi vệ sinh thì biết nói, biết tự mặc đồ, tự phục vụ bản thân. Thấy cháu có những tiến bộ, dù nhỏ, tôi cũng rất mừng”.

Năm nay 16 tuổi, T.M, học lớp 5, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (TP.Bà Rịa) cũng mắc chứng tự kỷ. Chị H.Y - mẹ của em cho biết, khi con lên 3 tuổi, thấy có nhiều biểu hiệu không giống trẻ bình thường như: Thích làm mọi việc theo ý mình, không muốn nói chuyện, thậm chí có lúc còn tự đập đầu vào tường… chị lo lắng đưa con đi khám ở BV Nhi Đồng (TP.Hồ Chí Minh) mới biết con mắc chứng tự kỷ. Vượt qua cú sốc tinh thần, chị H.Y và gia đình bắt đầu hành trình nuôi con tự kỷ. Để có kiến thức hỗ trợ con, chị H.Y tìm đọc tài liệu viết về bệnh tự kỷ, tranh thủ thời gian chơi và nói chuyện cùng con. Đều đặn mỗi ngày, chị cùng con đến lớp can thiệp sớm. Trải qua 5 năm can thiệp sớm, giờ T.M đã có thể nói chuyện, thậm chí còn biết phụ việc nhà cho ba mẹ. Thấy con tiến bộ, chị H.Y cho con theo học trường TH gần nhà, nhưng T.M tiếp thu chậm, không thể theo kịp các bạn cùng lớp. Khi T.M lên lớp 4, chị H.Y buộc phải chuyển con vào học lớp dành cho trẻ chậm phát triển tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật. 

Trẻ em được nuôi dưỡng tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh vui chơi nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Trẻ em được nuôi dưỡng tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh vui chơi nhân Ngày hội Quốc tế thiếu nhi SCG.

ĐÃ CÓ NHIỀU MÔI TRƯỜNG CAN THIỆP TỐT CHO TRẺ TỰ KỶ

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có các trường dành cho trẻ tự kỷ (TTK) như: Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh (TP.Bà Rịa), Trường MN Hòa nhập Phước An (TP.Vũng Tàu), Trường Trí tuệ tư thục Mai Linh (huyện Châu Đức)… Tại các trường này, TTK hầu hết được học can thiệp sớm, hỗ trợ phát triển ngôn ngữ, học một số kỹ năng cần thiết để tự phục vụ bản thân.

Tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, hàng năm đều có khoảng 50 TTK theo học. Tùy vào độ tuổi, khả năng, các em được học lớp can thiệp sớm, được học văn hóa cùng nhóm trẻ khuyết tật… Trường hiện có 8 GV được học khoa giáo dục đặc biệt, trong đó có 1 GV dạy can thiệp sớm cho TTK. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh cho biết, số lượng TTK đăng ký vào trường có chiều hướng tăng. Để làm tốt quá trình giảng dạy TTK, nhà trường thường xuyên cử GV tham gia các khóa học bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ GV có kiến thức chyên môn cũng như có phương pháp, nội dung giáo dục phù hợp và chăm sóc tốt cho trẻ. Sau khi được can thiệp sớm, TTK được xếp lớp chung với các trẻ khác tại trường. 

Còn Trường MN Hòa nhập Phước An là mô hình dạy TTK hòa nhập đầu tiên ở Vũng Tàu. Không chỉ bố trí các lớp học phù hợp với điều kiện chuyên biệt, trường còn có đội ngũ GV được đào tạo bài bản chuyên về TTK chậm phát triển ngôn ngữ, trẻ tăng động kém, trẻ có khó khăn về nhận thức và học tập. Hàng tháng, GV được học tập chuyên môn, trao đổi kinh nghiệm cũng như trường mời chuyên gia về trao đổi, giảng dạy. Đồng thời, GV được gửi đi đào tạo thêm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Nhi Đồng 2… để có kiến thức chuyên môn cũng như phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Dự kiến tháng 6-2018 trường sẽ đưa vào sử dụng cơ sở mới có quy mô tiếp nhận khoảng 200 trẻ. Đây là ngôi trường được xây dựng, bố trí trang thiết bị dạy - học hiện đại với 11 phòng học bán trú dành cho khối MN và khối chuyên biệt. Mỗi phòng học rộng 60m2. Đặc biệt, trường sẽ có những phòng học chức năng dành cho TTK lứa tuổi can thiệp sớm như phòng tâm vận động, có hồ bơi trị liệu cảm giác, có khu vườn sinh thái cho các em trồng rau, có hồ cát nhỏ để trị liệu xúc giác, có góc trị liệu âm thanh... Đây là mô hình gần như đáp ứng đầy đủ yêu cầu để hỗ trợ cho TTK. 

Học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật biểu diễn văn nghệ  trong Ngày hội Quốc tế thiếu nhi SCG 2018.
Học sinh Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội Quốc tế thiếu nhi SCG 2018.

NHỮNG “KHOẢNG TRỐNG” CẦN LẤP ĐẦY

Đến thời điểm này, cơ bản TTK đã được can thiệp sớm đối với trẻ dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, ở độ tuổi lớn hơn vẫn còn là nỗi băn khoăn của các nhà trường và phụ huynh, bởi hầu hết các em vẫn cần môi trường chuyên biệt để phát triển, tránh bị ngắt quãng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh, TTK có một sự chênh lệch đáng kể về trí tuệ so với trẻ cùng trang lứa. Vì vậy, TTK muốn phát triển về trình độ văn hóa như trẻ bình thường là rất khó. Sau quá trình can thiệp sớm cũng như kết thúc học tại trường khuyết tật, các em muốn học ở các trường THCS, THPT cũng không thể do không theo kịp các bạn. Do vậy, thường thì sau khi kết thúc giai đoạn can thiệp sớm, trẻ sẽ được phụ huynh đón về nhà và không cho đi học tiếp. Hiện trường có 8 TTK tới 16 tuổi mới chỉ học xong lớp 5 tại trường được gia đình đón về nhà. “Trước khó khăn này, chúng tôi rất mong muốn có môi trường dành cho TTK ở lứa tuổi tiếp theo nhằm hỗ trợ cho các em”, ông Dũng nói. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, sau giai đoạn can thiệp sớm, tốt nhất nên cho TTK hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa ở các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh. Nhưng để bảo đảm được việc giáo dục cho TTK thì đội ngũ GV phải được đào tạo, có phương pháp giảng dạy phù hợp với TTK. Hiện tại Trường CĐ Sư phạm tỉnh đã đưa nội dung giáo dục tâm lý, kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật và TTK vào chương trình đào tạo của trường. Đây là một trong rất ít trường sư phạm của cả nước đưa chương trình này vào đào tạo bắt buộc cho SV của trường. Trường cũng đã mở khóa bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy cho GV tại các trường chuyên biệt dạy trẻ khuyết tật và TTK. 

Theo bà Lê Thị Chính Lan, Hiệu trưởng Trường MN Hòa nhập Phước An, quá trình nuôi con, gia đình cần lưu ý tới những biểu hiện bất thường như: Trẻ chỉ làm theo ý của mình, trẻ không có sự tập trung, trẻ muốn nói điều gì chỉ dùng cử chỉ để giao tiếp… Đây đều là dấu hiệu nhận biết TTK. Do đó, gia đình nên đưa trẻ đi khám để bác sĩ tư vấn bởi biểu hiện ở mỗi TTK sẽ có mức độ khác nhau. Khi không may có con TK thì bản thân cha mẹ phải học cách chấp nhận sự khác biệt của trẻ và bình tĩnh tìm trường hoặc trung tâm chuyên biệt dành cho con. TTK khi được phát hiện và can thiệp sớm đúng cách trước 3 tuổi vẫn có nhiều cơ hội phát triển.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRÚC

.
.
.