.

Không chủ quan với bệnh dại

Cập nhật: 18:16, 10/06/2018 (GMT+7)

Theo thống kê của Bộ Y tế trong 3 tháng đầu năm 2018, cả nước có 16 trường hợp chết do bệnh dại. Riêng tại BR-VT từ năm 2007 đến nay mặc dù chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại, tuy nhiên trong cộng đồng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ mắc bệnh dại.

 Tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu.
Tiêm phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu.

Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 12.000 người phải tiêm vắc xin phòng dại, chủ yếu do bị chó cắn. Riêng trong năm 2017, toàn tỉnh có 3.620 trường hợp bị chó cắn, tăng 60 trường hợp so với năm 2016, tăng 380 trường hợp so với năm 2015.

Theo báo cáo của Chi cục Thú y, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 68.000 con chó, mèo, với tỷ lệ tiêm phòng đạt 85%. Như vậy vẫn còn khoảng hơn 13.000 con chó, mèo không được tiêm ngừa bệnh dại. Đây là mối nguy tiềm ẩn bệnh dại cao trong cộng đồng, nhất là khi tình trạng chó thả rông, không được rọ mõm vẫn còn phổ biến. 

Ông Trần Đức Quân, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y cho biết: “Vẫn còn quá nhiều chó, mèo chưa được tiêm ngừa theo quy định. Nguyên nhân, một phần vì tốn kém chi phí, một phần vì ý thức của người dân chưa cao. Để phòng ngừa và giảm tỷ lệ người mắc bệnh dại, những người có vật nuôi là chó, mèo cần có ý thức và chủ động tiêm ngừa, đồng thời hạn chế việc thả rông chó khi không rọ mõm.

Về cách xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Nếu vết thương nhẹ, không sâu, người dân cần nhanh chóng dùng dung dịch sát khuẩn thông thường hoặc xà bông để rửa sạch vết thương, sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn. Với các vết thương sâu, rộng thì đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế để được xử lý, tránh làm dập nát thêm vết thương.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hiếu, bệnh dại là bệnh không có thuốc điều trị, một khi đã lên cơn dại, bệnh nhân sẽ tử vong nên việc tiêm ngừa càng sớm càng tốt sau khi bị súc vật cắn là biện pháp bảo vệ tốt nhất. Bệnh nhân nên tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Tại BR-VT, hiện nay, vắc xin phòng, chống bệnh dại trên người có tại 9 điểm tiêm gồm: Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế 8 huyện, thị, thành phố. Vắc xin phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo có tại các cơ sở thú y tư nhân trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, Chi cục Thú y thường xuyên phối hợp địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho chó, mèo tại trụ sở khu phố, thôn, ấp, hoặc tại nhà.

Theo Nghị định 90 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15-9-2017, cơ quan chức năng sẽ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-300 ngàn đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật. Chủ nuôi chó vi phạm 1 trong 3 lỗi sau: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt từ 600-800.000 đồng. Đối với trường hợp người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 đến 1 triệu đồng. 

Bài, ảnh: NGUYỄN THI

.
.
.