.

Được "vàng" càng thêm lo!

Cập nhật: 17:07, 08/06/2018 (GMT+7)

Hai ông ngồi “tám” ở quán cà phê. Một ông buột miệng than:

- Thật là một cuộc đua khốc liệt!

- Chết! Lại đua xe à, ở đâu thế, có thanh niên nào bị lạc đạn không?

- Tui đang nói cuộc đua vào lớp 10 và công lập năm nay, chớ không phải “tám” đua xe. 

- Ờ, ờ, dùng từ “đua” quá đúng. Năm  nay Hà Nội có hơn 94.000 “dê vàng” giành suất vào lớp 10, chỉ tuyển 62.000 em,  TP. Hồ Chí Minh có hơn 100.000 “dê vàng” thi vào lớp 10, chỉ tuyển 40.000 em. Các tỉnh thành khác, tỷ lệ “chọi” giữa các “dê vàng” cũng rất cao. 

- Bởi vậy trước ngày thi, hàng ngàn thí sinh ở Hà Nội mới lũ lượt vào Văn Miếu -  Quốc Tử Giám sờ đầu rùa cầu may. 

- Phép thắng lợi tinh thần thôi. Cơ bản vẫn là sức học của mình. Số suất vào trường công có hạn, nếu không đậu thì dù là “dê vàng” thì cũng phải vào trường dân lập thôi.  

- Học phí của trường dân lập cao lắm, gấp hai, ba lần so với trường công, người nghèo không thể nào theo kịp.  

- Thì chuyển sang học nghề. Ra trường có nghề nghiệp vững vàng, dễ dàng xin được việc làm. Rần rần thi vào đại học mà ra trường không có việc làm thì cũng thua “anh” tốt nghiệp trường nghề. 

- Thì nhãn tiền kia rồi: Năm 2017, hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. 

- Sau cuộc đua “dê vàng” tranh suất vào lớp 10 là cuộc đua của 125.000 “heo vàng” tranh suất vào lớp 6. 

- Tuy không thi nhưng phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, hồi hộp và căng thẳng hơn cả thi đại học. 

- Nói thiệt với ông anh, vì ham “dê vàng” mà năm nay tui quá mệt. 

- Còn tui khoái “heo vàng” nên giờ này ăn ngủ không yên… 

SÁU BẾN ĐÌNH

.
.
.