Từ tháng 7-2018: Sử dụng vắc xin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, từ tháng 7-2018, tỉnh BR-VT sẽ triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Để làm rõ hơn vấn đề này, PV Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu). |
* Phóng viên: Đề nghị bác sĩ cho biết kế hoạch triển khai tiêm vắc xin 5 trong 1 ComBE Five thay thế vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem tại tỉnh BR-VT?
- Bác sĩ Nguyễn Văn Thái: Vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TMCR) cho trẻ dưới 1 tuổi trong suốt hơn 7 năm qua (từ tháng 6-2010). Đây là loại vắc xin phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Vừa qua, do nhà sản xuất Berna Biotech của Hàn Quốc đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem nên Bộ Y tế đã chọn loại vắc xin tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế. Loại vắc xin thay thế được chọn là ComBE Five do Ấn Độ sản xuất. Loại vắc xin thay thế sẽ được triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh/thành phố nhằm rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên toàn quốc. Tỉnh BR-VT sẽ triển khai sử dụng vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem từ ngày 25-7.
* Khi triển khai tiêm vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem, ngành y tế gặp những trở ngại gì, thưa bác sĩ?
- Trở ngại lớn nhất đó là, hiện nay đang xuất hiện những thông tin trái chiều lan truyền trên các trang mạng xã hội về việc tiêm vắc xin, khiến phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chủng hoang mang, lo lắng. Các thông tin này đưa ra những luận cứ, luận điệu xuyên tạc, phản khoa học, kêu gọi tẩy chay vắc xin.
Trước tình hình này, ngành y tế đã có kế hoạch truyền thông sâu rộng về tầm quan trọng và lợi ích của vắc xin thay thế được đưa vào TCMR từ tháng 7-2018; Chủ động cung cấp đầy đủ thông tin cho cha mẹ và cộng đồng về vắc xin thay thế này, vận động và khuyến khích các cha mẹ và gia đình hưởng ứng, phối hợp cùng ngành y tế cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch; Kịp thời cung cấp thông tin chính xác, giảm thiểu ảnh hưởng tin đồn không đúng về vắc xin và tiêm chủng, duy trì niềm tin, sự hưởng ứng của cộng đồng với TCMR.
* Để việc triển khai tiêm vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem đạt hiệu quả cao, phòng tránh những rủi ro do phản ứng của vắc xin, ngành y tế có những biện pháp gì, thưa bác sĩ?
- Bất cứ loại thuốc hay vắc xin nào cũng có một số phản ứng phụ sau tiêm. Tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, sẽ có những phản ứng khác nhau, trong đó không loại trừ một số trường hợp phản ứng nặng có thể xảy ra. Do đó, quy trình tiêm chủng, theo dõi, xử lý sau tiêm phải được thực hiện nghiêm ngặt. Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh thực hiện một số công việc trước khi triển khai vắc xin ComBE Five. Cụ thể, tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách y tế dự phòng từ tuyến tỉnh, huyện đến tuyến xã; cấp phát tài liệu liên quan đến vắc xin cho các tuyến; bảo đảm các quy định về an toàn tiêm chủng tại các điểm tiêm; giám sát việc thực hiện, triển khai trong những ngày tiêm vắc xin ComBE Five thay thế Quinvaxem tại các điểm tiêm chủng...
Sau khi tiêm vắc xin, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút. Sau khi trẻ được về nhà, phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất 24 giờ sau tiêm. Khi có các dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám kịp thời.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
NGUYỄN THI
(thực hiện)