Bảo vệ môi trường - nhiệm vụ cấp bách - Bài 2: Kiên trì mục tiêu phát triển bền vững
Công tác bảo vệ môi trường (BVMT) được Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Do đó, trong Chỉ thị 27-CT/TU ngày 23-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành, các địa phương và toàn thể người dân cùng chung tay BVMT, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
NHIỀU ĐƠN VỊ ĐÃ VÀO CUỘC
Mô hình “Nông thôn không rác” do Công ty khí Nam Côn Sơn tổ chức để người dân sống gần hệ thống đường ống dẫn khí có chỗ bỏ rác, tránh gây ô nhiễm trong khu dân cư. |
“Khu dân cư tự quản BVMT” là mô hình được UBMTTQ TP.Vũng Tàu xây dựng từ tháng 8-2013. Sau hơn 4 năm triển khai, đã có 86/86 khu dân cư trên địa bàn TP.Vũng Tàu đăng ký thực hiện mô hình này, trong đó nhiều khu phố thực hiện tốt, góp phần BVMT tại các khu dân cư.
Một người dân ở khu phố 5 (phường Thắng Tam, TP.Vũng Tàu) cho biết, khu phố 5 nằm dọc đường Xô Viết Nghệ Tĩnh gần chợ, bến xe và có 456 nhà trọ nên việc BVMT trong từng ngõ hẻm của khu phố gặp nhiều khó khăn. Ý thức BVMT của người dân, đặc biệt là những người ở trọ còn nhiều hạn chế nên các ngõ hẻm thường có nhiều rác và dơ bẩn. Sau gần 4 năm triển khai mô hình “Khu dân cư tự quản BVMT”, hầu hết người dân trong khu phố đã nhận thức rõ lợi ích của việc BVMT, tích cực tham gia quét dọn, thu gom rác trong khu dân cư, không xả rác bừa bãi... Nhờ đó, vệ sinh môi trường tại khu phố được cải thiện rõ rệt.
Nhằm BVMT, trong quá trình hoạt động, KCN Phú Mỹ 3 (huyện Tân Thành) đặc biệt chú trọng đến công tác xử lý nước thải. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 cho biết, KCN xây dựng hạ tầng theo hướng đạt chuẩn quốc tế, trong đó khâu xử lý nước thải được công ty đặc biệt coi trọng. Do đó, từ năm 2012, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã chuyển đổi tiêu chuẩn của nhà máy xử lý nước thải của KCN Phú Mỹ 3 từ cột B sang cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN-MT. Việc này nhằm hướng đến mục tiêu chung của tỉnh, đó là phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Ông Huỳnh Sơn Thái, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 29 hồ chứa nước. Nhằm bảo vệ nguồn nước, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án bảo vệ 5 hồ chứa: Suối Giàu, Đá Bàng, Tầm Bó, Lồ Ô và Đá Đen. Ngoài ra, Sở NN-PTNT cũng đã lập phương án bảo vệ nguồn nước đối với 7 hồ; thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các hồ chứa nước còn lại trên địa bàn tỉnh. Ngoài các giải pháp trên, Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh có chủ trương di dời các trang trại chăn nuôi không đạt tiêu chuẩn xử lý chất thải vào khu chăn nuôi tập trung của tỉnh; di dời các trại chăn nuôi nằm trong lưu vực các hồ chứa nước sinh hoạt…
Vừa qua, huyện Châu Đức cũng đã rà soát toàn bộ các cơ sở chăn nuôi có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Đá Đen. Theo đó, đối với 18 cơ sở chăn nuôi nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, huyện Châu Đức yêu cầu bắt buộc di dời. Đối với 30 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, huyện yêu cầu chủ các cơ sở xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và bố trí các hồ chứa nước thải nằm ngoài phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước.
TIẾP TỤC TẬP TRUNG XỬ LÝ CÁC ĐIỂM “NÓNG”
Cán bộ và người dân huyện Long Điền thu gom rác trên bãi biển Hải Hà. |
Trước vấn nạn ô nhiễm môi trường, ngày 23-3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 27-CT/TU về công tác quản lý, BVMT. Trong Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT cho người dân; xử lý dứt điểm các “điểm nóng” về môi trường.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện tỉnh BR-VT cũng đã có phương án xử lý các điểm ô nhiễm môi trường trọng điểm; sắp xếp lại các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao để quản lý. Theo đó, một trong những chủ trương lớn của tỉnh là di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư. Tỉnh đã quy hoạch CCN Hòa Long, với quy mô 50ha, tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng, phục vụ việc di dời 141 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Bà Rịa và CCN Phước Thắng, với quy mô 40ha, tổng mức đầu tư 746 tỷ đồng, phục vụ việc di dời 351 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang triển khai xây dựng 2 CCN này.
Trong lĩnh vực chế biến hải sản, tỉnh đã quy hoạch 2 khu chế biến hải sản tập trung gồm: Khu chế biến hải sản tập trung 38ha tại xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) và khu chế biến hải sản tập trung 22,5ha tại xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). 2 khu chế biến hải sản tập trung này hiện đang hoàn thiện hạ tầng. Ngoài ra, tỉnh cũng đang khảo sát địa điểm đầu tư xây dựng khu chế biến hải sản tập trung 75ha ở khu vực Phước Cơ (phường 12, TP.Vũng Tàu) và ấp An Thạnh (xã An Ngãi), diện tích khoảng 20ha.
Để giải quyết ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra, Sở TN-MT đã đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm việc chăn nuôi thành vùng tập trung, không gây ảnh hưởng đến thượng nguồn các hồ cấp nước; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi… di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch và BVMT.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
ĐỒNG CHÍ TRẦN ĐÌNH KHOA, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH: Cần có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và DN BVMT là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, cần có sự vào cuộc của chính quyền, người dân và DN. Bên cạnh các giải pháp mà Chỉ thị 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu, cần phải xây dựng bộ tiêu chí về môi trường đối với các địa phương để giúp các cơ quan BVMT có thêm công cụ đánh giá mức độ thực hiện quy định về BVMT. Đối với các xã nông thôn mới, phải hoàn thành 5 nội dung về BVMT. Đối với các cơ sở chăn nuôi quy mô dưới 50 con nằm trong khu dân cư, cần hướng dẫn và hỗ trợ người dân xây hầm biogas… Riêng đối với các hồ cấp nước, phải gắn trách nhiệm cho từng địa phương. |
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh BR-VT giai đoạn 2017-2020. Theo đó, các dự án ưu tiên thực hiện trong giai đoạn này gồm: Dự án đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại huyện Côn Đảo với công suất 20 tấn/ngày; Dự án cải tạo kênh Bến Đình; Dự án đầu tư hạ tầng 2 khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Long Điền và TP.Vũng Tàu để di dời các cơ sở chế biến hải sản… Tổng kinh phí thực hiện Đề án 8.255 tỷ đồng. |