.

Nhiều nông dân đổi đời sau khi học nghề

Cập nhật: 18:32, 09/05/2018 (GMT+7)

Để tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định, xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) đã tập trung đào tạo hiệu quả các nghề lao động nông thôn (LĐNT) như: Kỹ thuật xây dựng, lái máy kéo, nghề hàn, phục vụ bàn, nuôi hải sản… Sau khi học nghề, hầu hết người dân đều có việc làm, tăng thu nhập và dần thoát khỏi cảnh nghèo. 

Anh Lê Văn Tài, xã Long Sơn làm việc trên công trường xây dựng.
Anh Lê Văn Tài, xã Long Sơn làm việc trên công trường xây dựng.

Dẫn chúng tôi đi thăm các lồng cá đang nuôi trên sông Chà Và, anh Nguyễn Văn Lai, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu cho biết, hiện mỗi năm gia đình anh thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng từ nghề nuôi cá. Năm 2016 trở về trước, gia đình anh Lai thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, năm 2016 anh mạnh dạn tham gia lớp học nghề do địa phương tổ chức. Được học nghề ngay trên chính bè cá của gia đình, anh Lai có cơ hội thực hành và tiến bộ nhanh, nhờ vậy anh đã tổ chức nghề nuôi cá rất hiệu quả. Từ kỹ thuật tăng năng suất cho tới cách nhận biết cá đang có bệnh… sau khi học đã được anh tự tin áp dụng vào thực tế và dần có thu nhập ổn định, thoát khỏi diện hộ nghèo vào cuối năm 2017. Hiện anh Lai đang nghiên cứu để mở rộng phạm vi nuôi cá. “Nhờ có kỹ thuật, áp dụng cách chăn nuôi khoa học nên năng suất nuôi cá dần tăng đã cho gia đình chúng tôi thu nhập khá hơn. Hiện nay, bà con Long Sơn đã không còn nuôi cá dựa trên kinh nghiệm, thói quen như xưa nữa. Vì thế, từ cảnh phải lo ăn từng bữa nay kinh tế gia đình tôi cũng như nhiều hộ dần có tích lũy”, anh Lai nói.

Không chỉ tập trung vào dạy nghề gắn với mô hình sản xuất cho LĐNT, lựa chọn nghề phù hợp với địa phương, nhất là với lao động thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, xã Long Sơn còn tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia các lớp đào tạo nghề. Đặc biệt là tổ chức dạy các lớp nghề phi nông nghiệp. Thông qua việc khuyến khích người dân học nghề, xã Long Sơn không chỉ giúp nông dân nâng cao năng suất lao động mà quan trọng hơn là nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề nhằm từng bước chuẩn hóa lao động ở địa phương. Ngoài những chính sách đào tạo nghề, xã Long Sơn còn phối hợp với các DN ký văn bản hợp tác nhận lao động vào làm việc sau đào tạo. Năm 2017, anh Lê Văn Tài, cùng 30 nông dân xã Long Sơn tham gia lớp học kỹ thuật xây dựng. Sau 3 tháng học nghề ngắn hạn, anh Tài biết thêm nhiều về kỹ thuật xây dựng như: cách bắt giàn kết cấu an toàn, phương pháp xây nhà kiên cố… Không những vừa có chứng chỉ nghề kỹ thuật xây dựng mà anh Tài còn được giới thiệu tham gia vào nhóm công nhân xây dựng với mức thu nhập 300 ngàn đồng/ngày. Anh Tài chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo chuẩn quốc gia. Vợ chồng tôi đều đi làm phụ hồ để nuôi hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Trước kia tôi từng đi theo tàu đánh cá phụ việc nhưng mỗi chuyến ra khơi kéo dài hàng tháng nhưng thu nhập thấp nên tôi quyết định tham gia học nghề để chuyển đổi việc làm. Sau khi học nghề, tôi còn được anh em trong lớp hỗ trợ xây cất, sửa sang lại căn nhà dột nát. Giờ gia đình tôi không chỉ có nhà cửa khang trang mà vợ chồng còn có công việc ổn định”.

Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT tiếp tục phát huy hiệu quả, ông Nguyễn Võ Anh Tài, Phòng LĐTBXH TP.Vũng Tàu cho biết, Phòng LĐTBXH cùng với xã Long Sơn khuyến khích nông dân học nghề có thể đón đầu các cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Chẳng hạn, năm 2017, có 30 lao động trong xã đã được Công ty TNHH Hóa dầu An Sơn phối hợp với Trường TC Kỹ thuật công đoàn đào tạo nhằm phục vụ cho Dự án Hóa Dầu Long Sơn. “Đào tạo gắn với công việc cụ thể, xuất phát từ những đòi hỏi của thực tế và dự báo nhu cầu trong tương lai là những giải pháp tốt nhất để thu hút người học và tạo công ăn việc làm hiệu quả”, ông Nguyễn Võ Anh Tài nói. 

Nhằm thực hiện giải pháp giải quyết việc làm, tạo thêm việc làm mới cho LĐNT, từ 2013 tới nay, xã Long Sơn đã đào tạo 11 nghề cho gần 900 lao động. Hiện lao động sau khi học nghề đều có thu nhập từ 6-7,5 triệu đồng/tháng. Riêng năm 2017 có 119 lao động được đào tạo các nghề: Sản xuất nông nghiệp, kỹ năng nấu bếp, nghề hàn điện và nghề lái xe nâng hàng, trong đó 35 lao động học nghề nông nghiệp và 84 người học nghề phi nông nghiệp.

Bài, ảnh: TUYẾT MAI

.
.
.