.

Tai nạn lao động có chiều hướng tăng

Cập nhật: 18:49, 22/05/2018 (GMT+7)

BR-VT bình quân mỗi năm xảy ra trên 300 vụ tai nạn lao động (TNLĐ). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, TNLĐ tại BR-VT đang có chiều hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ nghiêm trọng. TNLĐ đang để lại nhiều hậu quả khôn lường và là nỗi đau chưa bao giờ nguôi với các gia đình nạn nhân.

NỖI ĐAU THEO SUỐT CUỘC ĐỜI

Công nhân Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam trong giờ làm việc.
Công nhân Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam trong giờ làm việc.

Trong ngày làm việc giữa tháng 2-2017, anh Đoàn Minh Vũ (SN 1988), công nhân bộ phận QC Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ II, TX.Phú Mỹ) khi đang kiểm tra phôi nứt thì bị cẩu phôi thép cà nát 3 ngón tay của bàn tay trái. Anh Vũ nhanh chóng được đưa tới Trung tâm y tế TX.Phú Mỹ cầm máu, xử lý vết thương và chuyển lên Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.Hồ Chí Minh điều trị. Hội đồng Giám định y khoa tỉnh kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của anh Vũ là 16%. Anh Vũ nói: “Đến giờ, tôi vẫn chưa quên ngày xảy ra tai nạn với mình. Chỉ vì một phút lơ là mà tôi phải mang thương tật suốt đời. Qua đây, tôi có được bài học về sự cẩn thận, tuân thủ mọi quy chuẩn về an toàn lao động”.

Có nhiều vụ TNLĐ khiến người lao động phải mang thương tật suốt đời, mất khả năng lao động và trở thành người tàn phế, sống phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân. Nghiêm trọng hơn, có những TNLĐ khiến người lao động tử vong. Tháng 3-2018, anh Lê Văn Tèo (SN 1984), công nhân Công ty Avtech (nhà thầu phụ Công ty TNHH Posco Việt Nam) trong khi đang leo lên mái tôn xem các công nhân khác làm việc thì bất ngờ bị trượt chân té xuống đất, tử vong tại chỗ. Ông Lê Văn Trận, ba của anh Tèo cho biết: “Khi bị nạn, con tôi mới vào công ty làm được 4 ngày. Mấy hôm trước, Tèo còn động viên ba má giữ sức khỏe để chờ nó đi làm kiếm đủ tiền về sửa sang lại nhà cho ba má. Con trai mất, con dâu cũng bỏ đi, để lại đứa cháu nội chưa tròn 5 tuổi cho vợ chồng tôi nuôi”.

Đến thăm một số gia đình mất người thân vì TNLĐ trên địa bàn tỉnh, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn nỗi đau, sự mất mát. Đó không chỉ là mất mát về trụ cột lao động của gia đình mà còn mất mát lớn về tinh thần. Chị Hồng Cẩm Nhung, vợ anh Doãn Văn Quang (SN 1986), lái xe nâng tại Công ty TNHH CS Wind Việt Nam cho biết, ngày 11-1-2018, trong quá trình lái xe nâng cẩu ống tháp gió lên cao, anh Quang bị nắp ống tháp gió rơi xuống đè lên người gây tử vong tại chỗ. Đến giờ, chị Nhung vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại giây phút nhận tin chồng mất vì TNLĐ: “Tôi lặng người vì không dám tin vào sự thật. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ, không biết rồi sau này sẽ phải nói với các con thế nào”. Vợ chồng chị Nhung kết hôn từ năm 2014 và có 2 con (con lớn mới 3 tuổi, con nhỏ 8 tháng tuổi). Cuộc sống đang yên bình, hạnh phúc thì sóng gió ập tới. Bế đứa con nhỏ trên tay, chị Nhung nói trong nghẹn ngào: “Nhiều đêm tôi lặng người khi nghe con lớn hỏi, mẹ ơi, ba con đâu?. Khi ấy, tôi chỉ có thể nói với con rằng, ba đang đi làm xa, khi nào con lớn ba sẽ về. Tôi nghĩ, tôi có thể lo cho các con về vật chất, nhưng không bù đắp được nỗi mất cha của các con”.

ĐỂ HẠN CHẾ TNLĐ

Hội đồng ATVSLĐ tỉnh thăm gia đình anh Lê Văn Tèo (SN 1984), công nhân Công ty Avtech (nhà thầu phụ Công ty TNHH Posco Việt Nam).
Hội đồng ATVSLĐ tỉnh thăm gia đình anh Lê Văn Tèo (SN 1984), công nhân Công ty Avtech (nhà thầu phụ Công ty TNHH Posco Việt Nam).

Theo điều tra của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, thời gian qua, dù công tác tuyên truyền, huấn luyện được đẩy mạnh nhưng công tác ATVSLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, tình hình TNLĐ vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, tình trạng DN sử dụng công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu có nhiều nguy hiểm, độc hại chưa được kiểm soát chặt chẽ, tiềm ẩn nguy cơ, sự cố TNLĐ. DN áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ còn thấp, chưa thực hiện nghiêm việc kiểm soát, đánh giá rủi ro TNLĐ, xây dựng phương án bảo đảm an toàn, dẫn tới số vụ TNLĐ có chiều hướng tăng cao, có nhiều vụ TNLĐ chết người. Điều này đang gióng lên hồi chuông cánh báo về công tác bảo đảm về ATVSLĐ.

Nói về nguyên nhân TNLĐ, ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng Phòng Chính sách- ATLĐ (Sở LĐTBXH) nhận định, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là do người lao động chưa chấp hành quy định về ATVSLĐ trong quá trình làm việc. Quá trình đầu tư công nghệ, thiết bị kiểm soát tại các DN được thực hiện sơ sài, nên quá trình vận hành dễ xảy ra các sự cố về an toàn. Công tác ATVSLĐ tại các DN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, người lao động không được huấn luyện lao động hoặc huấn luyện còn sơ sài. Cũng theo ông Nguyễn Phi Hùng, khi TNLĐ xảy ra thì thiệt hại đối với DN cũng rất lớn, ngoài các chi phí bồi thường thiệt hại, chi phí sửa chữa máy móc thiết bị, ngừng sản xuất… thì uy tín, thương hiệu của DN bị ảnh hưởng.

Để hạn chế thiệt hại do TNLĐ gây ra, ông Trần Thanh Quang, Phó Phòng an toàn môi trường, Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam cho rằng, TNLĐ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vì thế, để hạn chế TNLĐ, cần tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức cho lao động. Đồng thời kỷ luật thật nghiêm đối với lao động vi phạm quy tắc, quy trình về an toàn. DN phải xây dựng văn hóa về ATVSLĐ. “Đối với công ty chúng tôi, bất kỳ TNLĐ nào xảy ra cũng đều được điều tra, xác định vấn đề cốt lõi. Qua đó, thực hiện các giải pháp để tránh xảy ra TNLĐ. Tôi nghĩ, để bảo đảm ATVSLĐ thì trước hết người sử dụng lao động phải tạo môi trường an toàn và người lao động phải tuân thủ các  quy định này. Trọng tâm mà công ty hướng tới trong công tác ATVSLĐ vẫn là con người”, ông Quang khẳng định.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về Luật ATVSLĐ, công tác ATVSLĐ trong các DN và lao động tự do. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ DN  trong công tác huấn luyện ATVSLĐ, áp dụng mô hình ATVSLĐ, hệ thống quản lý ILO-OSH về ATVSLĐ vào hoạt động của DN. Hơn nữa, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm ra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại các DN, cơ sở sản xuất kinh doanh và xử lý nghiêm các vụ vi phạm…

Bài, ảnh: TUYẾT MAI

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN THANH TỊNH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH:

Cần quan tâm hơn nữa công tác ATVSLĐ

Tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chủ yếu xảy ra TNLĐ là do nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác ATVSLĐ trong các DN vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế, dẫn tới chưa tuân thủ các quy định, quy trình ATVSLĐ. Hơn nữa, công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ còn hạn chế, hệ thống pháp luật về ATVSLĐ vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với mô hình DN nhỏ và siêu nhỏ. Việc xử lý theo pháp luật về ATVSLĐ chưa nghiêm. Tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn, nhiều DN vẫn còn đầu tư thấp cho công tác ATVSLĐ. Vì thế, công tác ATVSLĐ cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa, hoạt động về ATVSLĐ phải đổi mới phù hợp với tình hình, xu thế phát triển của thời đại.


Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 331 vụ TNLĐ làm 339 người bị nạn, trong đó có 11 vụ TNLĐ chết người (So với năm 2016, toàn tỉnh tăng 5 vụ TNLĐ). Riêng 4 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ làm chết 7 người.

Toàn tỉnh hiện có 181 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp, trong đó chủ yếu là bệnh điếc nghề nghiệp.

(Theo báo cáo tình hình TNLĐ của Hội đồng ATVSLĐ tỉnh)

 

.
.
.