.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công: Cần giải quyết vướng mắc về xác nhận tiêu chuẩn ưu đãi

Cập nhật: 18:53, 07/05/2018 (GMT+7)

Cùng với cả nước, 5 năm qua (2013-2017), BR-VT đã thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh Ưu đãi người có công (ƯĐNCC) với cách mạng, góp phần chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công (NCC). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, còn bộc lộ một số bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Bà Rịa khám bệnh cho ông Bùi Ngọc Quế, cán bộ lão thành cách mạng, 85 tuổi, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa.
Bác sĩ Trung tâm Y tế TP. Bà Rịa khám bệnh cho ông Bùi Ngọc Quế, cán bộ lão thành cách mạng, 85 tuổi, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa.

MỞ RỘNG NHIỀU ĐỐI TƯỢNG NCC ĐƯỢC HƯỞNG ƯU ĐÃI

Theo báo cáo của Sở LĐTBXH, việc thực hiện Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung một số điều ƯĐNCC với cách mạng, Pháp lệnh số 05/2012/UBTVQH13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” và Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã mở thêm đối tượng và điều kiện để xét hưởng chế độ NCC, nâng số hồ sơ người có công và thân nhân lên 36.500 hồ sơ. Riêng từ năm 2013-2017, đã có 7.956 hồ sơ được xét duyệt. Trung bình mỗi tháng, 7.682 lượt đối tượng NCC được giải quyết chế độ trợ cấp với số tiền lên đến 13,3 tỷ đồng. 

Ngoài các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước, BR-VT còn huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ NCC về nhà ở, khám chữa bệnh miễn phí, tặng quà, trợ giúp khó khăn. Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH nhận định, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh ƯĐNCC với cách mạng năm 2012 đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh nhiều chế độ ƯĐNCC phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, khả năng tài chính của đất nước trong giai đoạn mới, góp phần nâng cao đời sống NCC.

CÒN NHỮNG VƯỚNG MẮC

Đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách ưu đãi dành cho NCC ngày càng mở rộng, song thực tế vẫn có nhiều trường hợp chịu thiệt thòi vì chưa đủ điều kiện để được công nhận NCC. Bà Lê Thị Trang Đài dẫn chứng: Có những trường hợp là liệt sĩ nhưng do không có danh sách liệt sĩ lưu tại cơ quan, đơn vị được lập trước ngày 31-12-1994 hoặc không có phần mộ được an táng trong nghĩa trang liệt sĩ và đã gắn bia từ ngày 31-12-1994 trở về trước nên không đủ căn cứ để xác nhận liệt sĩ theo quy định. Đối với thân nhân NCC cách mạng, theo quy định hiện nay, vợ liệt sĩ tái giá mới chỉ được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, chưa được hưởng các chế độ nhà ở, BHYT, điều dưỡng…

Ông Nguyễn Văn Thảo, Phó Phòng LĐTBXH huyện Xuyên Mộc nêu khó khăn: “Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ƯĐNCC, địa phương gặp không ít trường hợp là người có công thật sự nhưng vì không đầy đủ hồ sơ, giấy tờ bị thất lạc, hay không có hồ sơ để được hưởng ưu đãi; Chẳng hạn, nhiều đối tượng thực tế tham gia kháng chiến tại vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học nhưng không có giấy tờ chứng minh thời gian tham gia chiến trường. Để có thể giải quyết cho những đối tượng này, cần có những quy định để tháo gỡ”. 

Về khó khăn này, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, một số quy định của Pháp lệnh về hồ sơ thủ tục còn quá chặt, chưa phù hợp với thực tế cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nên còn một bộ phận NCC với cách mạng chưa được xác nhận và hưởng chế độ. Do đó, các sở, ngành cần phân tích rõ, chỉ ra những điểm chưa hợp lý để báo cáo đề xuất phương án tháo gỡ sớm nhất đối với những trường hợp bị vướng mắc.

Bài, ảnh: MAI THIÊN

.
.
.