Đừng chủ quan với việc bó thuốc trị thương
Trong y học cổ truyền lưu truyền khá nhiều bài thuốc có tác dụng chữa lành nhanh những chấn thương do tai nạn. Tuy nhiên thời gian qua, tại các bệnh viện (BV) ghi nhận trường hợp hoại tử, biến chứng xương khớp do bó các bài thuốc nam chữa thương. Điều này khiến người bệnh băn khoăn không biết lựa chọn sao cho đúng.
Bệnh nhân bị chấn thương gãy xương chân điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa. |
BIẾN CHỨNG DO BÓ THUỐC TRỊ THƯƠNG
Vừa qua, BV Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP.Hồ Chí Minh tiếp nhận bé trai 8 tuổi bị gãy chỏm quay tay trái lâu ngày có biến chứng cứng khớp khuỷu. Nguyên nhân khiến bé bị thương nặng lại là do gia đình đưa bé đến thầy lang để bó thuốc sau khi bị ngã ở trường. Bác sĩ chẩn đoán bị gãy xương chỏm quay nhưng vì không được chẩn đoán, điều trị đúng nên chỏm quay bị hoại tử và dính chặt mô xơ, gây biến chứng giới hạn cử động khớp.
Tại BR-VT cũng từng xảy ra những trường hợp bị biến chứng nguy hiểm từ việc bó thuốc nam chữa chấn thương do tai nạn. Chẳng hạn, trường hợp của ông P.H. M. 54 tuổi, ở huyện Đất Đỏ không may bị ngã khiến cẳng chân sưng, đau nhức và không thể đi lại được. Ông nghĩ mình chỉ bị bong gân nên đã đặt mua một loại thuốc nam dạng bột có tác dụng trị thương. Mỗi ngày, ông đều đặn đắp và thay thuốc bột đắp ở chân. Sau vài ngày đắp bột thuốc, chân ông có đỡ đau nhưng vẫn không di chuyển được, còn da chân thì phồng rộp, có chỗ da loét, viêm mủ. Ông lo lắng vào trung tâm y tế khám, chụp X-Quang cho thấy xương cẳng chân ông bị gãy trong tình trạng di lệch chưa được chỉnh. Bác sĩ cho biết, nếu cứ để như vậy khoảng vài tuần nữa xương tự liền sẽ dẫn tới lệch trục, gây tàn tật.
Hay trường hợp ông Nguyễn Văn B., 89 tuổi ở huyện Tân Thành bị trượt chân ngã, chấn thương ở sườn. Ông B. được người nhà đưa đến chữa tại một thầy lang. Thầy lấy dải băng y tế đặt lên bàn, múc dung dịch dạng hồ đổ vào rồi quấn ngang hông và kê hơn chục gói thuốc nam, dặn về nhà uống theo chỉ dẫn ghi trên bao bì. Ban đầu ông thấy đỡ đau nhưng sau đó toàn thân đau nhức, không cử động được và bị viêm loét phù xung quanh vết bó, ông phải nhập viện để điều trị. Kết quả chụp X-Quang cho thấy ông bị gãy 2 xương sườn, viêm phổi do điều trị sai cách.
Tại Trung tâm Giám định Pháp y tỉnh cũng đã từng giám định cho một trường hợp đánh nhau bị gãy xương tay. Ban đầu nạn nhân chỉ bị tổn thương 10% nhưng sau đó nạn nhân thay vì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, lại tự đến thầy lang điều trị bằng cách đắp thuốc nam khiến cho vết thương bị lở loét, hoại tử, xương gãy bị lệch.
CHỮA TRỊ SAO CHO ĐÚNG
Theo bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Khoa Đông y, BV Lê Lợi, những trường hợp kể trên đều là do bệnh nhân không đến khám bác sĩ để xác định tình trạng chấn thương mà đến các “thầy lang” chữa bằng các bài thuốc gia truyền chưa được chứng nhận. Trong thành phần các bài thuốc nam trị chấn thương có chứa quế, hồi, long não, băng phiến… có tính nóng, chỉ sử dụng hiệu quả trong trường hợp đau khớp do hàn lạnh. Trường hợp chấn thương, nếu dùng có thể dẫn đến nhiễm trùng, hoại tử vết thương. Chưa kể, một số bài thuốc chữa thương, đau nhức xương khớp có vị mã tiền nếu không được xử lý tốt sẽ rất độc cho cơ thể.
Nắn bó, đắp thuốc trị chấn thương là một trong những phương pháp chữa trị của y học cổ truyền. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ ứng dụng với một số tình trạng tổn thương xương không gãy hở, gập góc, rời… Do đó, khi bị chấn thương, bệnh nhân cần được chụp X-Quang để bác sĩ chẩn đoán xác định tình trạng thương tích. Nếu bệnh nhân gãy nhẹ, chỉ cần đeo đai cố định thì có thể kết hợp với bó một số bài thuốc nam giúp kích thích làm lành nhanh vết thương gãy.
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Bà Rịa, khi bị chấn thương do tai nạn cần phải bình tĩnh và tổ chức sơ cứu ngay. Trường hợp tai nạn gãy tay, chân cần dùng nẹp để cố định xương. Nếu trường hợp bệnh nhân bị tổn thương cột sống ở vùng cổ nên giữ bệnh nhân nằm yên, dùng vật cứng như bao cát, bao nước, gối cứng chèn cố định cổ cho nạn nhân và gọi cấp cứu 115; chấn thương cột sống ở những vùng khác thì dùng ván hoặc giường bố để di chuyển bệnh nhân và đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Bài, ảnh: MINH THIÊN