Các anh sống mãi trong ký ức…
Chiến tranh đã qua đi, thế nhưng các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ, niềm tiếc thương về những người thân đã hy sinh trong kháng chiến. Với các Mẹ, những hồi ức về người chồng, người con, người thân đã mãi ra đi không chỉ là niềm tự hào bất diệt mà còn là tấm lòng sắt son của các Mẹ đối với Tổ quốc thiêng liêng.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chính kể cho thanh thiếu niên tại địa phương nghe câu chuyện về chiếc bình toong đựng nước uống - di vật của chồng Mẹ trong chiến tranh. |
Đã nhiều lần đến thăm nhà của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chính (SN 1937, ấp Cây Cám, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ), chúng tôi luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện Mẹ kể về thời kỳ kháng chiến gian khổ, hào hùng. Năm 2016, chứng bệnh tắc nghẽn động mạch dẫn đến chân trái của Mẹ bị hoại tử và phải cắt bỏ. Tuy vậy, khi biết có khách đến thăm, Mẹ Chính trên chiếc xe lăn đã tự mình di chuyển. Mẹ nói: “Để mẹ tự làm, bấy nhiêu đây đâu khó khăn gì”. Hành động ấy của Mẹ khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ trước nghị lực phi thường của một người ở độ tuổi xưa nay hiếm như Mẹ. Nhớ về những năm tháng chiến tranh, Mẹ kể: Chuyện kháng chiến dài lắm, dài như chính những năm xa chồng, xa con để hoạt động cách mạng. Trong những năm kháng chiến, Mẹ Nguyễn Thị Chính từng tham gia công tác tiếp tế lương thực, vũ khí, nuôi giấu bộ đội; đào hầm, mở đường phục vụ quân đội. Nhiều lần Mẹ bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhưng nhất quyết không khai lấy một lời.
Trong hồi ức của Mẹ, kỷ niệm sâu đậm nhất vẫn là 2 lần chia tay mãi mãi người chồng và người con thương yêu. Cầm trên tay chiếc bình toong đựng nước uống - di vật của người chồng trong chiến tranh, Mẹ bỗng lặng im, mắt nhìn về xa xăm như để tưởng nhớ về người chiến sĩ anh dũng Trần Văn Thắng. Ông Thắng từng là Đại đội trưởng Đại đội C30, thuộc Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh. Năm 1968, ông hy sinh trong một lần hành quân và dính trái bom gài của địch tại chiến trường thuộc khu vực xã Xuân Sơn (nay là xã Lâm Sang, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Hơn 4 năm sau, Mẹ Nguyễn Thị Chính mới nhận được tin chồng đã hy sinh. Nén nỗi đau mất chồng, Mẹ tiếp tục kiên cường phục vụ cách mạng.
Đến tháng 6-1975, trong không khí cả nước mừng miền Nam được hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, Mẹ lại tiếp tục nhận tin người con trai đầu của Mẹ - chiến sĩ Trần Văn Thành (SN 1952) hy sinh khi làm nhiệm vụ tiếp quản vùng giải phóng tại một đơn vị thuộc Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh. Với Mẹ Nguyễn Thị Chính, sự tàn bạo của kẻ thù, sự hy sinh mất mát của chồng, con càng thêm hun đúc ý chí kiên cường của Mẹ.
Còn Mẹ VNAH Võ Thị Rô (SN 1927, ở ấp Phú Vinh, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), dù mang theo vết thương bên mắt phải từ sau những trận đòn tra tấn dã man của địch trong kháng chiến và hiện nay Mẹ đã không còn nhìn rõ ánh sáng. Nhưng với Mẹ, những ký ức về sự hy sinh của 2 người con cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vẫn không thể nào phai mờ trong tâm trí.
Năm 1967, Mẹ nhận được tin người con trai đầu - ông Nguyễn Văn Bé (SN 1945) hy sinh khi làm nhiệm vụ gài mìn chống Trung Đoàn thiết giáp 11 của địch càn vào khu vực xã Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai ngày nay). “Khi hài cốt của anh được đưa về, Mẹ khóc thương, không ăn uống suốt mấy ngày liền”, bà Trúc con gái của Mẹ kể lại. Hơn 3 tháng sau, tiếp tục người con gái Nguyễn Thị Chút (SN 1947) hy sinh khi cùng các đồng đội của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh Bà Rịa - Long Khánh làm nhiệm vụ vận chuyển khoai mỳ qua khu vực huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai). Nén nỗi đau liên tiếp mất đi 2 người con, Mẹ Võ Thị Rô kiên cường vượt qua bom đạn ác liệt của chiến tranh, bí mật phục vụ cách mạng cho đến ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng.
Cũng như Mẹ Chính, Mẹ Rô, trở về cuộc sống đời thường, các Mẹ luôn là địa chỉ đỏ để các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân nhân, nhất là thế hệ trẻ tìm đến. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, trên địa bàn tỉnh có tổng số hơn 1.000 người được Chính phủ phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ VNAH”; trong đó hiện nay có 38 Mẹ VNAH đang còn sống. Để chăm lo cho đời sống của các Mẹ, những năm qua, các cấp, ngành, chính quyền từ tỉnh đến địa phương đã thực hiện nhiều phần việc thiết thực như: Xây dựng, sửa chữa nhà ở; thăm, tặng quà, khám bệnh, kê thuốc định kỳ ngay tại nhà cho các Mẹ. Có những mạnh thường quân, DN đã nhận phụng dưỡng, chăm sóc các Mẹ suốt đời; đoàn viên, thanh niên phân công nhau thường xuyên tới lui để chăm sóc, trò chuyện cho các Mẹ khuây khỏa…
Đến với các Mẹ, ai từng tiếp xúc, lắng nghe và thấu hiểu đều chung một cảm nhận hết sức thiêng liêng về những khó khăn, gian khổ và niềm tự hào dân tộc của các Mẹ. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ai nấy đều cảm phục và tự hào qua những câu chuyện kể hào hùng của các Mẹ; từ đó tiếp lửa cho thế hệ sau về truyền thống cách mạng anh hùng; hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể, tiếp bước cha ông trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH